Tham dự Hội thảo còn có Tiến sĩ Nguyễn Thái Lai, chuyên gia cao cấp tài nguyên nước, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT; cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan đến tài nguyên nước ở Việt Nam và các đối tác quốc tế.
Phát biểu giới thiệu tại Hội thảo, Ông Tống Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, sáng kiến hợp tác VACI là một diễn đàn hợp tác quốc tế về tài nguyên nước để các bên liên quan gặp gỡ, chia sẻ cơ hội hợp tác và giới thiệu công nghệ mới về ngành nước. Sự kiện VACI đã được tổ chức thường niên từ năm 2012 nhằm thúc đẩy phát triển các công nghệ liên quan, hướng tướng sự bền vững về tài nguyên nước của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
“Ngày nay, có hơn 40% dân số sống nhờ vào nguồn nước từ các sông xuyên biên giới. Vì vậy, việc quản lý hiệu quả nguồn nước xuyên biên giới là rất cần thiết cho sự ổn định và phát triển. Ở Việt Nam, hiện có khoảng 392 sông, suối xuyên biên giới. Trong số đó, có các con sống lớn như sông Mê Công, sông Hồng,… Theo đó, đã đặt ra các yêu cầu cần phải có các chính sách, chiến lược để quản lý, phân bổ nguồn nước hợp lý. Không chỉ có chính sách hiệu quả mà còn ứng dụng chính sách này vào thực tế một cách hiệu quả” - Ông Tống Ngọc Thanh cho biết.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên hành tinh. Theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước, hiện có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến năm 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ bị rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Chính vì vậy, vào năm 2015, Liên Hợp quốc đã đưa ra mục tiêu nước cho toàn cầu là “Đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững”. Theo đó, vấn đề an ninh nguồn nước đã được đề cập tại nhiều diễn đàn, hội nghị khoa học trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cũng nhấn mạnh, thách thức liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia đã tồn tại xyên suốt lịch sử phát triển của nhân loại. Nhưng ngày nay các vấn đề đó đang trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu hơn bao giờ hết. Trong đó, bao gồm 04 thách thức chủ yếu như sau: (i) Sự phụ thuộc ngày càng mạnh mẽ vào nguồn nước, các con sông liên quốc gia; (ii) Biến đổi khí hậu đang làm cho các nguồn nước xuyên lãnh thổ biến đổi phức tạp và rất khó lường; (iii) Xu thế cạn kiện, suy thoái nguồn nước sạch, gồm cả các nguồn nước xuyên biên giới trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới; (iv) Sự đồng thuận, khung pháp lý và cơ chế phối hợp thực hiện các thỏa thuận quốc tế liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia còn chưa đầy đủ. Ở một số lưu vực sông xuyên quốc gia, các hiệp định, thỏa thuận về chia sẻ, sử dụng và bảo vệ nguồn nước còn chưa được một số nước thành viên tham gia; hay chỉ có một số hiệp định, thỏa thuận về một vài khía cạnh của tài nguyên nước mà chưa đề cập đến các khía cạnh sử dụng, chia sẻ lợi ích khác.
Quang cảnh Hội thảo
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cũng cho biết, là quốc gia nằm ở cuối các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức. Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, đồng thời nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các ngành sử dụng nước.
Nhận thức rõ những thách thức về tài nguyên nước, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong đàm phán hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cơ chế hợp tác quản lý hài hoà nguồn nước giữa các quốc gia; ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Sáng kiến hợp tác về nước tổ chức năm nay với chủ đề “Quản lý nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia: Từ chính sách đến thực tiễn” nhằm nhìn nhận những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt, từ đó đưa ra các sáng kiến hợp tác, các hành động cụ thể để thúc đẩy việc phối hợp quản lý, sử dụng bền vững và chia sẻ lợi ích, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cũng đề nghị các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp hãy có những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực nhằm quản lý, chia sẻ hài hòa các lợi ích từ các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia hiểu quả phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững cho hôm nay và cả thế hệ mai sau. Đồng thời, Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các địa phương trên cả nước, cần nhận thức một cách sâu sắc yêu cầu cấp bách phải bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Đại diện Đại sứ quán Hà Lan phát biểu tại Hội thảo
Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên nước và giải pháp đổi mới để phát triển bền vững tài nguyên nước xuyên biên giới, Hội thảo VACI 2016 đã tập trung giới thiệu và đưa ra thảo luận về các chủ đề như sau: An ninh nguồn nước xuyên biên giới và biến đổi khí hậu; Quy hoạch, quan trắc và điều tra tài nguyên nước; Quản lý nước xuyên biên giới: Chính sách và quản lý; Mối quan hệ giữa nước, năng lượng, thực phẩm và sức khỏe; Cung cấp và xử lý nước; Các giá trị văn hóa, xã hội của nguồn nước.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển và bà Dorit Lehrack – Cố vấn trưởng Dự án IPGVN Chương trình Hợp tác Kỹ thuật giữa Đức và và Việt Nam trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải của cuộc thi “Chung tay bảo vệ nguồn nước”
Bên lề Hội thảo, đã diễn ra Triển lãm ảnh với chủ đề “Nước với Trường Sa” nhằm trưng bày, giới thiệu 100 poster tranh, ảnh các loại; và có khoảng 20 gian hàng triển lãm giới thiệu các mô hình, công nghệ, sáng kiến về tài nguyên nước đến từ gần 20quốc gia thế giới. Triển lãm đã thu hút sự quan tâm, tham dự của khoảng 700 đại biểu trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, để chia sẻ những khó khăn về nguồn nước của dân và quân trên đảo và tiếp tục triển khai chương trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Cục chính trị Quân chủng Hải quân và các đơn vị liên quan triển khai chương trình “Gom nước, vững bước Trường Sa”. Chương trình nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên về nguồn nước, môi trường, biển đảo quê hương; kêu gọi, vận động tuổi trẻ và và các nguồn lực xã hội để nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng những giải pháp hữu ích chia sẻ khó khăn về nguồn nước ăn uống sinh hoạt cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Theo đó, đã sôi nổi diễn ra các hoạt động như: Phát động chương trình “Gom nước, vững bước Trường Sa”; Cuộc thi ảnh đẹp "Chung tay vì nguồn nước"; Vẽ tranh in vân tay cam kết bảo vệ nguồn nước; Giới thiệu công nghệ mới trong xử lý nước ô nhiễm thành nước ăn uống do Tập đoàn Tân Á Đại Thành thực hiện nhằm góp phần mang nguồn nước sạch đến với người dân Việt Nam nói chung và cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa nói riêng.

Bạn trẻ in vân tay cam kết bảo vệ nguồn nước