Tham dự Hội thảo có hơn 30 đại biểu đại diện cho các cơ quản quản lý, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi tường, tính đến tháng 11/2014, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước ở cấp trung ương có khoảng 710 người, trong đó có 17 Tiến sỹ (chiếm 2,4%), 94 Thạc sỹ (chiếm 13,3%), 598 kỹ sư và cử nhân (chiếm 84,3%). Ở địa phương, hiện tại có 55 Sở Tài nguyên và Môi trường có phòng tài nguyên nước, 8 Sở có phòng chức năng tham mưu quản lý tài nguyên nước được ghép chung với lĩnh vực khí tượng thủy văn, địa chất khoáng sản,… với tổng số khoảng 200 cán bộ, tại 698 quận, huyện đều có phòng tài nguyên và môi trường, tuy nhiên chỉ có cán bộ kiêm nhiệm về lĩnh vực tài nguyên nước. Số liệu thống kê cũng cho thấy, nhiều cán bộ có khả năng độc lập chủ trì và thực hiện các đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, các cán bộ có khả năng nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu với các nhà chế tạo sản phẩm còn hạn chế.
Theo GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn, lĩnh vực tài nguyên nước còn nhiều vấn đề phức tạp, bức xúc nảy sinh đòi hỏi các cán bộ kỹ thuật phải phấn đấu nhiều hơn, học tập các chuyên gia trong và ngoài nước, say mê nghề nghiệp, tự đào tạo, tự bồi dưỡng.
Tại Hội thảo, GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn cũng kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước như kiến nghị nhà nước cấp kinh phí để trang bị bổ sung các thiết bị quan trắc, dự báo hiện đại; có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ kỹ thuật luân phiên nhau đi bồi dưỡng, đào tạo nâng cao thêm lý thuyết và kỹ năng xử lý ở các nước phát triển mạnh về lĩnh vực TNN;…
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đoàn Văn Cánh, chuyên gia nước dưới đất cũng cho rằng, để có đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao thì các cơ quan cần tạo điều kiện về mặt thời gian cho cán bộ tham gia nghiên cứu học tập, tránh giao quá nhiều việc. Mặt khác, cần kết hợp các chuyên gia, các trường tổ chức các lớp học, bồi dưỡng đào tạo tại chỗ, tổ chức trao đổi chuyên môn, mời các cán bộ có kinh nghiệm hướng dẫn, chia sẻ thông tin.
“Thêm vào đó, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, đặc biệt là các văn bản liên quan đến công tác đầu tư điều tra đánh giá lại, hoặc điều tra đánh giá ở mức độ chi tiết tài nguyên nước dưới đất trong từng tỉnh, từng vùng ở mức độ địa phương.” - PGS.TS Đoàn Văn Cánh phát biểu.
PGS.TS Đoàn Văn Cánh phát biểu
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Đản, xuất phát từ thực trạng đội ngũ cán bộ khoa học hiện nay đang tồn tại một số hạn chế như tính kế thừa kém, chất lượng đào tạo chưa cao, kỹ năng hạn chế, kinh nghiệm thực tế ít, sự hòa nhập giữa các lĩnh vực chưa tốt, do vậy, cần đặt ra những yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ tài nguyên nước dựa trên các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn (kỹ năng làm việc, nói, viết).
Còn theo đại diện trường Học Viện Nông nghiệp, vấn đề quản lý tài nguyên nước là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, hiện các cơ sở đào tạo về tài nguyên nước hiện nay lại rất thiếu và yếu thông tin về luật và hệ thống văn bản dưới luật về tài nguyên nước. Do vậy, cần có cơ chế phối hợp, phổ biến các văn bản này tới các sinh viên, học viên trong các trường, cơ sở đào tạo. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đặt ra các yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo, cơ quan nghiên cứu. “Cục Quản lý tài nguyên nước là cơ quan tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về lĩnh vực tài nguyên nước ở cấp trung ương cần xây dựng bản mô tả công việc đối với từng loại kĩ sư, cử nhân để các cơ sở đào tạo có thể dựa vào đó đào tạo sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu chất lượng công việc”- Đại diện trường Học Viện Nông nghiệp đề xuất.
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy đánh giá cao các nội dung các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu đối với công tác đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước. Những nội dung này sẽ được tổng hợp, đề xuất lên Lãnh đạo Bộ xem xét, đưa ra định hướng chỉ đạo đối với công tác đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói chung và lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng.