Theo đó, Thông tư này quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm việc tạo lập tài khoản; quy trình khai; tiếp nhận, xử lý thông tin khai và trả kết quả thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử, xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư là các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; các tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hệ thống dịch vụ công trực tuyến bộ TN&MT là hệ thống giao dịch điện tử trên môi trường mạng để thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại địa chỉ:
dvctt.monre.gov.vn.
Thông tư quy định, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến dựa trên nguyên tắc: Tuân thủ quy định pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước, pháp luật chuyên ngành quy định thủ tục hành chính thực hiện qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; Quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tuân thủ theo quy trình đã quy định tại pháp luật chuyên ngành; Đảm bảo tính chính xác, khách quan, đầy đủ và kịp thời của các giao dịch điện tử thực hiện qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Theo đó, các giao dịch điện tử trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến bao gồm: Khai, nhận và phản hồi thông tin về xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân; tiếp nhận, trao đổi, chuyển thông tin, hồ sơ thủ tục hành chính tới hệ thống xử lý chuyên ngành; nhận kết quả xử lý từ cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, hệ thống xử lý chuyên ngành tới hệ thống dịch vụ công trực tuyến; cung cấp tình trạng thực hiện, trả kết quả thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; giao dịch qua dịch vụ giá trị gia tăng (tin nhắn, mạng xã hội…) trên cơ sở thỏa thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Các nội dung về cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng được quy định cụ thể tại Thông tư này, đồng thời, Thông tư cũng nêu rõ những quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: đối với các tổ chức, cá nhân có quyền được hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn, cung cấp các thông tin cần thiết khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; được cung cấp tài khoản sử dụng, tạm dừng, hủy bỏ tài khoản qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; được bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ bí mật kinh doanh và thương mại theo quy định của pháp luật; được cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình, tình trạng xử lý Hồ sơ hành chính trực tuyến; hóa đơn điện tử (đối với dịch vụ công trực tuyến mức 4); được phản ánh, kiến nghị việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cũng phải có trách nhiệm: cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã đăng ký, kê khai khi thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến; cung cấp đầy đủ thông tin tạo tài khoản trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành, giao dịch điện tử, bí mật nhà nước và sử dụng chữ ký số; không làm sai lệch, hư hỏng, thất thoát, chiếm đoạt, phá hủy, gian lận, mạo nhận trái phép và khai thác, sử dụng, phát tán thông tin, giữ liệu thủ tục hành chính; lưu giữ hồ sơ hành chính trực tuyến theo quy định của pháp luật giao dịch điện tử và pháp luật chuyên ngành, cung cấp các chứng từ điện tử/chứng từ giấy có liên quan để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra; không được cản trở hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ, giả mạo sử dụng mật khẩu trái phép, chiếm quyền điều khiển, tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi rút máy tính, phá hoại cơ sở hạ tầng kỹ thuật Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; nộp thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Để xây dựng, quản lý và vân hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cách hiệu quả, Thông tư cũng quy định rõ các vấn đề về thẩm quyền truy cập, xử lý trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; về bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu; bảo mật thông tin; xử lý sự cố; trách nhiệm của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính cũng như trách nhiệm của đơn vị quản lý, vận hành Hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Trong quá trình soạn thảo và công bố quyết định thủ tục hành chính cấp Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Đồng thời, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng thực hiện dịch vụ công trực tuyến bao gồm xác lập, hoàn thiện quy trình hành chính điện tử và nội dung đặc tả, giao diện, cấu trúc để triển khai thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.
Ngoài ra, trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch bổ sung, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 7 năm 2017.
Chi tiết Thông tư số 07/2017/TT-BTNMT xin mời xem
Tại đây