Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của Cục - Tin liên quan

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài nguyên và môi trường về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập

Thứ tư - 26/02/2020 18:38
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại cuộc họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại cuộc họp

Chiều ngày 26/2, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã dự buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập gắn với bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn.

Tham dự cuộc họp, về phía Đoàn Giám sát của Quốc hội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cùng đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hộị, Hội đồng dân tộc,…
 
Về phía Bộ TN&MT có: Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Lê Công Thành; đại diện lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ như: Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học tài nguyên nước, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam,…


Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại cuộc họp
 
Trình bày tóm tắt báo cáo về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 33 lưu vực sông lớn, liên tỉnh với tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 830 đến 840 tỷ m3, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Cửu Long (khoảng 57%), lưu vực sông Hồng - Thái Bình (khoảng 16%), lưu vực sông Đồng Nai (khoảng 4%), còn lại ở các lưu vực sông khác.
 
Tài nguyên nước của Việt Nam phân bố rất không đều cả về không gian và thời gian. Tổng lượng dòng chảy năm tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu trong mùa mưa, chỉ kéo dài khoảng từ 3 đến 5 tháng, các tháng mùa khô còn lại lượng nước chỉ chiếm từ 20 đến khoảng 30%.
 
Phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam đều là các sông xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn. Tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam khoảng 520 tỷ m3 (chiếm khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm của toàn quốc), trong đó, lớn nhất là sông Cửu Long, trên 400 tỷ m3, chiếm khoảng 84% tổng lượng nước chảy xuyên biên giới vào nước ta; sông Hồng khoảng 50 tỷ m3 - chiếm khoảng 10%.

Hiện nay, tài nguyên nước mùa khô đã được tăng lên đáng kể do hầu hết các lưu vực sông đều đã xây dựng các hồ chứa phục vụ mục đích tưới, phát điện và phòng chống lũ. Trung bình, lượng nước mùa khô chiếm 20 - 30% lượng nước cả năm của lưu vực. Khi có thêm dung tích trữ hữu ích trong các hồ thì lượng nước mùa khô tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy nếu quản lý khai thác tốt các hồ chứa, tình trạng thiếu nước sẽ giảm rõ rệt. Trên nhiều lưu vực lượng nước mùa khô tăng lên gần 50% do việc xây dựng và nhận lượng nước chuyển từ lưu vực khác, ví dụ như sông Cái Ninh Hòa, sông Đồng Nai, sông Ba và các sông Đông Nam Bộ.


Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp
 
Về hồ chứa, theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn cả nước có khoảng trên 7.160 hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trong đó có 6.660 hồ chứa thủy lợi do ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý (tổng dung tích khoảng 10 tỷ m3), khoảng 500 hồ chứa thủy điện đã đi vào vận hành và khoảng 300 dự án thủy điện đang triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào vận hành do ngành Công Thương quản lý (tổng dung tích khoảng 60 tỷ m3, chiếm khoảng 85% tổng dung tích các hồ chứa trên cả nước).
 
 Về tài nguyên nước dưới đất, Việt Nam có tiềm năng khá lớn về nguồn nước dưới đất, nhưng tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ và khu vực Tây Nguyên. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất trên toàn lãnh thổ ước tính khoảng 63 tỷ m3/năm. 
 
Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ rõ 5 thách thức đối với an ninh nguồn nước, gồm: Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến tài nguyên nước; BĐKH đã và đang tác động rất lớn đến tài nguyên nước của Việt Nam; quản trị nước.
 
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho biết, tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm của các ngành khoảng 80,6 tỷ m3, chiếm xấp xỉ 10% tổng lượng nước hiện có của cả nước. Trong đó, trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm) và cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thuỷ sản và sinh hoạt. Trong đó, lượng nước sử dụng tập trung chủ yếu vào 7 - 9 tháng mùa cạn, khi mà dòng chảy trên hệ thống sông đã bị suy giảm và với tổng lượng nước cả mùa chỉ bằng khoảng 20% - 30% (khoảng 160 - 250 tỷ m3) so với lượng nước của cả năm. “Xác định được tầm quan trọng của nguồn nước đối với sự phát triển của quốc gia, những năm gần đây các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước được đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Luật tài nguyên nước cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành hay đang trong quá trình soạn thảo đều có những quy định để bảo vệ các dòng sông một cách khá toàn diện” – Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng nêu ra một số tồn tại, bất cập về chính sách trong quản lý nguồn nước, cấp nước cho các mục đích sử dụng và quản lý nguồn nước giữa các ngành. Trong đó có thể kể đến một số bất cập như sau: Luật tài nguyên nước quy định việc quản lý nguồn nước và các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương. Việc quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ nguồn nước nói chung được thực hiện theo quy định của Luật tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường. Việc sản xuất nước sạch, phân phối, tiêu thụ nước sạch được lại thực hiện theo quy định của Nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân các cấp chỉ đạo hoặc thêm quy định tại Luật Thủy lợi nếu việc khai thác nước này nằm trong hệ thống công trình thủy lợi. Việc quản lý, giám sát chất lượng nước sạch sau quá trình sản xuất cho đến cấp nước các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Do vậy, còn nhiều khó khăn, giao thoa trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt. Việc triển khai, đưa luật pháp vào cuộc sống để hình thành, phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật, kiến thức, hiểu biết về pháp luật được thông suốt và gắn kết chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương chưa thực sự triệt để, hiệu quả chưa cao. Cơ chế phối hợp (cả trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện) giữa các Bộ/ngành đối với các hoạt động có liên quan đến tài nguyên nước trên lưu vực sông còn chưa đồng bộ và còn giao thoa, chồng lấn nhất là giữa lĩnh vực tài nguyên nước và lĩnh vực thủy lợi, thủy điện gây lúng túng trong thời gian qua.
 
Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch tài nguyên nước còn chậm, do đây là một công việc mới, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và nguồn kinh phí bố trí cho công tác này còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc điều hoà, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao, trong khi chưa thành lập được tổ chức lưu vực sông; các công trình khai thác, sử dụng nước lớn cho các mục đích khác nhau hầu hết đã được xây dựng hoặc đã được phê duyệt quy hoạch, đang triển khai, do vậy việc điều chỉnh mục tiêu nhiệm vụ, phân bổ, điều tiết lại khai thác sử dụng nước của các công trình này là hết sức khó khăn và phức tạp.
 
Các vấn đề mang tính liên ngành, như: quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh.
 
Đầu tư kinh phí cho các nhiệm vụ quản lý và các hoạt động điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước chưa tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu. Thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước, nhất là phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, công tác dự báo, thẩm định hồ sơ cấp phép ở cả cấp trung ương và địa phương; chế độ báo cáo, cung cấp dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước, về khai khác, sử dụng nước của các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân chưa được coi trọng;....
 
Trên cơ sở những thách thức và các bất cập, tồn tại nêu trên, Bộ TN&MT đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước như sau: 
 
Một là, tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; trong thời gian tới, tiến hành rà soát, sửa đổi Luật tài nguyên nước, trong đó cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước) theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước.
 
 Đồng thời cần phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt
 
Về trách nhiệm, thẩm quyền quản lý, cần quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, của các Bộ có quản lý ngành sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp. Phân định rõ giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông.
 
Hai là, tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn làm cơ sở cho các hành lập quy hoạch có khai thác sử dụng nước.
Ba là, hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước. Trên cơ sở đó, giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn quan trọng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành… Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát vệc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến.
 
Bốn là, xây dựng hệ thống giám sát, dự báo, cảnh báo sớm diễn biến tài nguyên nước vùng ĐBSCL, bao gồm cả phần thượng nguồn, toàn lưu vực và sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển; 
 
Năm là, tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam và hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa trung ương và địa phương.
 
Sáu là, nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với ĐBSCL nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước.
 
Bẩy là, thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả và nâng cao vai trò trong việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước.
 
Tám là, về hợp tác quốc tế, cần quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nước cho các mục đích sử dụng và việc thực thi các điều ước quốc tế có liên quan đến tài nguyên nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát phát biểu tại cuộc họp


Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu 
tại cuộc họp


Phó Chủ tịch Hôị đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành 
phát biểu tại cuộc họp
 
Phát biểu góp ý cho báo cáo, đa số các thành viên Đoàn giám sát đều bày tỏ nhất trí và đánh giá cao nội dung của báo cáo của Bộ TN&MT. Để làm rõ hơn các thách thức về an ninh nguồn nước, các đại biểu đề nghị Bộ TN&MT cần có đánh giá thêm về vấn đề an ninh nước ngầm; đánh giá tác động của an ninh nguồn nước đến hoạt động kinh tế - xã hội; các vấn đề về xung đột trong điều hòa nguồn nước, xử lý cân bằng lợi ích  giữa các đối tượng sử dụng nước, giữa các địa phương và các quốc gia trong thời điểm thiếu nước, khan hiếm nước; làm rõ các chính sách giải quyết an ninh nguồn nước gắn với sinh kế người dân; đồng thời, cần nhận diện và đưa ra các giải pháp mang tính vĩ mô hơn về vấn đề an ninh nguồn nước;….


Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp
 
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết an ninh nguồn nước đang là một trong những thách thức lớn đối với nước ta trong quá trình phát triển. Vấn đề an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt trong đời sống xã hội hiện nay.
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ những thách thức đối với an ninh nguồn nước từ những nguyên nhân do con người tạo ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cùng với đó là những thách thức do biến đổi khí hậu. Bộ trưởng cũng cho biết, vấn đề quy hoạch tài nguyên nước rất quan trọng. Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia nhằm tính toán cân bằng tài nguyên nước cho các nhu cầu cần thiết, trong đó, quy hoạch tài nguyên nước phải hướng đến thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng địa phương. Trong quy hoạch phải tính đến nguồn sinh thủy, bảo vệ 2 bên dòng sông; đồng thời, quy hoạch phải tính toán đến các kịch bản rủi ro nhất về nguồn nước để có phương án xử lý, ứng xử phù hợp, kịp thời.
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên nước, trong đó có các nguyên nhân chủ quan từ chính sách pháp luật. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn thông qua cuộc giám sát này, Đoàn công tác đề xuất, báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về an ninh nguồn nước với các giải pháp đồng bộ từ chính sách đến thực hiện; trong đó yêu cầu rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý nguồn nước, sử dụng nước và nhất là cấp nước sinh hoạt. Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, của các Bộ có quản lý ngành sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp; giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng phải thay đổi tư duy và quan điểm về tiếp cận an ninh nguồn nước, trong đó cần nhận diện rõ các nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh tài nguyên nước như: nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; tình trạng mất cân bằng giữa các nhu cầu dùng nước; khai thác sử dụng tài nguyên nước còn chưa hợp lý, thiếu bền vững; tác động của phát triển - kinh tế xã hội trong những năm gần đây khiến cho gia tăng các hoạt động xả thải dẫn đến ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng nguồn nước; các cơ chế chính sách trong quản lý nguồn nước còn chưa hợp lý, vẫn còn chồng chéo giữa các cơ quan;…. Bên cạnh đó, tài nguyên nước của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nặng bởi tình hình BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn trong tương lai gần.


Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận tại cuộc họp
 
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, thời đại kỷ nguyên số, chúng ta phải chiến thắng chính chúng ta với tinh thần tư duy độc lập, tự chủ. Trong đó, cần xác định mục tiêu, chiến lược, một quy hoạch bài bản mang tính hệ thống đảm bảo an ninh nguồn nước vừa có tầm nhìn dài hạn, cụ thể về an ninh nguồn nước, trong đó, có sự  phân khúc cho từng giai đoạn.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, trước mắt và lâu dài phải tạo được nguồn nước nội sinh, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước quốc tế, đặt ra các kịch bản để có giải pháp ứng phó chủ động, kịp thời; xây dựng hệ thống trữ nước; chính sách trồng rừng, sinh thủy; quản lý chặt chẽ nguồn nước ngầm; phải có cơ chế đầu tư đối với các nguồn lực, liên thông các hồ đập, các con sông để đảm bảo điều hòa chung; phải tiết kiệm nước, thực hiện cơ chế thị trường đối với tài nguyên nước với phương châm người dùng nước phải trả tiền với giá cả hợp lý; người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền thông qua các công cụ thuế, phí hợp lý. Đồng thời, phải cương quyết chống ô nhiễm nguồn nước, trong đó làm sạch nguồn nước đang bị ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước chưa bị ô nhiễm; đảm bảo thống nhất và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên nước.
 
Bên cạnh đó các vấn đề về tập trung phát triển nguồn lực cũng như tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước của Việt Nam cũng được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý và chỉ ra những phương hướng cụ thể để giải quyết bài toàn an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: DWRM

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 


Ngày nước thế giới 2021
1
1
1
1
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30 31        
2022 << 5/2023 >> 2024
LIÊN KẾT WEBSITE :
1
1
1
1
1

Thống kê

thoi trang Đang truy cập : 78

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 65


thoi trang cong so Hôm nay : 15044

áo khoác nữ Hàn Quốc Tháng hiện tại : 1241711

áo sơ mi nữ công sở Tổng lượt truy cập : 49434898

áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi