Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vị: Tổng Cục Môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, và lãnh đạo một số đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp chiều ngày 31/8
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trương Hồng Tiến - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết, ngày 8/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thay thế Quyết định số 114/QĐ-TTg ngày 15/01/2010. Theo đó, ngoài chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (Ủy ban) còn đảm nhận thêm chức năng quản lý lưu vực sông, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San – Srêpốk của Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, trong thời gian qua, Văn phòng Thường trực đã phối hợp với các đơn vị liên quan điều chỉnh Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban và đã được Bộ trưởng phê duyệt (Quyết định số 25/QĐ-UBMC ngày 25/6/2020).
Ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam phát biểu tại cuộc họp
Văn phòng Thường trực đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trình Lãnh đạo Bộ ký công văn gửi tới các Bộ, ngành và địa phương liên quan đề nghị thông báo danh sách nhân sự. Trên cơ sở thông tin nhận được, Văn phòng đã tổng hợp danh sách lãnh đạo, thành viên Ủy ban và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Hiện nay, Văn phòng Thường trực đang phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ chuẩn bị dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban; chuẩn bị dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức và Quy chế hoạt động của các Tiểu ban Lưu vực sông; chuẩn bị dự thảo Quyết định về điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Thường trực và đã lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan trong Bộ; chuẩn bị dự thảo Quy chế hoạt động của Văn phòng.
Cùng với đó, Văn phòng Thường trực đang chuẩn bị nội dung để trình Lãnh đạo Ủy ban xem xét tổ chức Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam năm 2020 vào tháng 10/2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long; chuẩn bị nội dung để trình Lãnh đạo Ủy ban xem xét tổ chức họp Tiểu ban Lưu vực sông Cửu Long và Tiểu ban Lưu vực Sê San – Srê-pốk; chuẩn bị phiên họp Hội đồng lần thứ 27 của Ủy hội sông Mê Công quốc tế dự kiến được tổ chức tại Lào vào tháng 11/2020 với sự tham dự của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Ông Trương Hồng Tiến - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam báo cáo tại cuộc họp
Bên cạnh đó, các mặt hoạt động khác như: Kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; hỗ trợ thẩm định các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án; theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên nước, các hoạt động khai thác, sử dụng nước; xây dựng mạng chia sẻ thông tin của Ủy ban; xây dựng cơ sở dữ liệu Lưu vực sông Mê Công của Ủy ban; hoạt động truyền thông và các hoạt động hợp tác quốc tế;…đã được Văn phòng tích cực triển khai, tạo nền tảng hỗ trợ hiệu quả hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, ông Trương Hồng Tiến cũng nêu ra một số khó khăn trong công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, đặc biệt là trong công tác phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương thành viên. Theo ông Tiến, do các Lãnh đạo và Ủy viên Ủy ban của các Bộ, ngành và địa phương thành viên hầu hết làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và thường xuyên bị thay đổi nên gặp khó khăn trong nắm bắt các nội dung hợp tác Mê Công để chỉ đạo hoạt động hợp tác trong Bộ, ngành, địa phương mình, dẫn tới việc chậm chễ trong triển khai các nhiệm vụ của Ủy ban. Công tác chia sẻ thông tin số liệu chủ yếu vẫn diễn ra một chiều từ Văn phòng Thường trực tới các Ủy viên Ủy ban, trong khi ở chiều ngược lại thì còn rất hạn chế. Một số Bộ, ngành và địa phương thành viên vẫn chưa hiểu thấu đáo về vai trò và trách nhiệm của mình đối với các hoạt động của Ủy ban, dẫn tới chưa thực sự chủ động phối hợp và tham gia vào các hoạt động của Ủy ban. “Để khắc phục các khó khăn nêu trên, việc tăng cường nhận thức của các Bộ, ngành và địa phương thành viên về vai trò và trách nhiệm trong các hoạt động của Ủy ban, tăng cường mạng lưới các đầu mối giúp việc ổn định và tăng cường hệ thống quản lý văn bản và Hồ sơ điện tử của Ủy ban đóng vai trò hết sức quan trọng”- Ông Trương Hồng Tiến phát biểu.
Phát biểu chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm về công tác kiện toàn nhân sự và quy chế hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam. “Trước đây, hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam là tập trung vào các hoạt động đối ngoại, hiện nay theo Quyết định số 619/QĐ-TTg thì hoạt động của Ủy ban đã được mở rộng hơn, bên cạnh chức năng là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý hoạt động hợp tác quốc tế trong Lưu vực sông Mê Công, đã đảm nhận thêm chức năng quản lý lưu vực sông để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu ý kiến tại cuộc họp
Phát biểu ý kiến về Quy chế hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, quy chế cần làm rõ các nội dung, quy trình, quy mô xin ý kiến chấp thuận của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đối với các công trình, dự án trên lưu vực sông cần phải thực hiện điều phối giám sát, chỉ đạo liên ngành.
Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường cho biết, hiện nay Tổng Cục Môi trường đang triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường và quy hoạch bảo vệ môi trường. Do đó, trong quy chế hoạt động của của các Uỷ ban lưu vực sông cần làm rõ phạm vi, mức độ yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường phát biểu ý kiến tại cuộc họp
Ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường cho rằng, để tạo đột phá và khẳng định vị thế trong hoạt động của mình, trong thời gian tới, Ủy ban sông Mê Công hoàn thiện hệ thống thông tin, nâng cao khả năng cung cấp và chia sẻ dữ liệu, cung cấp các dịch vụ dự báo.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ mới của Ủy ban sông Mê Công, cần nâng cao trách nhiệm phối hợp của các đơn vị trong Bộ TN&MT đối với các hoạt động của Uỷ ban. Theo đó, Vụ Tổ chức cán bộ cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế để giao Cục Quản lý tài nguyên nước làm đầu mối giúp việc cho Lãnh đạo Bộ về hoạt động của Ủy ban lưu vực sông. Mặt khác, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ủy ban hiện nay là rất quan trọng nhằm thực hiện các hoạt động kết nối về chia sẻ thông tin số liệu và tạo ra sự đồng thuận trong việc sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực. “Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường cần hỗ trợ, phối hợp Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam khẩn trương xây dựng khung kiến trúc về công nghệ thông tin, xây dựng môi trường làm việc trên không gian mạng internet cho Ủy ban sông Mê Công” - Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cơ bản thống nhất với các ý kiến phát biểu tại cuộc họp. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Ủy ban sông Mê Công với vai trò là tổ chức phối hợp liên ngành, có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia về vấn đề tài nguyên nước và môi trường. Do vậy, trong quy chế hoạt động của Ủy ban cần làm rõ nội dung quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông; đồng thời, xem xét các công việc có tính chất liên ngành, liên địa phương để quản lý tổng hợp tài nguyên nước, đảm bảo lợi ích các bên tham gia. Bên cạnh đó, phải thống nhất vai trò của Ủy ban thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu của lưu vực sông phục vụ hoạt động của Ủy ban; xác định rõ cơ chế chủ trì, bố trí nhân lực và các cơ quan tham gia triển khai công việc ưu tiên của Ủy ban./.