Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trả lời phỏng vấn báo chí: Xã hội, người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm đến các lĩnh vực hoạt động của Bộ TN&MT
Chủ nhật - 19/04/2009 00:43
Ảnh: DWRM
Tại buổi giao lưu trực tuyến, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã dành hơn một giờ đồng hồ trả lời phóng viên báo chí những vấn đề đang được công luận quan tâm, tập trung vào hệ thống văn bản pháp luật quản lý đất đai và việc xử lý các vi phạm bảo vệ môi trường.
* Hiện thống kê sơ bộ cả nước mới có khoảng 5% nước thải ở các đô thị được xử lý. Xin Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Nước thải đô thị có thể chia làm 3 nhóm chính như sau: nhóm thứ nhất là nước thải sinh hoạt; nhóm thứ hai là nước thải công nghiệp; và nhóm thứ 3 là nước thải y tế, bệnh viện, bãi rác… Bộ TN&MT chủ trương ưu tiên xử lý nước thải ở các khu công nghiệp, nước thải y tế, bệnh viện, bãi rác và tới nước thải sinh hoạt. Mục tiêu là trong năm nay sẽ có khoảng 65-70% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Đối với nước thải ra hồ lớn, chúng tôi đang chỉ đạo phải xử lý trước khi xả vào hồ. Tại các đô thị cũ, vấn đề xử lý nước thải khá phức tạp, cần có kế hoạch lộ trình. Còn đối với các đô thị mới, Bộ TN&MT đều có yêu cầu về đảm bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mới được xả ra môi trường. Những vấn đề này đều liên quan đến các giải pháp công nghệ.
* Có những doanh nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng ở các đô thị lớn. Qua kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý tại địa phương đều nói không đạt tiêu chuẩn xử lý nước thải. Song các đơn vị này lại làm hồ sơ đề nghị Bộ xác nhận để được danh hiệu khen thưởng. Bộ trưởng bình luận gì về vấn đề này?
Thứ nhất, phải khẳng định rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đang trực tiếp quản lý các doanh nghiệp nằm trong danh mục phê duyệt tại quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, Bộ phân cấp đến các địa phương quản lý, theo dõi, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn mình. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường không xác nhận để được danh hiệu khen thưởng cho bất kì trường hợp nào.
Thứ hai, tiêu chuẩn về môi trường là một tiêu chí quan trọng để xét khen thưởng cho các doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp được đề nghị khen thưởng. Hiện Bộ TN&MT đã làm việc với Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương nhằm đưa chỉ tiêu bảo vệ môi trường vào tiêu chí xét thi đua ở các cấp, các ngành.
* Nhiều dòng sông ở nước ta bị ô nhiễm nghiêm trọng trong khi các đề án bảo vệ lưu vực sông triển khai chậm. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và những biện pháp trong thời gian tới đẩy mạnh hơn việc triển khai bảo vệ các lưu vực sông?
- Năng lực viết các dự án bảo vệ lưu vực sông còn yếu, sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương cũng vậy. Kinh nghiệm quản lý lưu vực sông ở ta lại không nhiều. Đây là những hạn chế cần khắc phục. Bộ sẽ phối hợp với các ngành, các địa phương nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác này.
* Xin Bộ trưởng cho biết về việc khắc phục hậu quả môi trường sông Thị Vải của Công ty Vedan hiện ra sao?
- Cho đến nay, Công ty Vedan đã thực hiện nghiêm túc các quyết định của Bộ TN&MT về xử phạt hành chính vi phạm xả thải ra sông Thị Vải. Bộ TN&MT và Sở TN&MT, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp chặt chẽ thành lập ban giám sát việc thực thi các Quyết định này. Đến nay, 3 công trình thải ngầm chiều dài 2400m, cắm sâu 10m sông Thị Vải của Công ty Vedan đã được bóc dỡ hoàn toàn. Một hệ thống giám sát tự động việc xả thải của Vedan đã được lắp đặt. Công ty cũng đang nhập thiết bị để 21 hồ sinh học hoạt động. Công suất Công ty này hiện đạt 65-67%, đồng thời Công ty cam kết không để công nhân thất nghiệp và thu mua hết nguyên liệu của nông dân trong vùng. Chúng tôi đã phân tích mẫu nước thải, nước sông và bùn thải lớp trên, tuy chưa đạt như hiện trạng nguyên thủy song đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. Có chỉ tiêu về màu nước chưa đạt đang được Công ty Vedan tiếp tục xử lý.
Điều quan trọng là việc xử lý ráo riết vụ Vedan xả thải trái phép đã là tiếng chuông cảnh tỉnh các doanh nghiệp lớn, cũng như các Sở TN&MT trong việc quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Trong 10km ô nhiễm nặng không có sinh vật sống của sông Thị Vải, hiện đã có khoảng 3km hạ lưu đang được hồi sinh.
Việc khiếu kiện của nông dân và doanh nghiệp đều phải tuân thủ theo pháp luật. Các cơ quan Nhà nước trong đó có Bộ TN&MT sẵn sàng hỗ trợ người dân về cơ sở khoa học và pháp lý.