Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Sáng ngày 6/9 tại TP.Hạ Long Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì Diễn đàn ASEM về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Chủ trì Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thông; Thư ký Bộ trưởng Nhà nước về Môi trường Indonesia, Liana Bratasida; Đại sứ Vương quốc Đan Mạch, John Nielsen đã chủ trì Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ, BĐKH đã và đang có những tác động rất nghiêm trọng đến toàn nhân loại. Những nạn nhân nhạy cảm nhất, bao gồm các quốc gia và các tầng lớp dân chúng nghèo nhất, sẽ phải hứng chịu sớm nhất và nặng nề nhất. Ngay cả những nước giàu cũng đã và đang phải chịu những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lụt và hạn hán, dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khốc liệt, gây thiệt hại lớn về người và của tại các nước thành viên ASEM ở châu Á. Trong khi đó, người dân các nước châu Âu trong những năm gần đây đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của nắng nóng, mà nguyên nhân sâu xa là do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo Thứ trưởng, những thành quả của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ mà nhiều nước các nước thành viên ASEM đang đeo đuổi, do đó đã, đang và sẽ bị đe dọa nghiêm trọng dưới những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc này đối với toàn thế giới là tìm ra các giải pháp hiệu quả để thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ Trái đất - ngôi nhà chung của toàn nhân loại - nhằm tạo ra môi trường sống an toàn cho các thế hệ hôm nay và mai sau, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt”.
“Diễn đàn này chính là cơ hội để chúng ta thể hiện sự hưởng ứng, góp phần vào sự thành công của Hội nghị cấp cao ASEM sắp tới, cũng như để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của các nước thành viên ASEM và của thế giới nói chung” – Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thông cũng cho rằng, các mối đe dọa về BĐKH đối với con người là thường trực. Việc ứng phó với BĐKH không phải của riêng quốc gia nào, mà phải là của cộng đồng toàn thế giới.
Toàn cảnh Diễn đàn
Diễn đàn ASEM về ứng phó với BĐKH sẽ có 3 phiên họp với các chủ đề: Tác động của BĐKH – Tính dễ bị tổn thương và thích ứng; Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế các-bon thấp; Hợp tác ASEM trong các nỗ lực toàn cầu.
Trong phiên họp thứ nhất sáng nay, các đại biểu đã tập trung bàn thảo, trao đổi về tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực, các vùng, các biện pháp thích ứng; phân tích chi phí – lợi ích của các hoạt động thịch ứng; đánh giá cơ chế đầu tư cho các hoạt động thích ứng; tác động của biện pháp thích ứng; Nâng cao năng lực; cải cách chính sách; tài chính BĐKH; và thích ứng dựa trên sinh thái…
Được thành lập tháng 3 năm 1996 nhằm mục tiêu tạo dựng "mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á – Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn" và “tạo ra sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”, trải qua 14 năm ASEM đã triển khai thực hiện hiệu quả hàng trăm hoạt động và sáng kiến trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, tài chính, môi trường... Trước những thách thức môi trường toàn cầu, một trong những chủ đề trọng tâm tại các Hội nghị cấp cao ASEM gần đây là phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 8 tại Brussels, Bỉ, tháng 10 tới đây, phát triển bền vững tiếp tục là một trong những vấn đề thảo luận chính của các nhà Lãnh đạo các nước ASEM và đây cũng sẽ là một trong những mục tiêu, định hướng phát triển chính của ASEM trong thời gian tới.