GS. Lê Đình Quang, Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thu
Những biểu hiện thực tế của bão số 1 có những điểm chênh so với bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương vừa qua dẫn tới một số ý kiến đòi hỏi việc dự báo phải đạt độ chính xác cao hơn.
GS. Lê Đình Quang, Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng việc dự báo có sai số cũng là thông thường khi không chỉ Việt Nam mà ngay cả thế giới vẫn chưa tìm ra được những quy luật để có thể dự báo một cách chính xác. GS Quang cho biết:
- Các cơn bão có diễn biến bình thường theo quy luật thì dễ dự báo, nhưng những cơn bão dị thường rất khó dự báo đường đi. Với dự báo bão, cho đến nay ở các cơ quan khí tượng nước ngoài, các nhà khoa học của họ cũng chỉ dự báo 24-48 tiếng và sai số về vị trí tâm bão từ 180-200km được chấp nhận là các dự báo tốt nhất. Vì dự báo càng xa thì sai số càng lớn. Thời hạn vừa xa vừa dự báo chính xác về tâm bão đang còn là vấn đề. Theo dõi các dự báo của trung tâm khí tượng quốc tế cũng vẫn thấy có những sai số.
* Thưa ông, việc dự báo sự đổi hướng của bão hiện nay, cơ quan dự báo khí tượng có chủ động được không?
- Tất cả các trung tâm dự báo đều có nhiều phương pháp, mô hình dự báo và có thể dự báo được. Nhưng hiện nay các mô hình và phương pháp dự báo vẫn không cho giá trị chính xác. Với những cơn bão dị thường, có những thay đổi thì dự báo rất phức tạp. Hiện nay, các chuyên gia khí tượng, nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu những quy luật, cơ chế và hoàn lưu xung quanh bão để dự báo. Nhưng quy luật đó vẫn chưa được tìm ra và việc dự báo sai số cũng là thông thường khi chưa tìm ra được những quy luật.
* Nhưng nhiều người cho rằng cảnh báo cao hơn thực tế khiến người dân hoang mang?
- Mức độ gió mạnh ở vùng tâm bão không phải là đồng nhất mọi điểm. Trong bão số 1 ở Hải Phòng, Quảng Ninh gần như đạt cấp gió dự báo cao nhất khi bão đổ bộ, nhưng ở Nam Định lại thấy yếu hơn. Về lý thuyết, gió phần phía trước vùng tâm bão thường mạnh hơn và nguy hiểm hơn phía sau do khí áp ở phía trước bão mạnh hơn phía sau tạo sự hút gió vào tâm bão nhiều hơn.
Thực tế là không có cơn bão nào giống cơn bão nào. Cấu trúc vùng tâm bão không phải mọi điểm đều có mưa và gió mạnh đồng đều. Thường thì vùng phía bắc tâm bão gió mạnh hơn phía nam. Nếu như bão vào miền Trung thì mưa ở phía nam mạnh hơn.
Khi bão vào Vịnh Bắc bộ thường di chuyển gần bờ và có ma sát mạnh với đất liền làm giảm cấp độ đi. Tuy nhiên, không dễ đánh giá chắc chắn sẽ hạ cấp đến bao nhiêu nên dự báo vẫn nêu mức cao. Điều này cũng gây nghi ngờ khi người dân thấy thực tế mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn dự báo và cho rằng dự báo không đúng.
* Nhiều ý kiến cho rằng dự báo không chính xác hoàn toàn nhưng cảnh báo nên ở mức cao nhất để tránh thiệt hại. Ở góc độ chuyên môn, ý kiến của giáo sư như thế nào ?
- Ai cũng mong muốn dự báo đúng nhưng diễn biến thực tế thường phức tạp. Vị trí bão luôn thay đổi, muốn dự báo được chính xác phải xác định được vị trí tâm bão và cường độ, nhưng hai cái này chưa thể dự báo được dài hạn chính xác. Các nước phát bản tin dự báo bão từng giờ một thì dễ điều chỉnh, còn Việt Nam phát 3 tiếng/1 bản tin. Dự báo ngắn hạn thì chi tiết, chính xác hơn, nhưng khả năng đề phòng cũng sẽ giảm hơn so với dự báo dài ngày. Tuy nhiên việc cảnh báo là cần thiết.
* Ông có thể đánh giá sự chủ động và độ chính xác trong dự báo của Việt Nam tương quan thế nào với các nước?
- Với dự báo ngắn hạn 24- 48 tiếng, chúng ta dự báo không khí lạnh nói chung là tốt, dự báo có mưa diện rộng tương đối chính xác, nhưng các hiện tượng khác cũng mang tính cảnh báo là chủ yếu. Dự báo thời tiết hàng ngày trong 24-48 giờ mức độ chính xác có thể đạt 83-84%, nhưng không phải mọi yếu tố thời tiết đều đạt. Dự báo nhiệt độ tương đối được. Nhưng với mưa bất ngờ không dự báo được thì có khi dự báo ngày mai nhiệt độ rất cao nhưng hôm đó gặp mưa, không đạt được nhiệt độ ấy vẫn phải đánh giá là dự báo sai.
Các hiện tượng lốc xoáy thì khó có khả năng dự báo, dù có hệ thống ra-đa thời tiết tốt thì giỏi lắm chỉ dự báo được trước 1 tiếng. Dự báo lũ quét phụ thuộc vào mưa ở miền núi và địa hình tích nước. Nhưng dự báo mưa chính xác về cường độ, vị trí xảy ra thì không dễ. Việc dự báo định lượng mưa, nhất là mưa lớn ở vùng nhiệt đới, vẫn là điều khó hiện nay. Nhiều khi chúng ta có thiết bị hiện đại cũng không phải là yếu tố quyết định, bởi mạng trạm quan trắc thưa nên thiếu số liệu đầu vào so với mạng trạm dày hơn. Thiếu thông tin đầu vào thì dự báo kém chính xác.
* Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam luôn cho rằng đang thiếu nhân lực và thiếu thiết bị tốt trong dự báo nên chưa cho những sản phẩm dự báo tốt hơn. Ông thấy điều này có đúng không?
- Yếu tố quan trọng cho dự báo là thông tin đầu vào và nhân lực dự báo. Mình vẫn có thiết bị hiện đại như ra-đa thời tiết, vệ tinh phân giải cao, mô hình nhưng không đầy đủ như các nước tiên tiến. Nhưng vấn đề là người sử dụng được có đủ hay không. Ra-đa quan trắc được dải mây nhưng các nước tính toán được nhiệt độ và trường mây trong khu vực thì có kết quả chính xác hơn là chỉ nhận thấy vùng mây mà người dự báo chưa tính toán được.
Về nhân lực thì lãnh đạo ngành khí tượng cũng thừa nhận là có xu hướng những sinh viên giỏi không vào ngành khí tượng. Có người làm một thời gian ngắn lại chán và đi làm nơi khác. Do đó, nếu có thiết bị hiện đại mà nhân lực không đáp ứng được cũng chưa phát huy được.
* Ông có cho rằng những người làm công tác dự báo khí tượng thủy văn đang chịu nhiều áp lực vì luôn ở tình cảnh dự báo không thể lúc nào cũng chính xác nhưng cơ quan phòng chống thiên tai và người dân luôn đòi hỏi sự chính xác, rồi khi thực tế khác với dự báo thì bị chỉ trích?
- Áp lực đó là có. Tất cả những người làm dự báo đều mong muốn, cố gắng dự báo ở mức chính xác cao nhất. Chúng ta cũng đã tìm những mô hình, phương pháp dự báo của nước ngoài áp dụng vào Việt Nam, nhưng có những mô hình chưa thể dự báo chính xác được. Các mô hình dự báo ở nước ngoài thường chứa các thông số khí tượng, thủy văn, đặc điểm địa hình ở mức phổ quát hoặc ở nước ngoài mà thiếu những số liệu thực tế ở Việt Nam. Những thiếu sót đó chúng ta cũng đang tìm cách khắc phục, nghiên cứu để tăng cường công tác dự báo nhưng chưa tiệm cận được với nước ngoài.