Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên (phải) và Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai chủ trì cuộc họp
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tại cuộc họp góp ý cho dự thảo Luật Tài nguyên nước.
Bộ trưởng cho rằng, để kịp tiến độ trình Chính phủ vào tháng 3/2011, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 6/2011 và Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 (tháng 7/2011), Cục Quản lý tài nguyên nước, Ban soạn thảo cần hoàn thành Báo cáo đánh giá 12 năm thi hành Luật Tài nguyên nước 1998, Báo cáo đánh giá tác động của Luật vào cuộc sống, dự thảo Luật và dự thảo một số văn bản dưới Luật.
“Cần sớm tổ chức các cuộc họp Ban Chỉ đạo với sự tham gia của các Bộ, ngành, tổ chức các hội thảo lấy ý kiến rộng rãi về các vấn đề mới, phức tạp như tài chính nước, phép tắc quản lý nước…, nghiên cứu độ “vênh” giữa các quy định mới và quy định cũ trong Luật. Vụ Pháp chế phối hợp với Cục đề ra lộ trình cụ thể để việc xây dựng Luật đảm bảo tiến độ”, Bộ trưởng nói.
* Rõ nét hơn về chủ trong kinh tế tài nguyên nước
Nằm trong chủ trương chung về kinh tế hóa TN&MT, kinh tế, tài chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được đặt ra trong dự thảo Luật. Dự thảo có quy định về nguồn thu ngân sách Nhà nước từ các hoạt động tài nguyên nước như thuế, phí, lệ phí… và cơ chế, chế độ thu, quản lý, sử dụng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Quy định nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động tài nguyên nước, chính sách đầu tư và ưu đãi tài chính của Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, Luật cần làm rõ nét hơn chủ trương này, cụ thể “nguồn thu từ nước không chỉ phục vụ tái đầu tư cho ngành mà còn đóng góp cho ngân sách Nhà nước, kinh tế nước chính là để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước”.
Theo Bộ trưởng, Luật cần có các chế tài cụ thể thì quy định về kinh tế nước mới dễ thực thi. Đồng thời nên xem xét các phương án thu khác, ngoài phí, thuế, lệ phí… đang tồn tại như hiện nay, để tăng nguồn thu mà quản lý bảo vệ tốt nguồn nước đang ngày càng quý giá, bị tranh chấp và có nguy cơ suy thoái.
* Những đóng góp hữu ích
Vấn đề được đông đảo đại biểu quan tâm là cấu trúc của Luật. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là Luật chuyên ngành nên cần sắp xếp logic để có thể rút ngắn dưới 13 chương. Các chương về quy hoạch, chiến lược nên đặt trước nội dung về danh mục lưu vực sông. Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho rằng Luật đã đổi mới toàn diện so với Luật hiện hành song cần nghiên cứu, thiết kế các chương mục, độ chi tiết giữa các chương mục một cách đồng đều.
Đối với vấn đề phân cấp quản lý, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Ngọc Sơn cho rằng phân cấp quản lý tài nguyên nước có lẽ phức tạp hơn khoáng sản bởi tính chất liên ngành, liên vùng rất cao. Bởi thế, Luật cần tính toán phân cấp để Trung ương vẫn kiểm soát được nguồn nước toàn lãnh thổ. Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Dương Văn Khánh đề nghị cần làm rõ việc quản lý số liệu và có nguyên tắc chia sẻ số liệu về tài nguyên nước, bởi nhiều Bộ ngành cần số liệu này. Ông Khánh còn cho rằng nên có quy định về hành lang bảo vệ các công trình quan trắc nước, đặc biệt là các trạm quan trắc biên giới trong yếu.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn quan tâm đến vấn đề an ninh nước, bởi theo ông, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay khiến nước biển dâng, nguy cơ nước nhiễm mặn rất lớn. Cần đặt vấn đề an ninh nước như an ninh lương thực để bảo đảm cuộc sống người dân trong tương lai.
Ở một khía cạnh khác của an ninh nước, PGS. TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho rằng cần có quy định về phát triển nguồn nước, như xây dựng các khu dự trữ nước. Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai giải thích rõ, các hồ chứa điều hòa mới làm chức năng phát triển nguồn nước.
Nước mưa và nước sinh hoạt trên đảo cũng nên được điều chỉnh trong Luật lần này là ý kiến của ông Nguyễn Chí Công - Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN Nguyễn Đăng Đạo.
Các đơn vị tiếp tục đóng góp ý kiến và gửi bằng văn bản về Ban soạn thảo vào cuối tuần sau.