Trả lời:
1. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa xây dựng hệ thống giám sát hoặc đã xây dựng hệ thống giám sát nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của Thông tư này phải hoàn thành việc xây dựng mới hoặc rà soát, nâng cấp hệ thống giám sát đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Thông tư này trước ngày 30 tháng 9 năm 2023.
2. Cục Quản lý tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy phép tài nguyên nước vào cơ sở dữ liệu về thông tin giấy phép tài nguyên nước dùng chung của trung ương và địa phương trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 (đối với các giấy phép được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành) và chậm nhất sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành giấy phép (đối với các giấy phép được cấp từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành).
3. Cơ sở có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đảm bảo các yêu cầu về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền, cập nhật số liệu về hệ thống giám sát theo quy định tại Thông tư này trước ngày 31 tháng 12 năm 2023, đối với công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép, trước ngày 31 tháng 12 năm 2022, đối với công trình do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Riêng đối với công trình hồ chứa quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 11 phải xây dựng phương án, hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền số liệu để thực hiện việc giám sát tự động, trực tuyến các thông số theo quy định của Thông tư này trước ngày 31 tháng 12 năm 2025 và phải thực hiện việc cập nhật số liệu giám sát định kỳ đối với các thông số quy định tại khoản 1 Điều 11 cho đến khi hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền số liệu giám sát tự động, trực tuyến.
4. Cơ sở có công trình khai thác nước dưới đất có giếng khoan khai thác được xây dựng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà không lắp đặt được thiết bị đo mực nước tự động hoặc không đo được mực nước thủ công trong giếng thì chủ công trình căn cứ vào điều kiện thực tế để khoan bổ sung giếng quan trắc trong cùng tầng chứa nước khai thác, có khoảng cách không quá 10 m đến giếng khai thác đó để quan trắc mực nước phục vụ giám sát. Việc khoan giếng quan trắc phải đảm bảo tuân thủ quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất và phải báo cáo đến Cục Quản lý tài nguyên nước (trường hợp do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép) hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình (trường hợp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép) khi thực hiện kết nối, truyền số liệu vào hệ thống giám sát.
5. Cơ sở có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền, cập nhật số liệu về hệ thống giám sát theo quy định của Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tiếp tục thực hiện hoặc được điều chỉnh theo quy định của Thông tư này để tiếp tục giám sát theo quy định.