Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến
Sáng nay 14/5, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường về sửa đổi, bổ sung Thông tư 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát, khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh và Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Linh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các phòng: Quản lý khai thác nước dưới đất, Quản lý khai thác nước mặt, Quản lý Quy hoạch và Điều tra cơ bản tài nguyên nước, Quản lý lưu vực sông và Bảo vệ tài nguyên nước, Phòng Chính sách và Pháp chế, Trung tâm Thông tin - Kinh tế tài nguyên nước.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh và Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Linh chủ trì cuộc họp trực tuyến
Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Bảo Trung - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường; cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật một số đơn vị trực thuộc Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường.
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, sau ba năm thực hiện Thông tư số 47/TT-BTNMT, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tiếp tục được tăng cường hiệu lực, hiệu quả; đã nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, là một công cụ quan trọng phục vụ công tác quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các công trình đã được cấp giấy phép tài nguyên nước để cơ quan quản lý có đầy đủ cơ sở quản lý, đánh giá việc tuân thủ thực hiện nội dung quy định của giấy phép và các quy định của pháp luật về tài nguyên nước để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp và đảm bảo giảm thiểu tối đa các tác động do hoạt động khai thác, sử dụng và xả nước thải gây ra.
Qua thực tiễn 03 năm triển khai thi hành Thông tư số 47/TT-BTNMT với vài chục văn bản của các địa phương và doanh nghiệp đã cho thấy một số quy định của Thông tư 47/TT-BTNMT có những vướng mắc và đề nghị tháo gỡ đối với công trình khai thác nước dưới đất như: Một số giếng khoan có đường kính nhỏ không lắp đặt được thiết bị đo mực nước tự động và không đo được mực nước bằng phương pháp thủ công; Thông tư chưa quy định rõ về tần suất, chỉ tiêu quan trắc chất lượng nước gây khó khăn cho việc thực hiện; Quy định về tần suất giám sát đối với chỉ tiêu giám sát tồn tại một số bất cập; Đối với thiết bị đo lưu lượng giếng (đồng hồ cơ hoặc điện tử) cho kết quả lưu lượng tức thời tại điểm đo là m3/giờ, quy định của giấy phép lưu lượng khai thác tối đa của giếng là m3/ngày đêm, trong thực tế vận hành giếng khai thác không bơm liên tục 24/24 giờ gây khó khăn khi xác định lưu lượng khai thác để giám sát việc thực hiện theo quy định của chủ giấy phép; đối với công trình khai thác nước mặt: tần suất quan trắc giám sát quá dầy; khó khăn trong việc lắp đặt thiết bị quan trắc lưu lượng tự động, trực tuyến…. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT là cần thiết nhằm bảo đảm tính khả thi triển khai Thông tư trong thực tế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Cục Quản lý tài nguyên nước
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn văn Nghĩa - Trưởng phòng Quản lý khai thác nước dưới đất cho biết, nội dung cơ bản của Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 gồm có 3 Điều: Điều 1 quy định các nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho các khoản, điều của Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017; Điều 2 quy định về điều khoản chuyển tiếp; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.
Cụ thể, sẽ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT nhằm bổ sung, làm rõ các tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Sửa đổi, bổ sung Điều 4 làm rõ việc đo đạc, giám sát các thông số; Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 5 về bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm đầu tư, xây dựng hệ thống giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trách nhiệm đầu tư, lắp đặt các thiết bị đo đạc và các thiết bị khác liên quan theo quy định của các cơ sở có công trình khai thác tài nguyên nước; Sửa đổi, bổ sung Điều 5 về bổ sung, làm rõ về các thành phần của Hệ thống giám sát; trách nhiệm đầu tư, xây dựng hệ thống giám sát theo từng trường hợp cụ thể, đảm bảo tính khả thi; trách nhiệm quản lý, vận hành hệ thống giám sát; Sửa đổi, bổ sung Điều 6 làm rõ các yêu cầu cụ thể đối với thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu; Sửa đổi, bổ sung Điều 8 về các yêu cầu cụ thể đối với thiết bị đo đạc, kết nối, truyền số liệu của cơ sở có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước;....
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường Nguyễn Bảo Trung cũng cho biết, trong thời gian qua, hai đơn vị đã tích cực trao đổi, thảo luận để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến các quy định từ Điều 5 đến Điều 8 của Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT về hệ thống giám sát; yêu cầu đối với thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu; yêu cầu đối với thiết bị đo đạc, kết nối, truyền số liệu của cơ sở có công trình; và các nội dung yêu cầu kỹ thuật khác nhằm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại hiện có của các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Bảo Trung cũng cho rằng, ngoài việc sửa đổi các quy định để bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế ở trung ương và địa phương, đảm bảo tỉnh khả thi, thuận lợi cho các tổ chức cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước nêu trên thì Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này cần bổ sung thêm các quy định về hướng dẫn phương thức kết nối truyền dữ liệu, chia sẻ dữ liệu giữa Trung ương, địa phương và các Bộ, ngành nhằm đảm bảo công khai thông tin, khuyến khích các tổ chức - cá nhân chia sẻ, khai thác thông tin để dữ liệu được sử dụng hiệu quả hơn.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Thị Thu Linh cũng nhất trí với các ý kiến của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Thông tư cần viết theo hướng dễ hiểu, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giám sát tài nguyên nước giữa Trung ương và địa phương; đảm bảo mỗi địa phương đều có quyền khai thác thông tin, dữ liệu giám sát tài nguyên nước có công trình đặt trên địa bàn mình quản lý, đồng thời, Trung ương khai thác thông tin, dữ liệu giám sát tài nguyên nước do địa phương quản lý. Theo đó, cũng cần có những hướng dẫn về giải pháp, yêu cầu kỹ thuật dựa trên các yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh đánh giá cao tinh thần phối hợp làm việc của các cán bộ hai Cục để hoàn thiện các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT. “Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp này, Phòng Quản lý khai thác nước dưới đất tổng hợp, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo để sớm gửi dự thảo Thông tư báo cáo Lãnh đạo Bộ, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan theo quy định, đảm bảo tiến độ và hiệu quả, khả thi khi Thông tư được ban hành” - Cục trưởng Châu Trần Vĩnh chỉ đạo.