Tại buổi làm việc về công tác pháp chế năm 2018, sau khi nghe Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày báo cáo kết quả thực hiện công tác pháp chế trong thời gian qua, những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm công tác pháp chế trong năm 2018, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã kết luận chỉ đạo như sau:
Thứ nhất, Bộ ghi nhận những cố gắng nỗ lực của Vụ Pháp chế và các đơn vị trực thuộc trong Bộ trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017, không để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản. Nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật: Đất đai, Khoáng sản, Bảo vệ môi trường, đặc biệt là tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật đã được ban hành, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ.
Thứ hai, để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện về thể chế, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng yêu cầu công tác pháp chế trong năm 2018 cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Đối với thực hiện Chương trình, xây dựng VBQPPL năm 2018, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành, đưa pháp luật đi vào cuộc sống; chủ động nắm bắt và xử lý kịp thời những phản hồi cua rng]ời dân và doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của ngành, phát hiện và xử lý các văn bản pháp luật, không phù hợp với thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Chỉ đạo hoàn thành 100% Chương trình xây dựng, ban hành VBQPPL năm 2018 đúng tiến độ, đạt yêu cầu về chất lượng, đảm bảo tính khả thi, dự báo chính xác những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Thủ trưởng các đơn vị tăng cường, phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế của Bộ trong công tác xây dựng VBQPPL, nhất là công tác cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức truyền thông ngay trong quá trình xây dựng VBQPPL.
Đối với Chương trình xây dựng, ban hành VBQPPL dài hạn: Căn cứ các Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thông qua các kênh; ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội; ý kiến kiến nghị của địa phương,…. Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với các vụ, tổng cục, cục, viện, trường, Thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất Chương trình xây dựng, ban hành VBQPPL dài hạn để xã định những định hướng quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân.
Thủ trưởng các đơn vị quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm trong việc xác định lộ trình, vấn đề pháp luật cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Nội dung đề xuất tập trung vào các văn bản có phạm vi rộng, tác động lớn, gặp khó khăn vướng mắc của ngành khi triển khai thi hành ở nhiều địa phương. Nội dung văn bản phải mang tính dự báo dài hạn về yêu cầu quản lý và thực tiễn xã hội, học tập kinh nghiệm quản lý nước ngoài trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Chủ động đề xuất về nhân lực, nguồn tài chính, triển khai thi hành, tính khả thi, minh bạch của thủ tục hành chính gắn liền với các chương trình nghiên cứu khoa học để đảm bảo thực hiện.
Bộ trưưởng cũng giao Vụ Pháp chế thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá năm 2018, bao gồm: (1) đôn đốc và hoàn thành100% Chương trình xây dựng VBQPPL của Bộ về tiến độ; (2) đổi mới quy trình thẩm định; (3) đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật hiệu quả, nhất là đối với các luật thuộc trách nhiệm của Bộ mới được thông qua, có tính nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; (4) cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; (5) liên thông TTHC các lĩnh vực.
Khẩn trương vận hành ngay hệ thống cơ sở dữ liệu về xây dựng, ban hành, phổ biến giáo dục VBQPPL từ ngày 01 tháng 5 năm 2018. Định kỳ 6 tháng các đơn vị trực thuộc Bộ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị xây dựng pháp luật gửi Vụ Pháp chế tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ; hàng tháng gửi các văn bản trả lời chính sách, pháp luật, kiến nghị của địa phương cho Vụ Pháp chế tổng hợp để phổ biến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ kịp thời, nhanh chóng, tính phổ biến cáo cho các địa phương trong cả nước;….
Thanh tra Bộ, các Tổng cục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thi hành pháp luật tại địa phương, coi đây là bước đột phá trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống.
Về đổi mới quy trình xây dựng, thẩm định dự thảo VBQPPL; cải cách TTHC: Quán triệt nguyên tắc “Nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp, bảo đảm tiến độ” là kim chỉ nam trong hoạt động xây dựng, thẩm định VBQPPL năm 2018. Do vậy, Vụ Pháp chế cần thực hiện ngay việc đổi mới quy trình, hình thức thẩm định dự thảo VBQPPL; huy động tối đa đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đóng góp, phản biện cho chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường; cởi mở trong việc tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách để đề xuất các quy định mang tính dự báo chính xác, giải quyết đúng các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, vì một hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch, khách quan, rà soát, tháo gỡ các điều kiện đầu tư kinh doanh, TTHC không cần thiết; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Bộ trưởng giao Vụ trưởng Vụ Pháp chế nghiên cứu hình thức tổ chức Hội đồng thẩm định với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực có liên quan, làm bài bản, có chất lượng, phản biện độc lập có chất lượng đối với các chính sách, coi đây là một trong các khâu đột phá xây dựng, ban hành VBQPPL năm 2018;…
Về công tác trả lời chất vấn, giải quyết kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị đổi mới ngay cách thức trả lời chất vấn đại biểu quốc hội, giải quyết kiến nghị của cử tri, địa phương và doanh nghiệp về chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường theo hướng trả lời trực tiếp vào vấn đề cần hỏi, cần phải làm và làm ngay, không trả lời dưới dạng lời hứa. Đôn đốc, khắc phục tình trạng chậm trả lời, các giải quyết kiến nghị tồn đọng kéo dài.
Về công tác bộ máy, nhân lực: Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế, các Tổng cục, Cục rà soát chức năng nhiệm vụ pháp chế ở các đơn vị; sắp xếp bố trí biên chế pháp chế bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trường hợp không cần thiết có tổ chức pháp chế ở các Tổng cục thì báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.
Về kinh phí thực hiện: Thủ trưởng đơn vị căn cứ chương trình công tác, quy định của pháp luật về xây dựng, ban hành các VBQPPL đề xuất việc xây dựng văn bản, kinh phí thực hiện gửi Vụ Pháp chế tổng hợp, xác định nội dung văn bản, kinh phí thực hiện gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính bố trí.
Vụ Kế hoạch - Tài chính cân đối các nguồn lực, bảo đảm đủ kinh phí cho xây dựng, thẩm định, ban hành VBQPPL hàng năm của Bộ và kinh phí cho công tác pháp chế khác. Ưu tiên đặc thù kinh phí cho những văn bản quan trọng, cần thiết, đột xuất thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao.