Sáng ngày 5/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe báo cáo về tiến độ lập các Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Cục đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước, Vụ Kế hoạch - Tài chính để đẩy nhanh tiến độ triển khai Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long theo đúng quy định. Theo đó, Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long phải là nền tảng, cơ sở cho các Quy hoạch khác.
Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia báo cáo, trong năm 2022, Trung tâm đã làm việc với các đơn vị có liên quan theo chỉ đạo của Bộ để thu thập số liệu, tài liệu phục vụ lập quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Cửu Long. Theo đó, Trung tâm đã phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn rà soát công tác thu thập số liệu để phù hợp với yêu cầu quy hoạch, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Cửu Long. Đồng thời phối hợp để thu thập đầy đủ các số liệu, dữ liệu phục vụ tính toán, đánh giá tài nguyên nước theo đúng Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Bộ phê duyệt và đã hoàn thành trước ngày 31/3/2022.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Về số liệu chất lượng nước, Trung tâm đã rà soát, thu thập số liệu chất lượng nước từ nhóm dự án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước các lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Cửu Long. Đối với số liệu đa dạng sinh học và hệ sinh thái thủy sinh, Trung tâm tiếp tục phối hợp với Tổng cục Môi trường để cập nhật và thu thập số liệu phục vụ xây dựng nội dung quy hoạch.
Trung tâm đã phối hợp với Cục Viễn thám quốc gia để rà soát nội dung, công việc phù hợp với yêu cầu quy hoạch để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình; tiếp tục phối hợp thu thập tài liệu, số liệu của đề án “Theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác sử dụng nước ở ngoài biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công”.

Điểm cầu Cục Quản lý tài nguyên nước
Trung tâm đã làm việc với nhóm kỹ thuật của Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam để tiếp tục phối hợp trong công tác thu thập tài liệu, số liệu và đánh giá tài nguyên nước phía thượng nguồn lưu vực sông Cửu Long, đồng thời tham gia góp ý kỹ thuật đối với hồ sơ quy hoạch. Tiếp tục trao đổi trong quá trình lấy ý kiến góp ý của các đơn vị trong và ngoài Bộ trên cơ sở vai trò, nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông.
Cùng với đó, Trung tâm đã trao đổi và cung cấp các tài liệu, số liệu của quy hoạch tổng hợp 2 lưu vực sông để Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện xây dựng báo cáo ĐMC; tiếp tục phối hợp triển khai trong quá trình thực hiện đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục nêu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Đồng thời, phối hợp Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, Viện Môi trường và Nước xây dựng nội dung, chương trình Hội thảo kỹ thuật của nhiệm vụ lập Quy hoạch, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 5/2022, tại Hà Nội.
Điểm cầu Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia
Báo cáo chi tiết về tiến độ triển khai Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh cho biết, hiện nay, Trung tâm đã hoàn thành công tác xây dựng các mô tính toán tài nguyên nước.
Đối với công tác đánh giá hiện trạng, dự báo tài nguyên nước mặt: Đã hoàn thành công tác xây dựng các mô tính toán tài nguyên nước tính toán theo các tần suất 50%, 85%, 95%; đánh giá hiện trạng chất lượng nước trên các sông chính, sông quan trọng, sông có nhiều hoạt động khai thác, sử dụng nước và tiếp nhận nước thải thuộc 12 tiểu vùng quy hoạch; đánh giá biến động nguồn nước trong kỳ quy hoạch theo Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020.
Đối với công tác đánh giá hiện trạng, dự báo tài nguyên nước dưới đất: Đã hoàn thành đánh giá trữ lượng, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước trên toàn lưu vực, 12 vùng quy hoạch (mặn, ngọt, lợ), trên đơn vị hành chính đến cấp huyện của 13 tỉnh/thành phố, và 120 vùng tính toán; đánh giá hiện trạng chất lượng các tầng chứa nước chính trên 12 vùng quy hoạch; đánh giá diễn biến và xu thế biến động mực nước các tầng chứa chính nước trên 12 vùng quy hoạch bằng phương pháp mô hình dòng chảy.
Về công tác đánh giá hiện trạng, khai thác, sử dụng nước và dự báo nhu cầu nước: Đã thống kê, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt theo các ngành kinh tế - xã hội như sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, thủy điện, giao thông thủy…trên toàn lưu vực sông và 12 tiểu vùng quy hoạch; thống kê, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất theo các hình thức khai thác tập trung, đơn lẻ trên toàn lưu vực sông và 12 tiểu lưu vực sông; đã xác định các chỉ tiêu, tiêu chuẩn sử dụng nước, chỉ tiêu phát triển của các ngành kinh tế - xã hội và tính toán, dự báo nhu cầu sử dụng nước cho toàn bộ lưu vực sông Cửu Long, 12 tiểu vùng quy hoạch và 13 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông.
Trung tâm cũng đã hoàn thành việc xây dựng kịch bản tính toán phục vụ lập quy hoạch theo giai đoạn hiện trạng và trong kỳ quy hoạch (2025, 2030, 2050) với các yếu tố tác động như nguồn nước thượng lưu, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, hiện trạng khai thác, sử dụng nước.
Về tiến độ triển khai Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Trung tâm cũng đã hoàn thành công tác xây dựng các mô tính toán tài nguyên nước. Cùng với đó, công tác đánh giá hiện trạng, dự báo tài nguyên nước; công tác đánh giá hiện trạng, khai thác, sử dụng nước và dự báo nhu cầu nước; công tác xây dựng các kịch bản tính toán phục vụ lập quy hoạch;… cũng đang được Trung tâm tích cực thực hiện và đã hoàn thành được một số nội dung.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị tham dự đã đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tiếp tục rà soát và thống nhất các nội dung còn lại của Quy hoạch để sớm hoàn thiện trình theo đúng tiến độ Nghị quyết của Chính phủ. Các đơn vị liên quan tiếp tục đóng góp ý kiến về các nội dung của quy hoạch và gửi Trung tâm để tổng hợp.
Thứ trưởng cũng nhất trí với kế hoạch của Trung tâm tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, địa phương, chuyên gia về Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến trong tháng 5-6/2022.