Vị trí và chức năng
Phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là đơn vị trực thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước, có chức năng tham mưu giúp Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông, theo dõi, tổng hợp thông tin có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực miền Bắc.
Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham mưu trình Cục trưởng:
a) Chiến lược, cơ chế, chính sách và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước;
b) Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm trong lĩnh vực tài nguyên nước; những nội dung về kinh tế tài nguyên nước theo quy định;
c) Quy hoạch, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án về tài nguyên nước; kế hoạch điều hòa, phân phối tài nguyên nước, phục hồi các nguồn nước liên tỉnh bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; các kế hoạch, biện pháp phòng, chống, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, ứng phó tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước;
d) Phương án giải quyết tranh chấp, bất đồng phát sinh trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
đ) Phương án, biện pháp điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông; e) Văn bản chấp thuận về phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trong quy hoạch vùng, tỉnh thành phố trực thuộc trung ương; chấp thuận về nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng nước đối với quy hoạch thủy lợi, thủy điện, cấp nước và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước do các bộ, cơ quan ngang bộ lập và các hoạt động có liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước theo thẩm quyền;
g) Danh mục lưu vực sông liên tỉnh; danh mục lưu vực sông nội tỉnh, danh mục nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia; danh mục các đầm, ao, hồ, phá không được san lấp trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông liên tỉnh thuộc phạm vi quản lý;
h) Nhiệm vụ công bố dòng chảy tối thiểu, ngưỡng giới hạn khai thác của các tầng chứa nước, các khu vực dự trữ nước, các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất; điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông thuộc phạm vi quản lý.
i) Nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ủy ban lưu vực sông theo quy định.
2. Chủ trì tổ chức xây dựng, thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các nội dung trong phạm vi quản lý:
a) Quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông thuộc phạm vi quản lý để bảo đảm an ninh nguồn nước.
b) Lập, điều chỉnh quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; phân loại các nguồn nước và lập danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước theo quy định; giám sát việc triển khai thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.
c) Xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện các biện pháp duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, hạ lưu các hồ chứa, đập dâng xác định dòng chảy tối thiểu trong sông; hướng dẫn việc thực hiện các quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện dòng chảy tối thiểu.
d) Phân loại nguồn nước theo mức độ ô nhiễm, cạn kiệt; lập kế hoạch phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, phục hồi, cải tạo các nguồn nước, dòng sông bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.
đ) Lập kế hoạch điều hòa, phân phối tài nguyên nước, phục hồi các nguồn nước liên tỉnh bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch điều hòa, phân phối tài nguyên nước.
e) Thống kê, kiểm kê, đánh giá, dự báo tài nguyên nước; xây dựng, cập nhật và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước; hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở trung ương; xây dựng báo cáo tài nguyên nước quốc gia, báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước và các chỉ tiêu thống kê tài nguyên nước thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tài nguyên và môi trường; cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước; công bố tình trạng khan hiếm nước, thiếu nước trên các lưu vực sông và việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước, hạn chế khai thác, sử dụng nước theo quy định của pháp luật.
g) Điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông liên tỉnh; tổ chức nghiên cứu xác định sự biến đổi lòng dẫn, các quy luật tự nhiên tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông; nghiên cứu đề xuất các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông liên tỉnh
3. Chủ trì tổ chức thẩm định, cho ý kiến trình Cục trưởng:
a) Danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, phương án hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực đăng ký khai thác nước dưới đất, vùng cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất, ngưỡng khai thác nước dưới đất; hướng dẫn xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật.
b) Cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi, cấp lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất; phê duyệt, điều chỉnh, thông báo việc truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; chấp thuận việc chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; có ý kiến đối với việc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
c) Các dự án xây dựng hồ chứa về việc đáp ứng các yêu cầu bảo vệ, khai thác, sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu tài nguyên nước và sự phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước; kế hoạch phòng, chống và phục hồi các nguồn nước nội tỉnh bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập; thẩm định dự án chuyển nước lưu vực sông; góp ý đối với quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện:
a) Các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm trong lĩnh vực tài nguyên nước sau khi được ban hành.
b) Khoanh định vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, xác định ngưỡng giới hạn khai thác của các tầng chứa nước, các khu vực dự trữ nước, khu vực bổ sung nhân tạo nước dưới đất;
c) Biện pháp khai thác, sử dụng, tổng hợp hiệu quả nguồn nước trên các lưu vực sông đối với các hồ chứa và việc bảo vệ lòng, bờ bãi sông, bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy; việc tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, phòng, chống sụt, lún đất trong thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước; chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các biện pháp hạn chế sụt, lún đất do thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
d) Việc xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và phương án ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước của tổ chức, cá nhân theo quy định. đ) Việc thực hiện các quy định về quan trắc, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông , kiểm tra việc xây dựng , vận hành hệ thống quan trắc , giám sát tài nguyên nước quốc gia , địa phương; quản lý hoạt động điều tra cơ bản , quan trắc, giám sát tài nguyên nước và quản lý, vận hành hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; xác nhận kết nối quan trắc tài nguyên nước.
e) Theo dõi, giám sát việc vận hành xả nước của các hồ chứa theo quy trình, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của giấy phép;
5. Đề xuất các chủ trương, chính sách hợp tác về tài nguyên nước với các quốc gia trong khu vực có chung nguồn nước với Việt Nam; tham gia thực hiện việc trao đổi thông tin liên quan đến nguồn nước liên quốc gia; tham gia đàm phán, gia nhập, thực hiện cam kết, điều ước quốc tế và các dự án hợp tác, các tổ chức, diễn đàn quốc tế về tài nguyên nước, lưu vực sông; tổ chức theo dõi, giám sát, tổng hợp tình hình về các nguồn nước liên quốc gia, đề xuất Cục trưởng xử lý các vấn đề có liên quan.
6. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về tài nguyên nước; tuyên truyền, giải đáp pháp luật về tài nguyên nước; tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về tài nguyên nước theo quy định và theo phân công của Cục trưởng.
7. Thực hiện việc kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định, phối hợp thanh tra theo sự phân công của Cục trưởng.
8. Chủ trì công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về tài nguyên nước, trả lời ý kiến của cử tri, chuẩn bị nội dung phục vụ các kỳ họp quốc hội.
9. Quản lý cán bộ, công chức, tài sản của Phòng theo quy định;
10. Báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng phân công.
Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình có Trưởng phòng và không quá 02 Phó Trưởng phòng.
2. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng, trước pháp luật về các nhiệm vụ được giao và điều hành mọi hoạt động của Phòng.
3. Phó Trưởng phòng giúp việc Trưởng phòng, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng, trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
(Trích Quyết định số 369/QĐ-TNN Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của phòng Lưu vực sông Hồng – Thái Bình)