Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước, trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về công tác cải cách hành chính (CCHC) được thể hiện trên các mặt công tác như: Công tác chỉ đạo, điều hành; công tác cải cách thể chế; công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công;…
Tăng cường cải cách hành chính trong mọi hoạt động của Cục
Về công tác chỉ đạo, điều hành, căn cứ Kế hoạch cải cách hành chính và Kế hoạch Kiểm soát thủ tục hành chính năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục đã đã chỉ đạo ban hành Quyết định số 14/QĐ-TNN ngày 10/01/2022 về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của Cục Quản lý tài nguyên nước; ban hành Quyết định số 56/QĐ-TNN, ngày 01/3/2022 về Kế hoạch Kiểm soát thủ tục hành chính năm 2022.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền CCHC được Cục thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh gắn với Kế hoạch thông tin, tuyên truyền hằng năm về công tác cải cách hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thực hiện lồng ghép tuyên truyền cải cách hành chính với việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục. Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như: tổ chức tuyên truyền trong các cuộc họp, hội nghị tập huấn, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên Trang thông tin điện tử Cục với nội dung phong phú.
Chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính trong mọi hoạt động của Cục, đặc biệt trong hoàn thiện thể chế, việc áp dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ công việc, trong giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; triển khai và tổ chức kiểm tra, đôn đốc kịp thời việc thực hiện các chủ trương, biện pháp về cải cách hành chính nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức về cải cách hành chính trong cơ quan, đơn vị mình quản lý.
Chỉ đạo thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước, nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy.
Về cải cách thể chế, trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục đã tích cực triển khai các nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Xây dựng, hoàn thiện Báo cáo tài nguyên nước quốc gia (lần đầu);…
Cán bộ Văn phòng Một cửa Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận, trao đổi và hướng dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ trong lĩnh vực tài nguyên nước
Về cải cách thủ tục hành chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục tiếp tục rà soát, thực hiện các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo các Nghị quyết số 68/NQCP liên quan đến cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2020 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ.
Thực hiện Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Tại điểm g khoản 1 Điều 167 của Nghị định đã bãi bỏ Điều 35 và Điều 36 quy định về trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào nguồn nước tại Nghị định số 201/2013/NĐCP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Căn cứ quy định nêu trên của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, bốn thủ tục về cấp/gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép xả nước thải vào nguồn nước: ở Trung ương (02 thủ tục) và địa phương (02 thủ tục) hết hiệu lực thi hành. Cục thống nhất với việc bãi bỏ các thủ tục hành chính về tài nguyên nước để tạo điều kiện thuận lợi và cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo Quyết định số 1610/QĐ-BTNMT ngày 22/7/2020 về việc ban hành Quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục đã thực hiện xây dựng và ban hành Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước tại Quyết định số 75/QĐ-TNN ngày 25/3/2022 về việc ban hành Quy trình nội bộ thí điểm rút ngắn thời gian thẩm định thủ tục hành chính đối với hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt (trường hợp chưa vận hành), thăm dò nước dưới đất và hành nghề khoan nước dưới đất, theo đó Quy trình thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt (đối với trường hợp chưa có công trình khai thác), tổng số thời gian giải quyết là ba mươi bảy (37) ngày làm việc, giảm 03 ngày so với Quyết định số 1610/QĐ-BTNMT ngày 22 tháng 7 năm 2020; Quy trình thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất; Quy trình cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất), tổng số thời gian giải quyết là ba mươi bảy (37) ngày làm việc, giảm 03 ngày so với Quyết định số 1610/QĐ-BTNMT ngày 22 tháng 7 năm 2020; Quy trình thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, tổng số thời gian giải quyết là mười chính (19) ngày làm việc, giảm 02 ngày so với Quyết định số 1610/QĐ-BTNMT ngày 22 tháng 7 năm 2020.
Bên cạnh đó, Cục đã tích cực triển khai Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tập trung triển khai, thực hiện việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất; tăng cường triển khai sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử, chứng thực chữ ký số; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 16 thủ tục hành chính và mức độ 4 đối với 05 thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Tính từ đầu năm đến ngày 10/6/2022, Cục đã thẩm định, trình Bộ cấp 99 giấy phép tài nguyên nước các loại (13 giấy phép xả nước thải; 68 giấy phép khai thác nước mặt, nước biển; 10 giấy phép khai thác nước dưới đất; 0 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 03 giấy phép hành nghề nước dưới đất).
Về cải cách tổ chức bộ máy, Cục tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức gắn với việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động số 444-KH/BCSĐTNMT ngày 14 tháng 11 năm 2018 của Ban cán sự đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình hành động số 37/CTr-ĐU, ngày 20/8/2018 của Đảng ủy Cục Quản lý tài nguyên nước về việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị thuộc Cục.
Tiếp tục tổ chức thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện rà soát các nhiệm vụ được giao để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục.
Chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo đồng bộ công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của Cục và các đơn vị thuộc Cục đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm công tác; từng bước được chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa đội ngũ cán bộ nhằm bổ sung kịp thời, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài trong công tác quản lý tài nguyên nước.
Chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Cục, quản lý, điều hành và xử lý công việc của các đơn vị, đặc biệt là sử dụng đồng bộ, thường xuyên các hệ thống phần mềm điều hành qua mạng của Cục trong tất cả các đơn vị trực thuộc Cục; bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống thư điện tử và phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc của Cục phục vụ công tác quản lý và điều hành, 100% các văn bản, tài liệu chính thức được thực hiện trên mạng điện tử trừ văn bản mật, ứng dụng chữ ký số, cải tiến phương thức làm việc, từng bước hiện đại hóa hành chính.
Triển khai cập nhật thường xuyên và vận hành Hệ thống phần mềm khai thác, sử dụng Bộ dữ liệu các loại mô hình trên nền 19 Bộ dữ liệu thủy văn và 03 mô hình lưu vực sông. Xây dựng hệ thống theo dõi và quản lý diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất và hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước phục vụ giám sát việc tuân thủ giấy phép tài nguyên nước và công tác chỉ đạo điều hành; triển khai hệ thống quản lý tình hình vận hành của các Hồ chứa trên 11 lưu vực sông theo các Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng phê duyệt để Cục và các đơn vị quản lý vận hành theo dõi, giám sát và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường;…
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước
Về nhiệm vụ trọng tâm quý II, Cục sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Cục trong việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác và kế hoạch CCHC năm 2022 bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và hiệu quả.
Trong đó, chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về CCHC của Cục; tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng về công tác CCHC, cải cách TTHC trong lĩnh vực tài nguyên nước; nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm thi hành công vụ của công chức, viên chức và người lao động trong Cục.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Bộ trình Chính phủ; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng, hoàn thiện Báo cáo hiện trạng tài nguyên nước quốc gia,…để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về tài nguyên nước; chuyển hoạt động thanh tra, kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng pháp luật về tài nguyên nước.
Các tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục hành chính tại Văn phòng Một cửa Bộ TN&MT
Tiếp tục thực hiện tốt việc đánh giá tác động, đơn giản hóa TTHC trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước; duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng việc thẩm định các quy định, TTHC trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; cập nhật, công khai TTHC trên Cổng thông tin điện tử của Cục và niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC; tuyên truyền về hoạt động cải cách TTHC, kiểm soát TTHC của Cục.
Tiếp tục duy trì việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính, tình hình giải quyết TTHC thuộc chức năng quản lý của Cục và chính sách, pháp luật lĩnh vực tài nguyên nước; các kiến nghị đề xuất đơn giản hóa quy định, TTHC thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao; tham gia tổ chức đối thoại, giải đáp trực tuyến để giải quyết các vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về TTHC trong lĩnh vực tài nguyên nước; kiểm tra việc giải quyết TTHC của các đơn vị trực thuộc Cục.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đặc biệt trong giải quyết TTHC; tăng cường triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với các thủ tục hành chính đã được Bộ phê duyệt và tích hợp các dịch vụ tiện ích vào Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ;….