Tổng biên tập Báo Tài nguyên & Môi trường Hoàng Văn Thành chủ trì diễn đàn
Chủ doanh nghiệp xả thải vượt ngưỡng có thể bị phạt tù. Theo thống kê, trong 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì 70% có lượng nước thải ra trên 100m3/ngày. Theo đó, nếu doanh nghiệp không hiểu biết về quy định này, rất dễ vướng vòng lao lý.
Tới đây, Bộ TN&MT có đề án giám sát để phòng ngừa nguy cơ gây hại môi trường. Đề án sẽ được triển khai đến các tỉnh, giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra theo các tiêu chí để đánh giá trước nguy cơ xả thải của các doanh nghiệp.
Vừa qua, cơ quan của Bộ đã vào kiểm tra lại Formosa vẫn thấy còn tồn tại một số hạn chế về xử lý chất thải. Cơ quan chức năng đã yêu cầu xây dựng thêm một số hệ thống xử lý chất thải. Cũng theo ông Thức, việc xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay là vấn đề đáng quan tâm. Theo thống kê, mỗi ngày có 7 triệu m3 nước thải sinh hoạt được thải ra nhưng chỉ xử lý được 16%. Trong đó Đà Nẵng xử lý được 80%, Hà Nội xử lý 20%, TP.HCM 25%.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Sỹ Tuấn – Phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định: Biển đảo không chỉ có giá trị về tài nguyên, là nơi sinh sống, có ý nghĩa rất lớn về an ninh quốc phòng. Trong những năm qua, với tinh thần làm giàu từ biển, mạnh lên từ biển, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các cơ quan quản lý xây dựng và trình ban hành Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Năm 2015, Thủ tướng đã ký công nhận 16 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 9 khu bảo tồn đã hoạt động. Nhưng nhìn nhận chung chúng ta đều thấy, biển đang bị băm nhỏ, xung đột lợi ích giữa các ban ngành dẫn đến việc bảo tồn TN&MT cũng trở nên khó khăn hơn. Việc áp dụng phương pháp tổng hợp trong phát triển kinh tế cũng đang được chú trọng để phát triển đi đôi với bảo vệ TN&MT. Chúng ta sẽ khắc phục và chú trọng dần.
Góp ý tại Diễn đàn, Nhà báo Văn Hào (TTXVN) cho rằng, mỗi ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng có đến hàng trăm tin bài đề cập đến chủ đề môi trường. Nhưng theo Nhà báo Văn Hào, các bài báo chỉ "bơi" trên mặt sự kiện, ít khi các nhà báo được "ngụp lặn" để thấu tỏ nguyên nhân sự việc diễn ra.
Theo Nhà báo Văn Hào, cần có sự thông tỏ giữa báo chí và cơ quan quản lý nhà nước. Các bên cần hiểu nhau, tin tưởng lẫn nhau đồng hành vì mục đích chung bảo vệ môi trường bền vững. Hội viên CLB Nhà báo môi trường cần được các cơ quan chức năng cung cấp thông tin chính thống về mọi khía cạnh môi trường. Theo Nhà báo Văn Hào, những người làm báo đều thấu hiểu môi trường luôn là chủ đề cực nóng. Nếu cơ quan chức năng không cung cấp thông tin cập nhật thì báo chí sẽ dễ loạn thông tin.
Toàn cảnh Diễn đàn
Nhà báo Nguyễn Huyền chia sẻ rằng: ở đâu cuộc sống con người phát mạnh thì ở đó sự tàn phá về môi trường rất lớn. Sự gìn giữ về môi trường nhận được sự quan tâm lớn chỉ có ở các nước phát triển. Nhà báo này cho biết, ông đã nhiều lần về với đảo Phú Quốc, ở đó cũng đang có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng, tàn phá môi trường. “Chúng ta phát triển nên chú trọng tới sự phát triển bền vững, phát triển đi đôi với bảo vệ thiên nhiên”, Nhà báo Nguyễn Huyền nói.
Kết luận tại diễn đàn, ông Hoàng Văn Thành, Tổng Biên tập Báo Tài nguyên & Môi trường khẳng định, các nhà báo đang làm tốt vai trò thông tin tuyên truyền về bảo vệ môi trường và biển đảo. Thời gian tới, báo chí sẽ luôn đồng hành cùng cơ quan chức năng để đưa thông tin cập nhật hơn nữa để nâng cao nhận thức doanh nghiệp, người dân.
"Diễn đàn Nhà báo với môi trường và biển đảo sẽ được tổ chức thường niên, là nơi các nhà báo cùng cơ quan nhà nước chia sẻ giải pháp bảo vệ môi trường. Diễn đàn cũng sẽ là CLB đi đầu trong việc truyền thông về ý thức pháp luật bảo vệ phát triển môi trường, biển đảo." - Tổng Biên tập Báo Tài nguyên & Môi trường nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Cảnh Kiên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn