Cục Quản lý tài nguyên nước là đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT được thành lập ngày 08 tháng 5 năm 2003, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước và lưu vực sông trên phạm vi cả nước, được quy định tại các Quyết định của Bộ trưởng Bộ TN&MT số 600/2003/QĐ-BTNMT ngày 08 tháng 5 năm 2003, được cập nhật bổ sung chức năng nhiệm vụ tại các Quyết định số 1035/2008/QĐ-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2008; số 1686/QĐ-BTNMT ngày 05 tháng 9 năm 2013 và số 1536/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 6 năm 2017.
Chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đã được Cục quán triệt, triển khai thực hiện theo quy định. Tổ chức bộ máy của Cục đã bảo đảm theo hướng tinh gọn, hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị đã được phát huy và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh đã phát huy vai trò, hoạt động tích cực, sôi nổi, đóng góp vào thành công chung của Cục. Xuất phát điểm từ những ngày đầu chỉ có 13 cán bộ chuyển từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang, đến nay tổng số cán bộ, công chức, viên chức của Cục là 146 người, trong đó có 46 công chức, 76 viên chức, 83 đảng viên với 07 chi bộ trực thuộc Đảng bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục đa phần là cán bộ trẻ, năng động, được đào tạo bài bản, luôn được trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo, quản lý để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, kết quả đạt được như sau:
Về xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước, loại tài sản nhà nước được quy định tại Hiến pháp, tập thể cấp ủy, lãnh đạo Cục đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm từng giai đoạn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao cùng với sự hỗ trợ công tác quản lý TNN gồm: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và cùng các cơ quan trong Bộ (các Vụ chức năng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Môi trường, Biển và Hải đảo…) Qua gần 20 năm thành lập, Cục đã tham mưu cho Bộ, hoặc tham mưu trình Bộ, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất quản lý tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương. Tại cấp Trung ương, đến nay đã có 63 văn bản được ban hành để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật tài nguyên nước, trong đó có 12 Nghị định (04 nghị định sửa đổi, bổ sung), 16 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 35 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Luật tài nguyên nước hiện hành đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 01 năm 2013, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước ở nước ta
Về điều tra cơ bản tài nguyên nước
Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước đã được triển khai trên tất cả các mặt: Điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt, nước dưới đất; tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; lập bản đồ lưu vực sông. Thực hiện kiểm kê TNN quốc gia 2021-2025... Đến nay, các thông tin, số liệu về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên hầu hết các lưu vực sông lớn và các vùng kinh tế trọng điểm, các khu đô thị lớn, một số đảo lớn quan trọng đã được thu thập, cập nhật, làm cơ sở cho công tác quản lý tài nguyên nước. Tại các địa phương, nhiều tỉnh đã chủ động bố trí ngân sách địa phương để đầu tư cho các dự án về điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên nước, hiện trạng khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước, lập quy hoạch tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước ở địa phương.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Diễn đàn chuyên đề quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL tháng 6/2019.
Về quy hoạch tài nguyên nước
Công tác lập Quy hoạch tài nguyên nước được đã được các cơ quan trung ương, cũng như địa phương quan tâm, đầu tư triển khai thực hiện. Lĩnh vực tài nguyên nước có 15 quy hoạch (gồm: quy hoạch tài nguyên nước (quốc gia), quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và 13 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông). Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 04 quy hoạch (gồm Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và 03 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San, Srepok). Đối với Quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch ngành Quốc gia, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc ban hành các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh là những công cụ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên nước; hướng đến việc quản lý đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia và tính liên vùng; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước lưu vực sông; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Quốc hội về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập tháng 2/2020.
Về quản lý khai thác, cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Cục Quản lý tài nguyên nước đã chủ trì xây dựng và trình các cấp ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 41/2021/NĐ-CP) đây là bước ngoặt lớn, lần đầu tiên được áp dụng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tính đến tháng 6 năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 846 công trình tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 11.796 tỷ đồng và đã thu được cho ngân sách Nhà nước hơn 5200 tỷ đồng. Trung bình, số thu hàng năm từ tiền cấp quyền cho ngân sách Nhà nước khoảng 1.500 tỷ. Ở địa phương tính đến tháng 6 năm 2022, các tỉnh đã phê duyệt được tổng số tiền trên 750 tỷ đồng và đã thu được cho ngân sách Nhà nước trên 580 tỷ đồng.
Thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngoài việc tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả. Nhiều công trình đã thay đổi công nghệ sản xuất, sử dụng nước theo hướng tiết kiệm, điều chỉnh lưu lượng khai thác sau khi Nghị định này được ban hành và triển khai.
Về thực hiện vai trò điều phối sử dụng nước
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Cục đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông phải xây dựng quy trình (bao gồm các lưu vực sông: Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srepok, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, sông Hồng, Đồng Nai và lưu vực sông Hương). Việc ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra, góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; gắn chế độ vận hành của công trình với các yêu cầu về phòng, chống lũ và điều tiết nước dưới hạ du các hồ, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường của các địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng của nước ta.
Cục đã trình Bộ để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục lưu vực sông gồm 392 sông liên tỉnh làm căn cứ để triển khai các hoạt động quản lý lưu vực sông, phân công, phân cấp quản lý; Bộ đã ban hành Danh mục lưu vực sông nội tỉnh gồm trên 3045 sông nội tỉnh; danh mục nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia (nguồn nước mặt) gồm 735 sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; Công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện đối với 555 hồ chứa, đập dâng của 511 công trình thủy lợi, thủy điện.
Cục đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông nhằm bảo đảm sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra, góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước
Về bảo vệ tài nguyên nước
Trước tình trạng san, lấp, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông hoặc hoạt động khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông diễn ra ngày càng phổ biến gây ra hiện tượng sạt, lở bờ sông tại nhiều địa phương, Cục Quản lý tài nguyên nước đã chủ trì xây dựng trình Bộ để Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2020 quy định về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông.
Công tác bảo vệ tài nguyên nước đã được tích cực triển khai như: xây dựng và triển khai thực hiện các quy định pháp luật để bảo vệ hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ lòng, bờ bãi sông, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; lập quy hoạch tài nguyên nước,... Trước tình trạng khai thác, sử dụng quá mức dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất và tăng nguy cơ gây sụt lún đất, Cục đã xây dựng trình Chính phủ ban hành quy định về hạn chế khai thác nước dưới đất. Thông qua việc thay đổi chính sách phù hợp và triển khai mạnh mẽ, quyết liệt trong thực tế đã cải thiện đáng kể tình trạng hạ thấp mực nước dưới đất. Như tại đồng bằng Bắc Bộ, tốc độ hạ thấp mực nước của Hà Nội kể từ năm 2018 đến nay cũng có xu hướng ổn định, không bị hạ thấp. Tại đồng bằng Nam Bộ đến nay mực nước tại các điểm quan trắc đều có có xu hướng đạt đến ổn định, gần như không bị hạ thấp thêm.
Cục đã chủ trì xây dựng trình Bộ để Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông nhằm bảo vệ tài nguyên nước
Việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đã được tuân theo chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước. Tài nguyên nước được quản lý bảo đảm, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Công tác khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế
Kể từ khi thành lập đến nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tích cực nghiên cứu khoa học, cung cấp các luận cứ để phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước. Trong 20 năm qua đã thực hiện 97 đề tài khoa học, trong đó có 01 đề tài cấp Nhà nước, 55 đề tài cấp Bộ và 41 đề tài cấp cơ sở. Các kết quả nghiên cứu đã xác lập cơ sở khoa học, phục vụ cho việc đề xuất, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách, quy định kỹ thuật trong quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, quản lý, khai thác chia sẻ thông tin tài nguyên nước đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần bảo vệ nguồn nước trước nguy cơ suy giảm nguồn nước, tác động của biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực công nghệ trong đánh giá, cảnh báo, dự báo, quan trắc tài nguyên nước, điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tháng 6/2022.
Hợp tác quốc tế song phương, đa phương, hội nhập kinh tế trong lĩnh vực tài nguyên nước được mở rộng, đẩy mạnh. Năm 2014, Cục Quản lý tài nguyên nước đã hoàn thiện hồ sơ gia nhập Công ước để trình Chủ tịch nước quyết định việc gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy. Việc gia nhập Công ước của Việt Nam vào đầu năm 2014, với tư cách là thành viên thứ 35, đã chính thức đưa Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy sau 17 năm thông qua. Cục luôn tích cực, chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ quốc tế phục vụ cho công tác xây dựng thể chế, tăng cường năng lực cho hoạt động quản lý tài nguyên nước. Đến nay, có khoảng 15 dự án quốc tế về tài nguyên nước đã và đang thực hiện. Cục đã tham gia nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế quan nhằm tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Quản lý tài nguyên nước ở địa phương
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật tài nguyên nước cũng được các địa phương quán triệt, triển khai mạnh mẽ. Theo số liệu báo cáo các tỉnh, đã ban hành 357 văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Tài nguyên nước và các quy định của Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào các nội dung: hành lang bảo vệ nguồn nước; hạn chế khai thác nước dưới đất; quy định quản lý tài nguyên nước ở địa phương; danh mục nguồn nước; và thanh tra, kiểm tra tài nguyên nước.
Về cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước: theo số liệu báo cáo tại 54 tỉnh đã cấp 23.794 Giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức và cá nhân, gồm: 577 giấy phép hành nghề khoan thăm dò khai thác nước dưới đất; 1.890 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước biển; 1.968 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 9.439 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất và 9.920 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Công tác thanh tra, kiểm tra tại địa phương: theo số liệu báo cáo tại 54 tỉnh đã triển khai 2.741 cuộc thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước đối với 15.232 đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, qua đó phát hiện và xử lý 1.424 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước với tổng số tiền phạt là 43.674.758.173 đồng.
9. Thanh tra, kiểm tra, giám sát tài nguyên nước
Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, đã có sự kết hợp hiệu quả giữa Trung ương, địa phương. Giai đoạn từ 2012 đến nay, Cục đã tham gia hoặc trực tiếp tiến hành 76 đợt thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường trên 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và 07 đợt thanh tra chuyên đề về tài nguyên nước. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước các cấp và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, bước đầu nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.
Để tăng cường công tác giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, đã có hơn 400/1.200 công trình thuộc quy mô cấp phép của Bộ hoàn thành việc kết nối giám sát trực tuyến về hệ thống giám sát tài nguyên nước do Cục Quản lý tài nguyên nước quản lý, vận hành. Bên cạnh đó, thông tin, số liệu về nguồn nước, vận hành của khoảng 134 hồ chứa, đập dâng lớn, quan trọng trên 11 lưu vực sông lớn đã được quản lý, giám sát thông qua hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu vận hành đã phục vụ đắc lực trong công tác giám sát, vận hành các hồ chứa. Đây là nền tảng quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số cũng như vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước.
Hiện nay, đã có khoảng hơn 24 nghìn công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước đã được quản lý từ trung ương đến địa phương thông qua biện pháp, công cụ cấp phép. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 1.787 giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức và cá nhân. Ở địa phương, theo số liệu báo cáo tại 54 tỉnh đã cấp 23.794 Giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức và cá nhân.
Đoàn công tác của Bộ TN&MT chụp ảnh lưu niệm cùng các Thượng nghị sĩ và nhóm hữu nghị Pháp - Việt tại trụ sở của Thượng viện Pháp trong chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước phục vụ xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tháng 6/2022.
Với những kết quả, thành tích đã đạt được nêu trên, Cục Quản lý tài nguyên nước đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2011) và hạng Nhì (năm 2018), Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ (2013, 2015,2019,2021), nhiều năm liền được tặng Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các danh hiệu, thi đua khen thưởng của các Bộ, ngành khác.
Sơ đồ tổ chức Cục Quản lý tài nguyên nước
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển trong gần 20 năm, lĩnh vực tài nguyên nước đã và đang từng bước khẳng định vị thế, vai trò của lĩnh vực quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi vùng lưu vực sông và mỗi địa phương. Đảm bảo an ninh tài nguyên nước là loại an ninh đặc biệt, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước, do đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của lĩnh vực tài nguyên nước đang ngày đêm phấn đấu, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp quản lý tài nguyên nước của ngành, góp phần vào sự ổn định, phát triển của đất nước.