Phát biểu tại buổi làm việc với ông NoHyuk Park, Phó Chủ tịch K-water cùng với đại diện UNESCO i-WSSM; và các chuyên gia, đối tác, đại diện đến từ phía Hàn Quốc tại Thành phố Daejeon vào ngày 17/10, Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 qua gần 10 năm thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Một số nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thực thi chưa hiệu quả, khó khăn khi triển khai trên thực tế do có sự giao thoa với pháp luật khác và giao thoa trong quá trình tổ chức thực hiện; tài nguyên nước chưa được quản lý tổng hợp, thống nhất. Thực tế đó đòi hỏi cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật tài nguyên nước năm 2012.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà Phát biểu tại buổi làm việc với ông NoHyuk Park, Phó Chủ tịch K-water cùng với đại diện UNESCO i-WSSM; và các chuyên gia, đối tác, đại diện đến từ phía Hàn Quốc
Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà chia sẻ, hiện nay, Cục QLTNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Thời gian qua, Cục đã thực hiện rà soát, tổng kết Luật Tài nguyên nước năm 2012, cập nhật các chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước trong các Nghị quyết để thực hiện để phát triển được những nhóm chính sác tiệm cận với xu thế chung của thế giới. Cục đã tích cực tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới thông qua sự hỗ trợ của quốc tế và đặc biệt là chuyên gia Hàn Quốc về cải tạo, phục hồi dòng sông, cơ sở thông tin, số liệu, một trong những ưu tiên trong Dự thảo Luật sửa đổi lần này. Theo đó, 4 nhóm chính sách được tập trung bao gồm (1) Bảo đảm an ninh nguồn nước; (2) Xã hội hoá ngành nước; (3) Kinh tế tài nguyên nước; (4) Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác, trong đó bao gồm việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, phục hồi dòng sông.
“Tại chuyến tham quan khảo sát kinh nghiệm này, đoàn công tác của Cục với sự tham gia của đại diện các cơ quan có chức năng thẩm định, ban hành và thực thi Luật TNN (sửa đổi) với mong muốn được học hỏi kinh nghiệm, bài học thực tiễn tại về công tác quản lý tài nguyên nước tại Hàn Quốc làm cơ sở phục vụ sửa đổi Luật TNN (sửa đổi) tại Việt Nam; đồng thời, mở ra nhiều nội dung hợp tác dài hạn với các cơ quan tại Hàn Quốc về lĩnh vực tài nguyên nước” - Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà cho biết.
Ông NoHyuk PARK, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu K-Water phát biểu tại buổi tiếp đoàn công tác
Phát biểu tại buổi tiếp đoàn công tác, Ông NoHyuk Park, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu K-Water đã bày tỏ ấn tượng với kết quả triển khai các chính sách quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong những năm qua. Ông NoHyuk Park cũng cho rằng, Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế rất nhanh chóng. “K-Water và các cơ quan nước tại Hàn Quốc cam kết sẽ hỗ trợ hết sức để chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, bài học thực tiễn của Hàn Quốc với đoàn công tác trong lĩnh vực tài nguyên nước” - Ông NoHyuk Park nhấn mạnh.
Trong chuyến tham quan, khảo sát kinh nghiệm về công tác quản lý tài nguyên nước tại Hàn Quốc lần này, Đoàn công tác đã đến làm với một số cơ quan phụ trách lĩnh vực nước tại Hàn Quốc và trao đổi, chia sẻ về các chủ đề như: Dự án cải tạo, phục hồi 4 dòng sông lớn tại Hàn Quốc (Hàn, Geum, Nakdong, Yeongsan); xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia áp dụng công nghệ vệ tinh tiên tiến, hiện đại tại Hàn Quốc; Tham quan Trung tâm Ứng phó sự cố nước và Vệ tinh, Nhà máy cấp nước tại Trung tâm; Làm việc và thăm quan Trung tâm Quản lý nước tổng hợp K- Water, trụ sở quản lý lưu vực sông K-Water; Công trình kênh ARA. Cùng với đó, Đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với Ban lãnh đạo Viện KEITI để chia sẻ các thông tin về nhu cầu hợp tác công tư và ODA xanh; Thảo luận về các dự án công tư đang triển khai và đề xuất định hướng cho các dự án trong tương lai;…
Dưới đây là một số hình ảnh của Đoàn công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước trong chuyến tham quan, khảo sát kinh nghiệm về công tác quản lý tài nguyên nước tại Hàn Quốc:
Bà Nguyễn Thị Việt Hồng, Cục QLTNN trình bày về công tác quản lý lưu vực sông ở Việt Nam và các thách thức