Sáng ngày 19/7, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Tham dự cuộc họp có các đơn vị: Vụ Pháp chế; Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện Chương trình công tác năm 2022 của Bộ TN&MT, Cục Quản lý tài nguyên nước được giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Vụ Pháp chế và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc soạn thảo dự thảo Nghị định theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Theo đó, ngày 18 tháng 4 năm 2022, Cục Quản lý tài nguyên nước đã trình Lãnh đạo Bộ ký các công văn số 1963/BTNMT-TNN và 1964/BTNMT-TNN gửi các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan và các đơn vị có liên quan trong Bộ; Công văn số 1965/BTNMT-TNN gửi Văn phòng Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định. Đến nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đã nhận được ý kiến góp ý của 11/15 bộ; 58/63 Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/Sở Tài nguyên và Môi trường; 7/11 đơn vị trực thuộc Bộ; 05/10 các tổ chức sử dụng nước lớn và không có ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chủ trì cuộc họp
Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng cho biết, qua tổng hợp những nội dung góp ý cho thấy, về cơ bản các ý kiến đều thống nhất với hồ sơ Dự thảo Nghị định, đồng thời các ý kiến góp ý bổ sung để hoàn thiện tập trung vào 7 nội dung như sau: (1) Về lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; (2) Về đăng ký khai thác tài nguyên nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho cơ quan địa phương thực hiện; (3) Về lắp đặt hệ thống giám sát tự động nguồn nước tại các nhà máy cấp nước cho mục đích sinh hoạt; (4) Về bổ sung quy định trình tự thủ tục chấp thuận sử dụng mặt nước hồ chứa; (5) Lồng ghép thủ tục gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; (6) Về điều chỉnh giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất; (7) Về tên Nghị định.
Cụ thể, liên quan đến nội dung lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Bộ Quốc phòng có ý kiến bổ sung quy định về đối tượng phải lấy ý kiến cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đối với các các dự án có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc khu vực vành đai biên giới. Ngoài ra, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có ý kiến làm rõ cụ thể các đối tượng là đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức lấy ý kiến.
Báo cáo về vấn đề này, Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho biết, Cục thấy rằng các ý kiến góp ý là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trên cơ sở đó Cục đã tiếp thu và chỉnh sửa bổ sung trong Điều 2 dự thảo Nghị định quy định cơ quan tổ chức lấy ý kiến quyết định lựa chọn lấy ý kiến cơ quan chức năng liên quan đến quốc phòng, an ninh trong khu vực đối với công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước nằm trong vành đai biên giới. Ngoài ra, đã quy định cụ thể đối tượng là đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng nước.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến đối với các công trình thủy lợi vận hành trước khi Luật Tài nguyên nước 2012 có hiệu lực cho phép chuyển từ trường hợp phải cấp phép thành đăng ký khai thác, sử dụng nước và quy định cụ thể việc cấp phép đối với các công trình khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi để cấp cho các mục đích. Ngoài ra, một số địa phương (Hà Giang, Đăk Nông, Lào Cai, Tuyên Quang) có ý kiến tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương trong công tác cấp giấy phép.
Liên quan về vấn đề này, Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho biết, để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là các công trình thủy lợi cũ, đã quy định bổ sung tại Điều 17 trong dự thảo Nghị định về các công trình khai thác sử dụng nước mặt, nước biển mà trước đó các công trình này thuộc trường hợp phải cấp phép nay quy định thành đăng ký khai thác sử dụng nước. Tuy nhiên, để đảm bảo trong công tác quản lý tài nguyên nước nhất là đối với các công trình khai thác sử dụng nước vừa và lớn có tác động ảnh hưởng tới nguồn nước, môi trường và các đối tượng khai thác, sử dụng khác ở thượng và hạ lưu, việc quy định đăng ký chỉ áp dụng đối với các công trình có quy mô khai thác vừa và nhỏ, các công trình còn lại thuộc trường hợp phải cấp phép. Việc quy định đăng ký giao toàn bộ thẩm quyền cho địa phương thực hiện nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước trong đẩy mạnh tăng cường phân cấp phân quyền trong công tác quản lý.
Ngoài ra, trên cơ sở các ý kiến góp ý, để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính, bên cạnh việc quy định đối tượng thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp phép thành thủ tục đăng ký, đã quy định đơn giản hóa giảm các yêu cầu về biểu mẫu báo cáo, số lượng hồ sơ, rút ngắn thời gian thẩm định và linh hoạt phương thức nộp hồ sơ cấp giấy phép, dăng ký khai thác sử dụng nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, bảo đảm dễ dàng cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thực thi quy định (quy định cụ thể tại Điều 17, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39 của Nghị định sửa đổi).
Góp ý liên quan đến nội dung điều chỉnh giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất, theo Cục trưởng Châu Trần Vĩnh, có nhiều địa phương góp ý (Nam Định, Bình Định, Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Trà Vinh) quy định bổ sung điều chỉnh giấy phép khai thác nước dưới đất đối với trường hợp có sự thay đổi sơ đồ, vị trí công trình khai thác đòng thời quy định rõ giới hạn về khoảng cách được điều chỉnh trong trường hợp này; điều chỉnh trong trường hợp khoan thay thế giếng khoan khai thác thuộc công trình khai thác; điều chỉnh khai thác sử dụng nước dưới đất đã được cấp có thẩm quyền cấp phép trước đó mà không thay đổi nội dung về công suất, tầng khai thác, cấu trúc giếng, cấu trúc địa chất thủy văn và quy định các điều kiện để chấp thuận phương án khoan thay thế giếng.
Cục đã rà soát và tiếp thu các ý kiến, theo đó đã bổ sung quy định cụ thể tại Điều 23 dự thảo Nghị định, trong đó quy định việc bổ sung giếng, điều chỉnh lưu lượng khai thác giữa các giếng dẫn đến tăng lưu lượng nước khai thác của công trình nhưng không vượt quá 25% lưu lượng quy định trong giấy phép đã được cấp; trường hợp điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất mà có bổ sung giếng thì phải có phương án thiết kế, thi công giếng, dự kiến tác động và được cơ quan thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản trước khi thi công; trường hợp khoan giếng mới tương tự để thay thế giếng cũ bị hỏng, suy thoái hoặc bị giải tỏa với thông số khai thác không thay đổi thì không phải điều chỉnh giấy phép nhưng phải được cơ quan thẩm quyền xác nhận bằng văn bản sau khi hoàn thành việc thay thế. Số lượng giếng thay thế không được vượt quá 50% số lượng giếng theo giấy phép được cấp. Khoảng cách giếng thay thế không được vượt quá 1,5 lần chiều dày tầng chứa nước khai thác tại giếng đó, trường hợp vượt quá thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép. Ngoài ra quy định bổ sung điều chỉnh trong trường hợp có sự thay đổi về mục đích khai thác, sử dụng nước theo quy định của giấy phép được cấp trước đó và có sự thay đổi về chế độ khai thác của công trìnhư. Điều chỉnh trong trường hợp tăng quy mô lưu lượng thăm dò nhưng không vượt quá 25% theo giấy phép đã được cấp hoặc thay đổi tầng chứa nước thăm dò;...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhất trí với các nội dung chuẩn bị giải trình của Cục Quản lý tài nguyên nước đối với các vấn đề góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan và các đơn vị có liên quan trong Bộ TN&MT.
Để hoàn thiện dự thảo, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, chỉnh sửa dự thảo Nghị định nhằm bảo đảm đồng bộ với các quy định của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Thứ trưởng cũng yêu cầu, Cục Quản lý tài nguyên nước tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các nội dung, đảm bảo tiến độ trình dự thảo Nghị định dự kiến vào tháng 10/2022.