Sáng ngày 20/3, tại Quảng trường 3/2, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, Bộ Tài nguyên phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2015. Trang thông tin điện tử Cục Quản lý tài nguyên nước trân trọng giới thiệu Diễn văn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang tại Lễ Mít tinh Quốc gia kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2015:

- Kính thưa đồng chí Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
- Thưa đồng chí Bùi Văn Hải, Bí Thư tỉnh uỷ, Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang,
- Thưa các vị khách quốc tế, các vị đại biểu,
- Thưa đồng bào, đồng chí,
Hôm nay, cùng với các quốc gia trên thế giới và các địa phương trên cả nước, chúng ta họp mặt tại thành phố Bắc Giang, nơi có dòng sông Thương chảy qua, một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước và của nền Văn hóa Kinh Bắc, để long trọng tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2015 với chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”.
Thay mặt Bộ Tài nguyên và môi trường, tôi trân trọng chào mừng Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đại diện cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự và phát biểu ý kiến tại lễ mit-tinh.
Tôi cũng trân trọng cảm ơn các vị khách quốc tế, các quý vị đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành và đoàn thể ở Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông, Lãnh đạo, nhân dân tỉnh Bắc Giang và các tỉnh, thành khác trong cả nước đã có mặt trong buổi Lễ mít tinh trọng thể này!
Thưa các quý vị,
Từ hơn hai chục năm qua kể từ năm 1992 đến nay, hằng năm vào dịp này, các quốc gia trên khắp năm châu đều tổ chức kỷ niệm Ngày Nước thế giới với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực nhằm kêu gọi toàn nhân loại nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của nước và tầm quan trọng của chúng đối với cuộc sống của mỗi chúng ta và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, của khu vực và toàn cầu. Qua đó, cùng nhau hành động để bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên quan trọng này không chỉ cho hôm nay mà còn phải gìn giữ cho các thế hệ mai sau.
Thống nhất lấy Phát triển bền vững là mục tiêu phát triển của nhân loại bước sang thế kỷ 21, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển lần thứ nhất tổ chức tại Rio de Janeiro và Hội nghị Thưởng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tại Johannesburg đã xác định “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt: Phát triển kinh tế, Công bằng xã hội và Bảo vệ môi trường.
Tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng luôn đóng vai trò trọng tâm trong các khía cạnh của phát triển bền vững. Nước đã dần trở thành nhân tố cốt lõi, mang tính quyết định sự tồn tại và phát triển của nhân loại trên toàn cầu. Từ những năm cuối thế kỷ 20, nước đã dần chiếm những vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của các diễn đàn quốc tế. Năm 1997, Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị về Nước tại Mar del Plata, Ac-hen- ti- na.
Trái đất là một hành tinh xanh với ba phần tư được bao phủ bởi nước. Nước là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của môi trường sống. Lịch sử tiến hóa của loài người bắt đầu từ nước và nước là thành phần quan trọng nhất cấu thành cơ thể con người.
Từ xa xưa, những nền văn minh xuất hiện sớm nhất trong lịch sử nhân loại đều tập trung bên cạnh những con sông lớn, lý do là các dân tộc ở gần nguồn nước có được nguồn nước sạch dồi dào phục vụ cho sinh hoạt, giao thông thuận tiện, điều kiện sản xuất thuận lợi, điều kiện khí hậu thích hợp cho sự phát triển.
Chúng ta có thể thấy rằng các nền văn hóa, phong cách sống và các nguồn dinh dưỡng đối với mỗi địa phương, mỗi dân tộc luôn gắn liền với điều kiện khí hậu và nguồn nước của nơi ấy, nguồn nước luôn đóng vai trò quan trọng trong hình thành và duy trì sự cân bằng và ổn định về khí hậu của một khu vực.
Con người chúng ta sử dụng nước trong hầu hết các hoạt động hàng ngày, từ phục vụ sinh hoạt gia đình như ăn uống, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và giao thông vận tải. Nguồn tài nguyên quan trọng này đã tạo dựng lên xã hội loài người với sự đa dạng về xã hội, văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng trên khắp hành tinh.
Tuy nhiên, an ninh nguồn nước hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn, chủ yếu là:
- Sự gia tăng nhanh chóng dân số thế giới đang làm cho nhu cầu thiết yếu về nước tăng lên mạnh mẽ. Hành tinh của chúng ta hiện có hơn 7 tỷ người đang sinh sống, nhưng có thể tăng lên đến 8,3 tỷ người vào năm 2030. Hậu quả là đến năm 2030, chúng ta sẽ phải đối mặt với khả năng 1,8 tỉ người dân sống trong khu vực "hoàn toàn khan hiếm nước" và 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước. Theo số liệu thống kê, trong thế kỷ 20 dân số thế giới đã tăng gấp khoảng 3 lần trong khi lượng nước khai thác để sử dụng tăng khoảng 7 lần. Sức ép của dân số đã khiến cho tài nguyên nước ngọt của thế giới đang ngày càng suy giảm cả về số lượng và chất lượng, tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng. Tình trạng khan hiếm nước, đặc biệt là nước sạch đã khiến cho sự cạnh tranh về nước cũng ngày càng gay gắt, kèm theo là các hệ luỵ và các hậu quả tiêu cực đối với kinh tế - xã hội và đời sống người dân, nhất là những người nghèo.
- Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới, nhưng trong thực tế việc sử dụng và quản lý nguồn nước, xử lý các vấn đề môi trường chưa được coi trọng thỏa đáng. Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính có tới 90% nước thải tại các nước đang phát triển không được xử lý và được xả thẳng vào nguồn nước tự nhiên. Ô nhiễm nước giờ đây được coi là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà Châu Á đang phải đối mặt.
- Việc khai thác nước trên toàn cầu để thoả mãn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã tăng đột biến trong gần nửa thế kỷ qua. Kể từ cuối những năm chín mươi, lượng nước khai thác đã tăng hơn 6 lần so với thời điểm đó của thế kỷ trước, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dân số, trong đó đáng kể là do gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu về lương thực cho con người. Sản xuất nông nghiệp ngày càng chuyển sang tình trạng phụ thuộc vào nước tưới lấy từ sông, hồ và nguồn nước dưới đất.
- Tình trạng khan hiếm nước cũng diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại những vùng khô hạn và bán khô hạn, nơi mà tình hình thiếu nước đã trở thành mối đe doạ lớn nhất đối với an ninh lương thực, sức khoẻ và tính mạng con người và tới sự bền vững của hệ sinh thái tự nhiên.
Những thách thức nêu trên đang thực sự đe dọa tới an ninh nguồn nước, ảnh hưởng đến nỗ lực xóa đói giảm nghèo của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo dự báo của các nhà khoa học, sang Thế kỷ 21 loài người ngoài việc phải đối phó với nhiều mối đe doạ khác, còn phải đối phó với hiểm hoạ thiếu nước. Nước, nguồn tài nguyên tưởng như vô tận trong thế kỷ tới sẽ quý giá không kém gì dầu lửa và có thể là nguyên nhân dẫn đến những xung đột ngoại giao, xung đột vũ trang giữa nhiều quốc gia.
Tháng 3/1977, Hội nghị về Môi trường của LHQ đã cảnh báo “sau nguy cơ về dầu mỏ thì con người phải đương đầu với nguy cơ về nước”. Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Boutros Ghali cũng đã bày tỏ quan ngại: “Các cuộc chiến tranh tới đây sẽ không phải là cuộc chiến tranh giành dầu mỏ mà là cuộc chiến tranh giành nguồn nước”.
Tháng 3/1994, Báo cáo của Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên của LHQ nêu rõ “Với bất kỳ nước công nghiệp hoá hay nước đang phát triển, thiếu nước đang trở thành một hiện tượng phổ biến. Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trên toàn cầu”. Lời cảnh báo này đang ngày càng hiện thực.
Một hậu quả đáng ngại sẽ có thể xảy ra là thay vì phải nhập khẩu nước, các cường quốc sẽ chiếm những vùng đất lân cận có nguồn nước mặt hoặc nước ngầm. LHQ hiện đã liệt kê được trên 300 vùng mà tranh chấp có thể xảy ra do biên giới chung là dòng sông, hoặc do hai bên cùng có một túi nước ngầm chung. Việc nhận thức đầy đủ, toàn diện giá trị của nước sẽ giúp chúng ta có được sự phát triển bền vững đất nước. Theo đó:
- Nước là một tài nguyên vô cùng quan trọng, thiết yếu đối với thế giới sinh vật, với sự tồn tại và phát triển của con người. Nước, nguồn tài nguyên không thể thay thế, đã được quốc tế xác định là tài nguyên quan trọng thứ hai đứng sau tài nguyên con người.
- Nước là một nguồn tài nguyên hữu hạn, sử dụng phải luôn tiết kiệm, hạn chế các tổn thất và tránh các hành vi sử dụng làm lãng phí tài nguyên nước.
- Nước là một tài nguyên có thể tái tạo và cần phải sử dụng nước một cách hợp lý để duy trì khả năng tái tạo của tài nguyên nước.
- Tài nguyên nước trên lưu vực sông có thể tái tạo hàng năm cả về số lượng cũng như chất lượng nhờ vào chu trình thuỷ văn, nhưng việc sử dụng nước không hợp lý cũng có thể làm giảm khả năng tái tạo đó của tài nguyên nước. Nước cần được sử dụng phù hợp với tiềm năng nguồn nước trong từng vùng, trong khai thác sử dụng phải chú trọng cả việc bảo vệ khả năng tái tạo của tài nguyên nước.
Thưa các quý vị đại biểu,
Những thông điệp nêu trên đang nhắc nhở chúng ta cần nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn vai trò của nước đối với sự phát triển bền vững không chỉ của mỗi quốc gia mà còn có tính khu vực và toàn cầu. Nhận thức rõ được giá trị của nước đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước, ngay từ những năm cuối của thế kỷ trước, Luật Tài nguyên nước năm 1998 đã xác định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”. Hiến pháp sửa đổi của Việt Nam cũng tiếp tục khẳng định tài nguyên nước là tài sản công. Luật Tài nguyên nước sửa đổi năm 2012 cũng đã quy định các yêu cầu, biện pháp cụ thể để quản lý nguồn tài nguyên này như một loại tài sản; do đó việc khai thác, sử dụng nước phải tiết kiệm và phải trả tiền.
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quan trọng này.
Thưa các quý vị đại biểu,
Việt Nam không phải là quốc gia giàu về nước. Mặc dù chúng ta có 3.450 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng chủ yếu từ nước ngoài chảy vào và tập trung ở một số lưu vực sông lớn. Đặc biệt là lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 37%, bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 3.500 m3/năm. Nước dưới đất dù có tiềm năng khá lớn nhưng chỉ tập trung ở một số khu vực như đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ và khu vực Tây Nguyên.
Việt Nam là quốc gia đông dân số, nhu cầu sử dụng nước không ngừng gia tăng. Nếu chúng ta không đảm bảo khai thác, bảo vệ các nguồn nước một cách hợp lý thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nước trầm trọng. Vì vậy, một mặt chúng ta cần tiếp tục đầu tư để phát triển tài nguyên nước, mặt khác phải đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững.
Là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung đưa Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào cuộc sống, triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định trong Luật Tài nguyên nước, các Chương trình, Kế hoạch hành động của Chính phủ, với các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
- Một là, tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả Luật tài nguyên nước năm 2012; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.
- Hai là, tập trung xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên các lưu vực sông; đồng thời rà soát các quy trình đã ban hành đi đôi với kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ Quy trình.
- Ba là, tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời có chính sách phù hợp để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
- Bốn là, nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước nhằm cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời để xử lý những vấn đề về ô nhiễm, cạn kiệt dòng sông, trước hết tập trung vào hệ thống sông xuyên biên giới và khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
- Năm là, thành lập các tổ chức lưu vực sông để triển khai cơ chế điều phối chung trên từng lưu vực nhằm huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề chung trên phạm vi toàn lưu vực.
- Sáu là, chủ động đề xuất các giải pháp trong hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công; đặc biệt là nghiên cứu, đánh giá tác động tích lũy của hệ thống thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, qua đó có những giải pháp ứng phó phù hợp. Xây dựng kế hoạch để triển khai hiệu quả Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy mà Việt Nam mới gia nhập.
Thưa các vị đại biểu,
Hôm nay, nhân dịp ngày Nước thế giới, chúng ta hãy cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo sử dụng nước bền vững cho mọi người. Để làm được điều đó, cần sử dụng tổng hợp hơn, hiệu quả hơn nguồn nước trong mọi ngành, lĩnh vực. Đây là yêu cầu nhất quán và thống nhất trong các chính sách điều phối, phối hợp của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Tôi đề nghị các địa phương trên cả nước cần nhận thức sâu sắc hơn yêu cầu cấp bách phải bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm hiệu quả, bền vững các nguồn nước. Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị mọi tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên cả nước hãy có những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững hơn; hãy cùng chung tay để trả lại sự trong lành vốn có của các dòng sông không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.
Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang đã tích cực phối hợp để tổ chức trọng thể Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm nay.
Xin gửi lời cảm ơn chân thành và kính chúc sức khoẻ Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và các vị khách quốc tế, các quý vị đại biểu đã tham dự buổi Lễ mít tinh. Xin trân trọng cảm ơn./.