Quang cảnh buổi Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2015
Sáng ngày 20/3, tại Quảng trường 3/2, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, Bộ Tài nguyên phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2015. Trang thông tin điện tử Cục Quản lý tài nguyên nước trân trọng giới thiệu Bài Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng tại Lễ Mit tinh quốc gia kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2015:
Kính thưa đồng chí Hoàng Trung Hải- Phó Thủ tướng Chính phủ!
Kính thưa đồng chí Nguyễn Minh Quang- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường!
Kính thưa Bà Victoria Kwa Kwa Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và Quý vị đại biểu!
Thưa các đồng chí!
Nước là yêu cầu cơ bản và thiết yếu cho sự sống; Nước luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển xã hội, kinh tế và môi trường là ba trụ cột của phát triển bền vững. Mặc dù vậy, đây là tài nguyên có giới hạn, trong khi nhu cầu về nước tăng mạnh; (Theo số liệu của Liên hợp quốc, đến năm 2025 sẽ có đến 2/3 dân số thế giới bị ảnh hưởng của tình trạng thiếu nước).
Tại Việt Nam, công tác thủy lợi, quản lý nguồn nước luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm đầu tư, đã góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cụ thể là:
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dần được hoàn thiện qua việc ban hành:
+ Đã ban hành các Luật (Tài nguyên nước; Đê điều; Phòng, chống thiên tai); Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn quản lý, khai thác Công trình thủy lợi và phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
+ Việt Nam đã tham gia các cam kết quốc tế về bảo vệ, khai thác sử dụng nguồn nước, và các nguồn nước quốc tế.
+ Chính phủ đã phê duyệt các chiến lược (tài nguyên nước, phát triển thủy lợi, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai); các quy hoạch thủy lợi thích ứng với Biến đổi khí hậu & Nước biển dâng các vùng trên phạm vi cả nước; quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông.
- Hệ thống tổ chức quản lý nguồn nước từng bước được củng cố, từ các tổ chức quản lý nhà nước, các cơ quan Bộ ở trung ương, địa phương, đến các hình thức tổ chức quản lý khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi (doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ đội sử dụng nước…).
- Hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi, đến nay, đã xây dựng được 904 hệ thống thuỷ lợi lớn và vừa (diện tích phục vụ >200 ha), trong đó có 110 hệ thống thủy lợi lớn (diện tích phục vụ > 2.000 ha), với 6.914 hồ chứa các loại, 10.076 đập dâng, 13.347 trạm bơm, trên 5.500 cống tưới, tiêu, 254.815 km kênh mương, 8.253 km đê sông, đê biển, hơn 33.000 km bờ bao.
Hệ thống thuỷ lợi đã tưới, tạo nguồn nước tưới cho trên 7 triệu ha tổng diện tích đất trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, tiêu nước cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp, chống ngập cho các đô thị. Cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp. Cấp nước hợp vệ sinh cho 84 % dân số nông thôn. Góp phần bảo vệ môi trường nguồn nước.
Thưa các đồng chí!
Thách thức trong thời gian tới là rất lớn, như:
- Biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến theo chiều hướng cực đoan.
- Hoạt động phát triển thượng nguồn các sông liên quốc gia diễn biến phức tạp, gây bất lợi tới khai thác, bảo vệ nguồn nước, các khu vực dân cư vùng hạ du lưu vực sông ở Việt Nam.
- Sức ép từ phát triển kinh tế xã hội đến cấp nước, tiêu thoát nước, phòng chống lũ và bảo vệ môi trường.
Thưa các đồng chí!
Đứng trước thách thức nêu trên, thì 05 định hướng chính công tác thủy lợi, quản lý nguồn nước thời gian tới như sau:
1. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt chú trọng đối với hệ thống thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; phù hợp với định hướng của Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;
2. Phát triển đồng bộ trên diện rộng các giải pháp tưới tiên tiến cho cây trồng cạn chủ lực, góp phần tiết kiệm nước tưới, giảm chi phí sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính;
3. Phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển Trung bộ;
4. Nâng cao mức đảm bảo an toàn hồ đập, thông qua tăng cường: Quản lý nhà nước về an toàn đập; Bảo đảm an toàn cho khu vực hạ lưu đập; Năng lực dự báo mưa lũ, vận hành hồ chứa theo thời gian thực;
5. Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, qua triển khai: Rà soát, điều chỉnh Chiến lược phòng, chống thiên tai; Xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai và kế hoạch quản lý lũ tổng hợp cho các lưu vực sông; Nâng cao năng lực quản lý hệ thống đê sông, đê biển, quản lý sạt lở bờ sông, bờ biển; Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch chống ngập cho các thành phố lớn và khu vực dân cư nông thôn.
Kính thưa các đồng chí!
Hôm nay tại Lễ Mít tinh quốc gia kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2015, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương để triển khai quyết liệt các giải pháp nêu trên để quản lý, bảo vệ hiệu quả nguồn nước quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước góp phần hưởng ứng hành động của cộng đồng quốc tế.
Đại diện cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xin chúc Lễ Mít tinh thành công tốt đẹp!
Kính chúc đồng chí Phó Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo và các quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe!
Xin cám ơn !