Thứ trưởng Bộ TTN& MT Chu Phạm Ngọc Hiển và Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đồng chủ trì Hội thảo
Nằm trong hoạt động của chương trình kỷ niệm Ngày Nước thế giới 2016, chiều ngày 21/03/2016, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nước và việc làm”.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Nước và việc làm” là một hoạt động trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm Ngày Nước thế giới 2016 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Đến dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển và Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền.

Thứ trưởng Bộ TTN& MT Chu Phạm Ngọc Hiển và Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đồng chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố; các nhà khoa học; và các tổ chức quốc tế;…
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là một diễn đàn quan trọng để các nhà quản lý, các nhà khoa hoạc, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi những vấn đề về nghiên cứu khoa học, cũng như những nhận định, đánh giá và khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước trong thời gian tới. Đồng thời cũng là cơ hội để lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh chia sẻ, cập nhật, nghiên cứu các ý kiến của các đại biểu để tiếp tục có các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước ở địa phương.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền phát biểu khai mạc Hội thảo
Nước là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với con người, là một thành phần thiết yếu để duy trì cuộc sống. Nó là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội: từ nông nghiệp, công nghiệp, du lịch đến các vấn đề về sức khỏe.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cũng cho biết, Thanh Hóa là tỉnh Bắc Trung Bộ; có diện tích tự nhiên 11.116 km2, đứng thứ 5 cả nước; dân số hơn 3,5 triệu người, đứng thứ 3 cả nước. Trên địa bàn tỉnh, các hệ thống sông chính bao gồm: sông Mã, sông Hoạt, sông Yên và sông Bang với tổng chiều dài 881 km, tổng diện tích lưu vực là 39.756 km2, tổng lượng nước trung bình hàng năm 19,52 tỷ m3. Hệ thống sông rất đa dạng về quy mô lưu vực, và phức tạp về hình thái, dòng chảy. Với nguồn tài nguyên nước tương đối phong phú, đa dạng, tỉnh Thanh Hóa có nhiều lợi thế về phát triển các ngành nghề sản xuất có sử dụng nước. Trong đó, sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản của Thanh Hóa có vai trò hết sức quan trọng. Mặt khác, nguồn tài nguyên nước cũng mang lại cho tỉnh nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là thủy điện, giao thông thủy và các hoạt động du lịch sinh thái góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh và cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Báo cáo tham luận tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, theo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sự phân bố lượng mưa hằng năm sẽ có sự biến đổi theo chiều hướng tiêu cực là mùa khô kéo dài, lượng mưa mùa khô sẽ giảm đáng kể. Đó chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay, đặc biệt là khu Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến báo cáo tham luận tại Hội thảo
Trong những năm gần đây, vào mùa khô, lượng mưa thường thiếu hụt phổ biến từ 30%-50% so với trung bình nhiều năm, một số nơi mùa khô năm nay hầu như không có mưa, thiếu hụt trầm trọng từ 80-100% như Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long... Hệ quả của nó là dòng chảy trên hầu hết các sông, suối từ khu vực miền trung, Tây Nguyên đến Đồng bằng Sông Cửu Long đều suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục. Kéo theo đó là tình trạng hạn hán, xâm thực mặn, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất và đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế-xã hội.

Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo khoa học, 9 bài tham luận khác đã được lựa chọn, trình bày bao gồm tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp đều có nội dung liên quan đến mối liên hệ giữa “nước và việc làm”, quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng, hay tác động của phát triển thủy điện tới công ăn việc làm vùng hạ lưu, nước và văn hóa, phụ nữ và nước, đặc biệt là hiện trạng và những giải pháp cho tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Ở mỗi góc độ khác nhau, các báo cáo viên đã đưa ra những tồn tại thách thức, những bài học kinh nghiệm và đề ra những việc cần triển khai trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững.

Ths. Trần Minh Phượng báo cáo tham luận về "Phụ nữ và những câu chuyện liên quan đến nước"

Ông Trần Lê Trà báo cáo tham luận tại Hội thảo
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đánh giá cao kết quả của Hội thảo khoa học “Nước và việc làm”. Hội thảo được tổ chức vào thời điểm mà cả nước đang hướng về Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nơi đang phải đối mặt với thiên tai khô hạn và xâm nhập mặn. Cuộc sống của nhân dân những địa phương này đang trở nên vô cùng khó khăn khi mà nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất ngày càng cạn kiệt. Các ý kiến từ hội thảo đã phần nào chỉ ra nguyên nhân hạn hán, thiếu nước và đồng thời đề xuất một số giải pháp quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu kết luận Hội thảo
Thứ trưởng cũng cho rằng, hội thảo này sẽ là hoạt động gắn kết hợp tác giữa cơ quan trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước sẽ ngày càng khăng khít hơn, các mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển và sâu sắc hơn.