Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai phát biểu tại Hội nghị
Ngày 17/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức. Cục Quản lý tài nguyên nước xin trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai về “Các thách thức và tầm nhìn cho sự phát triển tổng hợp và bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long”:
Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng,
Kính thưa Ngài Mark Rutte, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Hà Lan,
Thưa bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam,
Thưa các vị đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương, các nhà tài trợ và toàn thể quý vị đại biểu,
Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đóng góp cho bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu; đồng thời đây cũng là khu sinh quyển đa dạng, phong phú, có vai trò quan trọng cho bảo vệ đa đạng sinh học của khu vực và toàn thế giới. Có ý nghĩa quan trọng như vậy, nhưng khu vực này đang đứng trước những thách thức to lớn do tính dễ tổn thương với các tác động của thiên nhiên, đặc biệt là nước biển dâng do biến đổi khí hậu, và với các tác động do con người gây ra, trong đó đặc biệt là quá trình phát triển kinh tế - xã hội thiếu bền vững và thiếu tầm nhìn dài hạn.
Nhận thức được về điều này, trong giai đoạn vừa qua Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động đến khả năng phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để từ đó đề ra các giải pháp trong ngắn hạn và tầm nhìn trung hạn, dài hạn cho việc quy hoạch và phát triển khu vực này.
Trong khuôn khổ của Thỏa thuận Đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, các chuyên gia của hai bên đã phối hợp thực hiện nghiên cứu “Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long”. Kết quả của nghiên cứu này, cùng với một số nghiên cứu, đánh giá khác được thực hiện bởi các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam đang là những cơ sở khoa học quan trọng cho các Bộ, ngành và địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh các kế hoạch phát triển ngắn hạn, các quy hoạch trong trung hạn và dài hạn.
Kính thưa quý vị,
Như quý vị đã biết, Việt Nam đã được xác định là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất bởi các tác động của biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt là nước biển dâng. Mặc dù chưa được đánh giá một cách đầy đủ, nhưng có thể khẳng định biến đổi khí hậu đã và đang là một thách thức lớn nhất đối với việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đối với việc thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững của Việt Nam, đồng thời đe doạ an ninh lương thực thế giới.
Hai khu vực chịu tác động mạnh nhất sẽ là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo mới đây, vào năm 2100, nhiệt độ trung bình của Việt Nam có thể tăng thêm 2-3°C và mực nước biển có thể dâng thêm đến 1m, nhiều diện tích của Việt Nam sẽ bị ngập, trong đó đồng bằng sông Cửu Long - nơi sản xuất ra trên 50% sản lượng lúa và cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, sẽ bị ngập lên tới 40%.
Nhắc đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, mọi người đều nghĩ đến khu vực được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi: đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, hệ thống sông suối, kênh rạch dày đặc. Điều kiện tự nhiên giúp khu vực này có lợi thế cạnh tranh cao về phát triển nông nghiệp, trở thành vựa lúa của Việt Nam, đóng góp hơn một nửa sản lượng lúa gạo của cả nước và góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Nhưng thực tế, chính những lợi thế về điều kiện tự nhiên lại cũng mang đến cho vùng đồng bằng này nhiều vấn đề, như lũ lụt, xâm nhập mặn nghiêm trọng. Ngoài ra, chính áp lực về bảm đảm “an ninh lương thực” cũng làm hệ thống đất và nước của khu vực này bị khai thác ngày càng cạn kiệt.
Để chúng ta cùng thấy được bức tranh tổng thể này, tôi xin được trình bày khái quát ở đây một số thách thức chính và tầm nhìn cho sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những thách thức chính mà khu vực này đang phải đối mặt bao gồm:
Một là, hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế vùng đồng bằng. Một số nơi xâm nhập mặn vào sâu tới 60km với hàm lượng > 4g/l; mức độ hạn hán tuy không tăng nhưng tác động của nó đến nguy cơ xâm nhập mặn lại đang gia tăng.
Hai là, lũ xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng; lũ thượng nguồn có xu hướng gia tăng, lũ đến sớm hơn và rút muộn hơn dẫn đến khó khăn trong tiêu, thoát nước và bố trí phòng chống lũ lụt. Theo tính toán đến năm 2050, diện tích ngập lụt có thể chiếm tới 89% diện tích vùng đồng bằng, tăng 20% so với diện tích ngập lũ năm 2000.
Ba là, khai thác sử dụng nước phía thượng lưu sông Mekong gây nhiều ảnh hưởng đến nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Theo ước tính của Ủy hội Mê Công, tổng dung tích trữ tại các hồ phục vụ phát triển thủy điện chiếm khoảng 14% dòng chảy sông Mê Công. Bên cạnh đó, nhu cầu khai thác nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phía thượng lưu không ngừng tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước cấp cho khu vực hạ lưu: so với năm 2000, năm 2010 tăng 11%, năm 2030 tăng 117% và năm 2050 tăng 160%. Sự hình thành của một số công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công cùng với kế hoạch phát triển thêm hàng loạt công trình như vậy trong thời gian tới sẽ tiếp tục gây ra các ảnh hưởng chưa thể lường trước được đối với vùng hạ lưu, trong đó đặc biệt là đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Bốn là, các công trình thủy lợi hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu về điều tiết nước, ngăn mặn; trong khi đó quy hoạch thủy lợi lại thiếu đồng bộ, thực hiện trên cơ sở giải quyết những vấn đề đơn lẻ mà chưa có cách giải quyết tổng thể cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chưa đánh giá hết được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên các vấn đề trên chưa được giải quyết triệt để;
Năm là, kết cấu cơ sở hạ tầng và liên kết giao thông vận tải kém dẫn đến giảm giá trị gia tăng của chuỗi sản phẩm nông nghiệp, hạn chế thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến vùng.
Sáu là, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đang làm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải tập trung về trồng lúa và chú trọng về sản lượng thay vì đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Việc trồng lúa 3 vụ là một trong những nguyên nhân dẫn tới suy thoái đất, gây ảnh hưởng đến dòng chảy lũ và môi trường trong khu vực. Việc chỉ tập trung vào lúa và xuất khẩu gạo thô chưa giúp khai thác tối ưu tiềm năng thương mại hóa nông nghiệp và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng nội địa cao cho khu vực này.
Và bảy là, cơ chế đầu tư phát triển riêng lẻ cho từng tỉnh thay vì cơ chế và chính sách đầu tư tổng thể liên vùng dẫn tới tình trạng chưa sử dụng tối ưu hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Mặc dù có rất nhiều thách thức, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Một trong những lợi thế cơ bản là đây là vùng đất màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nguồn nước phong phú, nguồn nhân lực dồi dào và người dân Nam Bộ rất cần cù và mến khách. Với những tiềm năng và lợi thế so sánh như vậy của vùng đất này, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo những định hướng sau:
Phát triển kinh tế hợp lý và bền vững là cơ sở để kiểm soát tài nguyên cũng như làm giảm tính dễ bị tổn thương của vùng đồng bằng, và ngược lại. Các chính sách sử dụng đất và nước vốn đã thành công trong quá khứ cần được thay đổi cho phù hợp với bối cảnh phát triển mới của thời kỳ công nghiệp hóa. Thời điểm này chính là cơ hội cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chuyển mình, khi Chính phủ Việt Nam quyết tâm, nỗ lực thiết lập cơ chế phối hợp, cùng với các đối tác phát triển quốc tế, các nhà tài trợ song phương và đa phương, vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của khu vực này.
Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế cao về chế biến và xuất khẩu thủy hải sản, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đây chính là cơ hội để phát triển khu vực này trở thành trung tâm chế biến nông sản và thủy hải sản trong khu vực.
Trong thời gian tới việc phát triển nông nghiệp và thủy sản vẫn phải được xem là nền tảng chủ đạo trong bối cảnh phải tính đến tác động của sự suy giảm dòng chảy kiệt sông Mê Công và nguy cơ xâm nhập mặn. Việc quản lý dòng kiệt, kiểm soát lũ, tác động tương hỗ của kiểm soát lũ đến dòng chảy kiệt và xâm nhập mặn được xem là chiến lược quan trọng nhất để đảm bảo phát triển bền vững của vùng.
Trong định hướng phát triển nông nghiệp, cần phải thúc đẩy nhanh việc hoàn thiện các định chế và chính sách hỗ trợ cho việc phát triển công nghiệp hóa thương mại nông nghiệp, đảm bảo khai thác tối đa gia trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, cũng cần rà soát, đánh giá và quy hoạch lại trên cơ sở nghiên cứu khoa học để đa dạng hóa và có cơ cấu giống cây trồng phù hợp, đảm bảo vừa khai thác tối đa lợi thế về điều kiện thiên nhiên ưu đãi để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phục vụ thương mại có giá trị cao, vừa đảm bảo giảm thiểu các rủi ro của việc chỉ phụ thuộc vào một giống cây trồng duy nhất.
Với thuộc tính là một khu vực rộng có 13 tỉnh thành phố có hệ sinh thái gắn kết chặt chẽ, việc phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải được thực hiện với cách thức quy hoạch và triển khai thực hiện liên vùng, nhằm khai thác tối đa được các lợi thế so sánh chung của cả vùng và lợi thế riêng của từng địa bàn, đồng thời thiết lập được chuỗi giá trị hỗ trợ trong nội bộ của vùng.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Tôi xin kết thúc phần trình bày về các thách thức và tầm nhìn cho sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị./.