Sáng nay 11/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng ban soạn thảo Nghị định chủ trì Hội thảo. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo, cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; đại diện Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an...
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, ngày 04 tháng 3 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên 8 lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Theo Nghị định 21/2013/NĐ-CP chức năng, nhiệm vụ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được phân định rõ ràng, cụ thể, cơ cấu tổ chức cũng được kiện toàn cơ bản, giúp bộ máy vận hành tốt, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại Hội thảo
Tuy nhiên, cũng trong nhiệm kỳ này nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, như: Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Đất đai năm 2013, Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Luật tài nguyên và môi trường biển năm 2015, Luật Khí tượng thủy văn năm 2015;.., các Nghị định điều chỉnh các hoạt động chuyên ngành về tài nguyên khoáng sản, địa chất; đo đạc và bản đồ; tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đất đai. Ngoài ra, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Những văn bản này được ban hành đã làm rõ và bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời, một số nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 21/2013/NĐ-CP không còn phù hợp.
Từ những yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn trên, cần phải xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định số 21/2013/NĐ-CP để đáp ứng với yêu cầu quản lý nhà nước về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ trong giai đoạn mới.
“Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường được xây dựng trên tinh thần quán triệt các quan điểm, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức bộ máy nhà nước; Nghị định mới được dự thảo trên tinh thần cụ thể hóa Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Đồng thời, kế thừa và phát triển Nghị định số 21/2013/NĐ-CP, sửa đổi những quy định không còn phù hợp và bổ sung những quy định mới để đảm bảo bao quát hết các chức năng, nhiệm vụ được giao” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết.
Quang cảnh Hội thảo
Báo cáo tại Hội thảo, ông Tạ Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ TN&MT cũng cho biết, Dự thảo Nghị định bao gồm 6 Điều: Ví trí và chức năng (Điều 1); Nhiệm vụ và quyền hạn (Điều 2); Cơ cấu tổ chức (Điều 3); Hiệu lực thi hành (Điều 4); Điều khoản chuyển tiếp (Điều 5); Trách nhiệm thi hành (Điều 6). Chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản không có thay đổi so với Nghị định số 21/2013/NĐ-CP, bổ sung lĩnh vực viễn thám trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tại Nghị định số 21/2013/NĐ-CP đã có các nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thám, nhưng trong chức năng lại chưa được quy định). Như vậy chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV bao gồm 09 lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng, thủy văn; đo đạc và bản đồ; viễn thám; biển và hải đảo; biến đổi khí hậu.
Ông Tạ Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ giới thiệu Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 21/2013/NĐ-CP tại Hội thảo
Về nhiệm vụ, quyền hạn, Dự thảo Nghị định mới bổ sung một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ chung và nhiệm vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý. Cụ thể, nhiệm vụ chung sẽ bổ sung 02 nội dung: (i) Trình Chính phủ có ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; (ii) Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý hoặc theo phân công.
Đối với những nhiệm vụ chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý, dự thảo Nghị định đã bổ sung các nội dung các nhiệm vụ về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và địa chất, môi trường, biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, viễn thám. Riếng đối với lĩnh vực quản lý đất đai, Nghị định mới sẽ cơ bản tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được quy định trong Nghị định số 21/2013/NĐ-CP.
Ông Tạ Đình Thi cũng cho biết, đối với lĩnh vực tài nguyên nước: Các nhiệm vụ về tài nguyên nước được quy định tại Nghị định số 21/2013/NĐ-CP cơ bản là phù hợp và thể hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý tài nguyên nước. Tuy nhiên, để phù hợp với các quy định tại Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị bổ sung các nhiệm vụ sau: (1) Xác định và công bố vùng khan hiếm nước ngọt, vùng bị xâm nhập mặn; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; cho ý kiến đối với các hoạt động trong việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra việc xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; (2) Là cơ quan Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước và các Ủy ban lưu vực sông.
Về cơ cấu tổ chức: Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dự thảo Nghị định có 25 tổ chức: 7 Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, 5 Tổng cục, 6 Cục và 5 đơn vị sự nghiệp trực tiếp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Ông Tạ Đình Thi cũng cho biết, việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ lần này hướng tới thành lập các tổ chức đủ mạnh (cục hoặc tổng cục) nhằm giảm thiểu các đầu mối trực thuộc Bộ để quản lý ngành/chuyên ngành tương đối độc lập và có tính ổn định tương đối; tăng cường sự gắn kết các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ thông qua việc củng cố và thành lập (nếu cần thiết) các cơ quan tham mưu tổng hợp. Theo đó, các lĩnh vực mới được nâng cấp tổ chức hoặc các lĩnh vực có tính độc lập tương đối, đang hoạt động ổn định sẽ không đặt ra việc nghiên cứu thay đổi mô hình tổ chức mà chỉ rà soát, đánh giá để kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của đơn vị đó. Đối với các lĩnh vực mới phát sinh hoặc do yêu cầu quản lý nhà nước và sự phát triển của xã hội, cần nghiên cứu đề nghị thành lập mới hoặc nâng cấp từ các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ phù hợp hiện có.
Về việc thành lập mới, đổi tên một số đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước được quy định như sau: Thành lập Tổng cục Khí tượng Thủy văn trên cơ sở Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và bộ phận quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Thành lập Cục Biến đổi khí hậu trên cơ sở phần còn lại của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu sau khi chuyển bộ phận quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn về Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Thành lập Cục Đa dạng sinh học và Quản lý cảnh quan trên cơ sở Cục Bảo tồn đa dạng sinh học trực thuộc Tổng cục Môi trường. Đổi tên: Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam thành Cục Đo đạc - Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Đổi tên và điều chỉnh về chức năng nhiệm vụ: Cục Công nghệ thông tin thành Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia.
Dự thảo Nghị định mới cũng sẽ quy định cụ thể số lượng các tổ chức trực thuộc Cục trực thuộc Bộ: Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia được tổ chức 06 phòng và có Chi cục tại Thành phố Hồ Chí Minh; Cục Đo đạc - Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam được tổ chức 07 phòng và có Chi cục tại thành phố Hồ Chí Minh; Cục Biến đổi khí hậu được tổ chức 08 phòng; Cục Quản lý tài nguyên nước được tổ chức 09 phòng và có các chi cục tại thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Bắc Trung Bộ, khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Cục Viễn thám quốc gia được tổ chức 07 phòng và có Chi cục tại Thành phố Hồ Chí Minh; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học được tổ chức 06 phòng;…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý vào vấn đề cập nhật, cụ thể hóa các quy định có liên quan tại các văn bản, chỉ đạo mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ. Đồng thời, về việc rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bảo đảm phù hợp, hiệu quả, bao quát được hết chức năng, nhiệm vụ của Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Trước đó, ngày 07/10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 2321 về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT thay thế Nghị định số 21/2013/NĐ-CP.