Trang nhất » Hỏi đáp

Lên phía trên
Điều kiện về hồ sơ năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước?
Câu hỏi:
Hồ sơ năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước cần có những gì?
Trả lời:
Theo Điều 11 Nghị định  60/2016/NĐ-CP quy định:

1. Tổ chức, cá nhân hành nghề khi thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước phải có hồ sơ chứng minh năng lực đáp ứng các quy định của Nghị định này.

2. Hồ sơ năng lực đối với trường hợp là tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước:

a) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 5 và các giấy tờ, tài liệu, hợp đồng để chứng minh việc đáp ứng yêu cầu đối với các hạng mục công việc có quy định điều kiện khi thực hiện (nếu có) theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Nghị định này;

b) Danh sách đội ngũ cán bộ chuyên môn, người được giao phụ trách kỹ thuật; bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, văn bằng đào tạo, giấy phép hành nghề (nếu có), hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng; các tài liệu, giấy tờ để chứng minh kinh nghiệm công tác của từng cá nhân đáp ứng yêu cầu quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 8 của Nghị định này;

c) Danh mục máy móc, thiết bị chuyên dùng được sử dụng để thực hiện đề án, dự án và tài liệu chứng minh việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 10 của Nghị định này.

3. Hồ sơ năng lực đối với trường hợp là cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước:

a) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, văn bằng đào tạo;

b) Các tài liệu, giấy tờ để chứng minh kinh nghiệm công tác của cá nhân đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này.

4. Tổ chức, cá nhân hành nghề phải nộp hồ sơ năng lực cho cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc tổ chức cá nhân thuê lập đề án, báo cáo để làm căn cứ lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện về năng lực thực hiện đề án, dự án, báo cáo.
Lên phía trên
Việc xả thải theo hình thức tự thấm vào lòng đất có vi phạm luật tài nguyên nước hay không?
Câu hỏi:
Nhà máy sản xuất mủ Cao su của tôi nằm xa Khu dân cư, xả nước thải ra hồ sinh học của Nhà máy và tự thấm xuống đất với lưu lượng 22m3/ngày.đêm. Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn. Vậy việc xả thải theo hình thức tự thấm vào lòng đất có vi phạm luật tài nguyên nước hay không?
Trả lời:
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời: 
Nước thải như trường hợp Bạn nêu, mặc dù dù đã được xử lý đạt quy chuẩn nhưng vẫn là nươc thải. Vì vậy, theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 của Luật TNN, hồ sinh học của Nhà Máy phải được chống thấm. Việc không chống thấm mà để tự thấm xuống đất là vi phạm pháp luật về TNN.
Lên phía trên
Điều kiện cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất?
Câu hỏi:
Để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất cần những điều kiện gì ?
Trả lời:
Trả lời:
Theo Điều 4, Nghị định  60/2016/NĐ-CP Quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường  quy định Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước khoan nước dưới đất cần có những điều kiện sau để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất:
1. Có quyết định thành lập tổ chức của cấp có thẩm quyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Người đứng đầu tổ chức (Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc) hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề (sau đây gọi chung là người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật) phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên và có ít nhất 04 năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất 05 công trình khoan nước dưới đất.
Trường hợp không có một trong các văn bằng quy định nêu trên thì phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề, đã trực tiếp thi công ít nhất 10 công trình khoan nước dưới đất và phải có chứng nhận đã qua khóa tập huấn kỹ thuật về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất do Cục Quản lý tài nguyên nước hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức;
b) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 05 công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm trở lên;
c) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất 07 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 03 công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;
d) Người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải là người của tổ chức, cá nhân hành nghề hoặc có hợp đồng lao động với tổ chức, cá nhân hành nghề theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp hợp đồng lao động là loại xác định thời hạn thì tại thời điểm nộp hồ sơ, thời hạn hiệu lực của hợp đồng lao động phải còn ít nhất là 12 tháng.
3. Máy khoan và các thiết bị thi công khoan phải bảo đảm có tính năng kỹ thuật phù hợp đáp ứng quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Lên phía trên
Doanh nghiệp phải có Giấy phép xả thải thì mới được phép xả nước thải sau xử lý vào nguồn tiếp nhận?
Câu hỏi:
Doanh nghiệp phải có Giấy phép xả thải thì mới được phép xả nước thải sau xử lý vào nguồn tiếp nhận hay chỉ xử lý nước thải đạt Quy chuẩn quy định về xả nước thải thì được phép xả nước thải vào nguồn tiếp nhận?
Trả lời:
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật về TNN, Doanh nghiệp phải có Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước mới được phép xả nước thải vào nguồn nước đó.
Lên phía trên
Thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đối với đầu tư mở rộng sản xuất và đầu tư xây dựng thêm hệ thống xử lý nước thải mới?
Câu hỏi:
Nhà máy sản xuất có hệ thống xử lý nước thải đã được cấp phép xả thải. Sau đó nhà máy này đầu tư mở rộng sản xuất và đầu tư xây dựng thêm hệ thống xử lý nước thải mới bên cạnh hệ thống xử lý nước thải cũ đã được cấp phép. Tại thời điểm giấy phép xả thải hiện nay đã sắp hết hạn, Công ty muốn làm hồ sơ xin cấp phép xả thải cho cả 2 hệ thống xử lý (Hệ thống xử lý giai đoạn 2 mới đang trong giai đoạn xây dựng).
Như vậy trong trường hợp này Công ty sẽ phải làm “Báo cáo xả thải” hay làm “Đề án xả thải”?
Công ty có cần phải làm gia hạn xả thải cho hệ thống cũ nữa hay không?
Trả lời:
Trả lời:

Trường hợp này Công ty phải lập Báo cáo xả nước thải nguồn nước theo như quy định hướng dẫn lập Báo cáo tại Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 trong đó phải báo cáo rõ những nội dung hiện trạng của hệ thống xử lý đang có và phương án xử lý đối với hệ thống xử lý mới được xây dụng.

Công ty không làm hồ sơ gia hạn cho hệ thống xử lý nước thải cũ mà ghép chung với nội dung Bao cáo xả thải.
Lên phía trên
Thủ tục xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước?
Câu hỏi:
Cơ sở sản xuất của tôi có phát sinh nước thải đến mức phải cấp phép, tuy nhiên quanh vị trí cơ sở không có sông, suối, hồ, mương thoát nước, nước thải sau sản xuất được xử lý qua các ao và tự thấm xuống đất. Như vậy cơ sở chúng tôi có phải làm thủ tục xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước.
Trả lời:
Trả lời:
Việc xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào, tự thấm xuống đất và tất cả các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất; gian lận trong việc xả nước thải là các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Luật Tài nguyên nước. Như vậy, cơ sở sản xuất của bạn xả nước thải chưa qua xử lý hoặc sau khi xử lý vào lòng đất dưới bất kỳ hình thức nào đều là vi phạm hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. 
Lên phía trên
Cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước cần phải đáp ứng những điều kiện?
Câu hỏi:
Cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước cần phải đáp ứng những điều kiện nào?
Trả lời:
Đối với cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 60/2016/NĐ-CP Quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đó là:

-  Là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài có giấy phép lao động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về lao động;

-  Có văn bằng đào tạo trình độ từ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhiệm vụ được giao. Các văn bằng này được các cơ sở đào tạo của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp theo quy định của pháp luật;

 Đồng thời,  theo Điều 9 Nghị định  60/2016/NĐ-CP, cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước cần đảm bảo các điều kiện sau đây:

1. Chuyên ngành đào tạo phải phù hợp với loại đề án, báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.

2. Kinh nghiệm công tác:

a) Đối với việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có ít nhất 15 năm kinh nghiệm và đã là người phụ trách kỹ thuật của ít nhất 07 đề án, báo cáo;

b) Đối với việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Có ít nhất 08 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước và đã là người phụ trách kỹ thuật của ít nhất 05 đề án, báo cáo.

3. Cùng một thời điểm, cá nhân tư vấn độc lập chỉ được nhận tư vấn lập 01 đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.
Lên phía trên
Điều kiện đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước?
Câu hỏi:
Điều kiện đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 8 Nghị định  60/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước như sau:

1. Số lượng cán bộ chuyên môn:

a) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Có ít nhất 03 cán bộ được đào tạo các chuyên ngành quy định tại khoản 2 của Điều này;

b) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Có ít nhất 02 cán bộ được đào tạo các chuyên ngành phù hợp với quy định tại khoản 2 của Điều này.

2. Chuyên ngành đào tạo:

a) Đối với đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển: Bao gồm các chuyên ngành đào tạo liên quan đến nước mặt, nước biển (thủy văn, hải văn, thủy văn công trình, thủy văn môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước);

b) Đối với đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất: Bao gồm các chuyên ngành đào tạo liên quan đến nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật);

c) Đối với đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước: Bao gồm các chuyên ngành đào tạo liên quan đến môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường).

3. Kinh nghiệm công tác:

a) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 03 đề án, báo cáo. Trong đó, người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 đề án, báo cáo;

b) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 01 đề án, báo cáo. Trong đó, người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 03 đề án, báo cáo.

4. Cùng một thời điểm, người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo chỉ đảm nhận phụ trách kỹ thuật tối đa không quá 03 đề án, báo cáo.
Lên phía trên
Quy định về điều kiện đối với người phụ trách kỹ thuật khi tham gia vào các đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước?
Câu hỏi:
Khi tham gia vào các đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước những người phụ trách kỹ thuật cần phải có điều kiện gì ?
Trả lời:
Theo Điều 6 Nghị định  60/2016/NĐ-CP Quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường quy định:

1. Đối với đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước:

a) Chuyên ngành đào tạo: Được đào tạo một trong các chuyên ngành về thủy văn, hải văn, địa chất thủy văn, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước;

b) Kinh nghiệm công tác: Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, lập quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã tham gia thực hiện ít nhất 03 đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước;

c) Cùng một thời điểm, chỉ đảm nhận phụ trách kỹ thuật tối đa không quá 03 đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước.

2. Đối với dự án lập quy hoạch tài nguyên nước:

a) Chuyên ngành đào tạo: Được đào tạo một trong các chuyên ngành về thủy văn, địa chất thủy văn, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước;

b) Kinh nghiệm công tác: Có ít nhất 07 năm kinh nghiệm trong hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, lập quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã tham gia thực hiện ít nhất 05 đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước;

c) Cùng một thời điểm, chỉ đảm nhận phụ trách kỹ thuật tối đa không quá 02 dự án lập quy hoạch tài nguyên nước.
Lên phía trên
Quy định về điều kiện năng lực chuyên môn của tổ chức tham gia thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước?
Câu hỏi:
Những cán bộ chuyên môn của tổ chức tham gia thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước cần phải đảm bảo những điều kiện nào?
Trả lời:
Theo Điều 6 Nghị định  60/2016/NĐ-CP Quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường:

1. Đối với tổ chức thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước:

a) Cơ cấu chuyên môn: Có ít nhất 05 cán bộ được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến nước mặt, nước biển (thủy văn, hải văn, thủy văn công trình, thủy văn môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước), nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật), môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường), quản lý tài nguyên nước hoặc các chuyên ngành đào tạo khác có liên quan đến tài nguyên nước. Cơ cấu cán bộ chuyên môn phải phù hợp với nội dung cụ thể của từng đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước;

b) Kinh nghiệm công tác: Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã trực tiếp tham gia thực hiện ít nhất 02 đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước.

2. Đối với tổ chức thực hiện dự án lập quy hoạch tài nguyên nước:

a) Cơ cấu chuyên môn: Có ít nhất 07 cán bộ được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến nước mặt, nước biển (thủy văn, hải văn, thủy văn công trình, thủy văn môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước), nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật), môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường), quản lý tài nguyên nước hoặc các chuyên ngành đào tạo khác có liên quan đến tài nguyên nước. Cơ cấu cán bộ chuyên môn phải phù hợp với nội dung cụ thể của từng dự án lập quy hoạch tài nguyên nước;

b) Kinh nghiệm công tác: Có ít nhất 04 năm kinh nghiệm liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã trực tiếp tham gia thực hiện ít nhất 03 đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước.
Lên phía trên
V/v tái sử dụng bùn thải của hệ thống xử lý nước thải để đưa chung vào lò sản xuất gạch làm phụ gia tăng nhiệt lượng sản xuất gạch?
Câu hỏi:
Chúng tôi là Công ty chuyên sản xuất gạch. Hiện nay chúng tôi đang có nhu cầu tái sử dụng bùn thải của hệ thống xử lý nước thải của một doanh nghiệp cùng tỉnh để đưa chung vào lò sản xuất gạch làm phụ gia tăng nhiệt lượng sản xuất gạch (bùn thải này đã được sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai chứng nhận là chất thải rắn công nghiệp thông thường qua kết quả phân tích đúng quy định). Nhưng chúng tôi lại được Sở hướng dẫn là phải đợi Bộ ban hành Thông tư về làm Phương án về tái sử dụng chất thải rắn thông thường và quy định về xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường thì Sở mới có ý kiến cho chúng tôi làm.
Vậy xin được hỏi, khi nào thì Bộ mới có các quy định này để chúng tôi có thể tái sử dụng chất thải thông thường vào quy trình sản xuất. Trong khi chưa có quy định thì chúng tôi vẫn tiến hành làm có được không?
Trả lời:
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời:
 
Bùn thải được thu gom từ hệ thống xử lý nước thải khi đã được phân định không phải là chất thải nguy hại thì được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 04 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu. Việc sử dụng bùn thải (phát sinh từ cơ sở khác trong cùng tỉnh) làm phụ gia trong quá trình sản xuất gạch như bạn nêu là hoạt động là hoạt động được khuyến khích theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và các quy định dưới luật có liên quan. Do hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo Thông tư về quản lý chất thải thông thường, quản lý sản phẩm thải bỏ và tiêu hủy xe ưu đãi miễn trừ nên trong thời gian trước mắt nên đối với mỗi vụ việc cụ thể nếu hoạt động nêu trên không phù  hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc các hồ sơ, giấy tờ khác đã được phê duyệt thì cần có văn bản báo cáo cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (kèm theo bản mô tả chi tiết hoạt động nêu trên) để được xem xét, hướng dẫn. Trong trường hợp hoạt động nêu trên phù hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc các hồ sơ, giấy tờ khác thì được phép thực hiện với điều kiện đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định.
 
 
Lên phía trên
Công ty tôi có được xả nước thải đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn loại A vào nguồn tiếp nhận mà tại đó không còn khả năng tiếp nhận nước thải không?
Câu hỏi:
Tôi xin hỏi quý cơ quan về nội dung sau:
Tôi đang xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. nguồn tiếp nhận là suối ông Tấn, suối này tiếp nhận nước thải của 01 nhà hàng phục vụ ăn uống và nước thải của Công ty Tôi. Công ty tôi đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải phát sinh, kết quả phân tích hàng năm cho thấy đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 40 (cột A). Theo quy định tôi phải Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước theo quy định, tuy nhiên khi đánh giá xong thì suối không còn khả năng tiếp nhận nước thải. Kết quả phân tích nước cho thấy nước suối đa bị ô nhiễm một số chất. Tôi xin hỏi: Công ty tôi có được xả nước thải đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn loại A vào nguồn tiếp nhận nói trên không? Nếu không thì vì sao?
2. Công ty Tôi trước đây chỉ xử lý nươc thải sinh hoạt bằng hệ thống bể tự hoại, theo kết quả phân tích thì đều đạt QCVN (loại B), sau đó chảy vào hệ thống thoát nước chung của khu vực thì có được cấp giấy phép xả nước thải hay không?
Trả lời:
Trả lời:
Khả năng tiêp nhận nước thải của nguồn nước là một trong nhưng yêu cầu, điều kiện khi xem xét, thẩm định hồ sơ cấp phép. Trường hợp nguồn nước tiếp nhận nước thải của Công ty không còn khả năng tiếp nhận nước thải với các thông số ô nhiễm có trong nước thải của Công ty sau khi xử lý đạt đến QCVN 40, cột A thì Công ty phải có biện pháp xử lý nước thải bảo đảm các thông số này đạt Quy chuẩn ở mức cao hơn cột A trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận. Hoặc Công ty có thể lựa chọn nguồn nước tiếp nhận khác còn khả năng tiếp nhận.
Lên phía trên
Quy định về cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước?
Câu hỏi:
Công ty Tôi trước đây chỉ xử lý nươc thải sinh hoạt bằng hệ thống bể tự hoại, theo kết quả phân tích thì đều đạt QCVN (loại B), sau đó chảy vào hệ thống thoát nước chung của khu vực thì có được cấp giấy phép xả nước thải hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước, việc xả nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung mà hệ thống đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và có thỏa thuận hoặc hợp đồng xử lý, tiêu thoát nước thải với tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đó thì Công ty không phải xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Trường hợp hệ thống thoát nước chúng của khu vực chưa được cấp giấy phép xả nước thải, Công ty của bạn phải được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Lên phía trên
Tôi muốn khoan giếng để lấy nước để sinh hoạt và để chăm nuôi thì có phải xin phép không?
Câu hỏi:
Hiện tôi muốn khoan giếng để lấy nước để sinh hoạt và để chăm nuôi thì có phải xin phép không? Xin tại cơ quan nào? Thủ tục như thế nào?
Trả lời:
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai xin trả lời như sau:
 
1. Trường hợp phải xin phép thuộc thẩm quyền cấp tỉnh: Tổ chức, cá nhân  khai thác  nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên đến dưới 3000m3/ngày đêm. Hồ sơ nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường  (Mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường), gồm:
 
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép (mẫu số 03).
 
+ Sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất.
 
+ Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất kèm theo phương án khai thác đối với công trình có quy mô từ 200m3/ngày đêm trở lên (mẫu số 25); báo cáo kết quả thi công giếng khai thác đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200m3/ngày đêm (mẫu số 26) trong trường hợp chưa có công trình khai thác; báo cáo hiện trạng khai thác đối với công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động (mẫu số 27);
 
+ Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá sáu (06) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
 
Trường hợp chưa có công trình khai thác nước dưới đất, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải nộp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
 
Trường hợp quy mô thăm dò, khai thác nước dưới đất từ 3000m3/ngày đêm trở lên thì nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Tài nguyên nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
 
2. Trường hợp đăng ký khai thác nước dưới đất thuộc thảm quyền cấp huyện:
 
Hộ gia đình, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm; giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân có chiều sâu lớn hơn 20 m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất.
 
Hồ sơ nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện (hoặc UBND cấp xã), gồm: Hai (02) tờ khai quy định tại Mẫu số 38 Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 
3. Trường hợp không phải xin phép, không phải đăng ký:
 
Khai thác nước dưới đất phục vụ cho sinh hoạt của hộ gia đình, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm và không thuộc Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.
 
Lưu ý: Đơn vị, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có Giấy phép hành nghề khoan với quy mô phù hợp theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11/7/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hành nghề khoan nước dưới đất.
 
Trân trọng!
 
Lên phía trên
Nộp phí tài nguyên nước được tính như thế nào?
Câu hỏi:
Công ty chúng tôi được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng 630m3, nhưng khi đi nộp phí tài nguyên nước do tính toán dựa vào lượng nước khai thác mức phí công ty phải nộp chỉ 440m3. Công ty đã nộp mức phí trên được 1 quý. Vậy cho tôi hỏi liệu công ty có vi phạm luật tài nguyên nước không và phải sửa thế nào?
Trả lời:

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình trả lời như sau:

Với câu hỏi đã nêu thì chưa rõ Công ty đang xả nước thải vào nguồn nước là Công ty nào, địa chỉ cụ thể ở đâu, sản xuất, kinh doanh ngành nghề gì, được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước ( số, ngày, tháng, năm nào ?); và việc nộp phí tài nguyên nước là phí gì (chúng tôi hiểu là phí bảo vệ môi trường đối với nước thải). Do vậy, Chúng tôi chỉ có thể trả lời được một số nội dung như sau:

Căn cứ Căn cứ Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13, ngày 21/6/2012; Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước (trước kia là  Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998; Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước).

Việc cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước được thực hiện theo Báo cáo xả nước thải vào nguồn do đơn vị tư vấn lập căn cứ theo Báo cáo ĐTM hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó có quy định lưu lượng xả tối đa là mức xả cao nhất mà Công ty được phép xả ra theo thiết kế. Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được thực hiện căn cứ vào lưu lượng nước xả thực tế theo báo cáo quan trắc đã quy định. Lượng nước thải xả ra thực tế của công ty là 440 m3 thấp hơn giấy phép được cấp là 630 m3 (nằm trong giới hạn cho phép). Do đó Công ty không vi phạm quy định của Luật tài nguyên nước nên không cần thiết phải chỉnh sửa./.
Lên phía trên
Thẩm quyền xử phạt vi phạm lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Câu hỏi:
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị tăng mức xử phạt và tăng thẩm quyền xử phạt cho UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về tài nguyên và môi trường ngay từ cấp cơ sở.
Trả lời:

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời cử tri tỉnh Lào Cai như sau:


Mức phạt tối đa đến 1 tỷ đồng

Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, về cơ bản đã quy định mức phạt tiền tối đa nói chung trong các lĩnh vực so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008).

Đối với lĩnh vực điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, thì mức phạt tiền tối đa đến 250 triệu đồng; quản lý rừng, lâm sản, đất đai phạt tiền đến 500 triệu đồng; riêng thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, phạt tiền đến 1 tỷ đồng.

Các mức phạt tiền tối đa trên đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ nhằm bảo đảm tính răn đe, giáo dục, tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa vi phạm hành chính hiện nay.

Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp

Điều 28, 29 và 30 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của UBND các cấp như sau: 

- Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đến 2 triệu đồng.

- Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực, có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Trong khi đó, Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp như sau:

- Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 10% mức phạt tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng được quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền thuộc thẩm quyền.

- Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 50% mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức phạt tiền thuộc thẩm quyền.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực; có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (không giới hạn giá trị).

Theo đó, thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND các cấp trong lĩnh vực tài nguyên môi trường đều ở ngưỡng tối đa 5 triệu đồng đối với cấp xã và 50 triệu đồng đối với cấp huyện. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền ở mức tối đa tuỳ từng lĩnh vực (đối với lĩnh vực điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, thì phạt tiền đến 250 triệu đồng; riêng lĩnh vực quản lý rừng, lâm sản, đất đai thì phạt tiền đến 500 triệu đồng; riêng lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, thì phạt tiền đến 1 tỷ đồng).

Quy định về thẩm quyền phạt tiền trên là thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì thẩm quyền này tăng lên gấp đôi.

Như vậy, thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND các cấp, trong đó đặc biệt là cấp huyện đã được tăng lên tương ứng với các mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong đó thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND các cấp trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhìn chung đã được tăng lên gấp đôi so với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng ngừa vi phạm hành chính hiện nay và bảo đảm tính răn đe, giáo dục chung.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị hạn chế theo thẩm quyền phạt tiền, do đó, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành của Chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện có sự hạn chế hơn so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính vì Pháp lệnh không quy định việc giới hạn giá trị. Trong trường hợp giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lớn hơn so với thẩm quyền phạt tiền thì vụ việc vi phạm hành chính phải chuyển lên cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm cao hơn.

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Như vậy, tính đến nay Luật mới có hiệu lực trong thực tế với khoảng thời gian tương đối ngắn (hơn 6 tháng). Do vậy, cần có thời gian để triển khai bảo đảm để các quy định của Luật đi vào cuộc sống. Trường hợp qua thực tiễn áp dụng có phát sinh những bất cập, hạn chế, không phù hợp với thực tiễn (bao gồm cả vấn đề về mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền phạt tiền nêu trên) thì Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, báo cáo đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Lên phía trên
Nộp thuế tài nguyên nước
Câu hỏi:
Tôi xin hỏi câu hỏi liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước như sau:
Cơ sở sản xuất tư nhân A được cấp giấy phép khai thác nước dưới đất (không phải khai thác nước khoáng) với lưu lượng 30m3/ngày đêm để sử dụng vào mục đích sản xuất nước lọc đóng chai và đóng bình. Vậy cơ sỏ này có phải nộp thuế tài nguyên không?
Trả lời:
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời:

Trả lời Theo quy định tại Điều 7 của Luật thuế tài nguyên số 45/2009/QH12, thì tổ chức, cá nhân khai thác nước thiên nhiên (nước mặt và nước dưới đất) tinh lọc đóng chai phải nộp thuế tài nguyên với mức thuế suất 8-10%. 
 
Vì vậy, trường hợp Bạn hỏi thuộc diện phải nộp thuế tài nguyên.
 
Lên phía trên
Những nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về tài nguyên nước
Câu hỏi:
Hiện nay, một số địa phương chưa thấy hết được trách nhiệm quản lý tài nguyên nước. Vậy, những nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về tài nguyên nước là gì?
Trả lời:

 

Theo quy định tại Điều 57 Luật Tài nguyên nước, nội dung quản lý nhà nước về tài nguyên nước, bao gồm:
 
- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước; phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra;
 
- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn về tài nguyên nước;
 
- Quản lý công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước; dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo lũ, lụt, hạn hán và các tác hại khác do nước gây ra; tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tài liệu về tài nguyên nước;
 
- Cấp, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước;
 
- Quyết định biện pháp, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt, hạn hán, xử lý sự cố công trình thủy lợi và các tác hại khác do nước gây ra;
 
- Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước;
 
- Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước; thực hiện điều ước quốc tế về tài nguyên nước mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia;
 
- Tổ chức bộ máy quản lý, đào tạo cán bộ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước.
Lên phía trên
Tổ chức nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước
Câu hỏi:
Ở nước ta hiện nay, tổ chức nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước?
Trả lời:

Theo quy định của Luật Tài nguyên nước thì Chính phủ thống nhất quản lý tài nguyên nước về tài nguyên nước.

 
Theo nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 05 tháng 8 năm 2002 của Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, trong đó quy định Bộ TN&MT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 600/2003/QĐ-BTNMT ngày 08 tháng 5 năm 2003 quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý tài nguyên nước. Cục Quản lý tài nguyên nước là đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã thành lập các Sở TN&MT, trong đó có các Phòng Quản lý tài nguyên nước có chức năng giúp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
 


Ngày nước thế giới 2021
1
1
1
1
LIÊN KẾT WEBSITE :
1
1
1
1
1

Thống kê

thoi trang Đang truy cập : 139

Máy chủ tìm kiếm : 57

Khách viếng thăm : 82


thoi trang cong so Hôm nay : 43109

áo khoác nữ Hàn Quốc Tháng hiện tại : 1223676

áo sơ mi nữ công sở Tổng lượt truy cập : 49416863

áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi