Tham dự cuộc họp có đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Hội Nông dân Việt Nam, Viện Môi trường và Tài nguyên ( Đại học Quốc gia Thành phố HCM); đại diện UBND và Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, ngày 9/4/ 2010 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có Công văn yêu cầu Công ty Vedan thồi thường thiệt hại cho 1.255 hộ dân với số tiền 53,619 tỷ đồng; ngày 1/6/2010, UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại cho 839 hộ dân huyện Cần Giờ với số tiền 45,74 tỷ đồng; ngày 21/6/2010, UBND tỉnh Đồng Nai có Công văn 4901 yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại cho nhân dân 4 xã (thuộc hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch với số tiền 119, 581 tỷ đồng.
Sáng 28/7, vào lúc cuộc họp đang diễn ra tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty Veda đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND 3 tỉnh nâng mức đền bù lên 130 tỷ đồng- Đồng Nai 60 tỷ, Bà Rịa – Vũng Tàu 40 tỷ và Thành phố Hồ Chí Minh 30 tỷ
Số tiền này là quá ít so với mức độ thiệt hại người dân phải gánh chịu do ô nhiễm của Công ty Vedan gây ra.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình thỏa thuận, cho đến nay, Công ty Vedan đã tỏ ra thiếu thiện chí, cố tình lách luật, dây dưa và tận dụng mọi kẽ hở lần lữa không thực hiện cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân. Thậm chí, đối với những việc Công ty Vedan đã thống nhất ý kiến với cơ quan xác định phạm vi ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, với UBND về mức độ bồi thường bằng văn bản, nhưng trước công luận vẫn chối bỏ trách nhiễm. Điển hình nhất là việc đã thống nhất ý kiến về phương pháp xác định mức độ ô nhiệm, phạm vi ảnh hưởng với Viện Môi trường và Tài Nguyên, nhưng lại chối bỏ kết quả tính toán mức độ bồi thường cụ thể của từng tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết từ ngày 27/7, đoàn Luật sư của tỉnh bắt đầu chuyển hồ sơ kiện Vedan của người dân đến Tòa án nhân dân huyện Tân Thành “Việc chuyển hồ sơ phải 1 tuần mới xong, nhưng chúng tôi tin chắc rằng người dân sẽ thắng trong vụ kiện này, vì mọi chứng cứ đã quá rõ ràng”- ông Nguyễn Văn Hiến nói.
Không tán thành thái độ cố tình kéo dài thời gian thỏa thuận bồi thường của Công ty Vedan với người dân huyện Cần Giờ, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Tp.HCM cho biết, thành phố đang chuẩn bị khởi kiến Vedan ra tòa.
Tại cuộc họp này, chúng tôi đã hiểu rõ nhiều vấn đề. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện đúng theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chúng tôi sẽ tiến hành khởi kiện Vedan.”
Ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trả lời báo chí sau buổi họp.
Ông Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Bộ Tư pháp cho biết tiếp tục sát cánh với các cơ quan chức năng trong “cuộc chiến pháp lý” ủng hộ người dân khởi kiện Vedan. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đều cho rằng UBND, Hội Nông dân VN và Hội nông dân các địa phương cần có sự thống nhất cao trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân bị thiệt hại trong quá trình thỏa thuận với Vedan trước khi khởi kiện cũng như trong quá trình khởi kiện.
Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Môi trường, ý kiến của các địa phương, các cơ quan pháp luật, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khảng định, đến thời điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh đã “làm hết tình” trong việc giúp Vedan thực hiện cam kết bồi thường thiệt hại cho người dân. Mọi công việc, từ lựa chọn đơn vị đánh giá thiết hại kinh tế đến việc thỏa thuận mức độ thiệt hại đều có sự thỏa thuận với Công ty Vedan; tổ chức quá nhiều cuộc họp, thậm chí nhiều lần mời Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vedan sang họp bàn giải quyết dứt điểm việc đền bù cho dân, nhưng Vedan vẫn tìm cách trì hoãn. Giờ đã đến thời điểm giải quyết vụ việc này theo lý, đó là quyền khởi kiện của người dân bị thiệt hại.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm hết trách nhiệm trong việc buộc Vedan khắc phục hậu quả ô nhiễm trong khuôn viên doanh nghiệp, cải thiện môi trường nước sông Thị Vải. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đến cùng trong việc buộc Vedan thực hiện cam kết bồi thường thiệt hại cho người dân. Quỹ Bảo vệ Môi trường hỗ trợ toàn bộ án phí cho người dân khởi kiện. Vụ việc này đưa ra tòa, người thiệt hại nhất là Vedan”. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh.