Tham dự buổi họp báo có đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Công an cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Hội nghị COP 20 và CMP10 là hội nghị quan trọng để có thể tiến tới việc xây dựng thỏa thuận toàn cầu mới vào năm 2015.
Tại buổi họp báo, Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Phó trưởng Đoàn đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu cho biết thêm, COP 20 đã thông qua Thỏa thuận khung cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính với tên gọi “Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu”. Đây được coi là quyết định quan trọng nhất của COP20, gồm 22 điều và 01 phụ lục.
Theo đó, các bên tham gia bày tỏ quan ngại do còn chênh lệch quá lớn giữa kết quả giảm nhẹ của thế giới thời gian qua so với yêu cầu của khoa học nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2°C hoặc không quá 1,5°C vào cuối thế kỷ; và đều thống nhất khẩn trương hoàn thành Thoả thuận 2015 để có thể thông qua vào tháng 12 năm 2015.
Quyết định Thoả thuận 2015 sẽ áp dụng cho tất cả các nước, gồm 5 trụ cột chính là thích ứng; giảm nhẹ; tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ; tài chính và minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ. Các quốc gia tham dự Hội nghị còn thông qua Cơ chế quốc tế Warsaw xử lý các vấn đề thiệt hại và tổn thất song hành với biến đổi khí hậu, nhằm triển khai quyết định của COP19 về cơ chế xử lý thiệt hại và tổn thất.
Bên cạnh đó, khuyến khích các quốc gia phê chuẩn bổ sung Đô - ha như một phần của Nghị định thư Kyoto, yêu cầu các quốc gia phát triển cắt giảm phát thải mạnh mẽ hơn cho giai đoạn trước 2020 và triển khai việc đánh giá kỹ thuật nhằm kiểm tra mức đóng góp hiện tại và tăng mức cắt giảm phát thải tại các quốc gia này cho giai đoạn 2015-2020, đồng thời tăng mức giảm phát thải nhà kính thông qua các hình thức khác.
“Tuy là một tín hiệu tích cực và là nền móng để xây dựng một dự thảo thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại COP 21 (tổ chức tại thủ đô Paris, Pháp) vào năm tới; song, nội dung đạt được tại Hội nghị chưa đáp ứng được kỳ vọng của thế giới trước tác động ngày một rõ ràng và mạnh mẽ của biến đổi khí hậu”, - Đại diện Đoàn đàm phán của Việt Nam nhận định.
“Ngoài ra, Cam kết về tài chính cũng quá thấp so với những gì đã hứa và so với kỳ vọng của các nước đáng phát triển. Cụ thể, các nước phát triển mới cam kết đóng góp cho Quỹ Khí hậu xanh được 10,2 tỷ USD đến năm 2015. Đây là con số thấp hơn nhiều so với 10 tỷ đô la các nước này đã đóng góp mỗi năm cho giai đoạn 2010-2012 và thấp hơn nhiều so với cam kết đóng góp nâng lên 100 tỷ đô la một năm vào 2020 từ các nguồn tài chính công. Các nước đang phát triển đòi hỏi lộ trình đóng góp tài chính của các nước phát triển rõ ràng, minh bạch và cụ thể; song đòi hỏi này vẫn chưa thực hiện được” - ông Tấn cho biết thêm.
Trả lời về nội dung liên quan đến Hội nghị COP 20 có tác động như thế nào đối với Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn cho biết, đây là điểm có lợi cho Việt Nam, từ nguyên tắc này sẽ ảnh hưởng đến mọi hành động ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam./.