Kể từ khi Luật được ban hành đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tài nguyên nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và cần thiết phải được bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, phát triển kinh tế xã hội, trong bối cảnh tài nguyên nước chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải luật hóa để nâng cao hiệu lực thi hành, điều chỉnh các hành vi, cách ứng xử với tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Trong đó, việc triển khai Luật Tài nguyên nước 2012 còn tồn tại, bất cập, cụ thể: Thể chế, chính sách hiện nay chưa được tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước; Thiếu khung pháp lý cho an ninh tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức; Chưa chú trọng kinh tế nước, nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước còn hạn chế; Việc phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước
Mặt khác, công tác quản lý về tài nguyên nước trong thời gian qua vẫn còn có nhiều khó khăn, tồn tại. Việc lập, triển khai các quy hoạch về tài nguyên nước còn chậm dẫn đến chưa có cơ sở phân bổ, điều tiết nhu cầu nước của các ngành theo pháp luật về tài nguyên nước; Công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng yêu cầu cho công tác quản lý tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa đồng bộ; Một số chính sách liên quan đến đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo nguồn nước ăn uống và sinh hoạt; liên quan đến bảo đảm cảnh quan và lưu thông dòng chảy của dòng sông, ao hồ còn thiếu và chưa cụ thể.
Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai, đưa các chính sách vào cuộc sống còn chậm và thiếu đồng bộ giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương. Việc tăng cường năng lực tổ chức thực thi pháp luật tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở cấp tỉnh; chậm thành lập và triển khai hoạt động các tổ chức lưu vực sông gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động điều phối, giám sát, quản lý tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông. Các vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh, địa phương như: quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản,… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh;…
Định hướng, cách tiếp cận xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi)
Xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo hướng quy định các nội dung đảm bảo quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo chu trình của nước, tài nguyên nước là hữu hạn, phân công trách nhiệm cho các Bộ ngành triển khai thực hiện.
Kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, các khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân kiến nghị trong quá trình thực thi các quy định của pháp Luật Tài nguyên nước trong thời gian qua.
Luật hoá một số quy định trong các văn bản dưới Luật đã được phát huy hiệu quả trong thực tiễn nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này.
Các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, gắn với yêu cầu cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả, hiệu lực.
Thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định liên quan đến quản lý nguồn nước, khai thác, sử dụng, cấp nước trong Luật Tài nguyên nước.
Tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra và nâng cao giá trị của nước.
Đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Nhiều đề xuất mới trong xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi)
Trên cơ sở cách tiếp cận và kết quả rà soát, đánh giá tình hình thực thi Luật Tài nguyên nước và các yêu cầu phát sinh trong thực tế quản lý, Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất một số chính sách sẽ sửa đổi, bổ sung như sau:
Chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước: sẽ được lồng nghép trong các quy định về Quy hoạch, Điều tra cơ bản TNN; Khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; Điều phối, giám sát tài nguyên nước;… đồng thời bổ sung xây dựng bộ chỉ số để đảm bảo an ninh nguồn nước.
Chính sách xã hội hóa ngành nước: Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã nêu một số nội dung liên quan đến xã hội hóa trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước, trong việc cải tạo dòng sông bị ô nhiễm, suy thoái thông qua cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện, nhưng chưa quy định cụ thể.
Vì vậy, trong Luật sửa đổi lần này đề xuất việc quy định nguyên tắc thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực nước; Các hoạt động ưu tiên thực hiện xã hội hoá như (điều tra cơ bản TNN; quan trắc, giám sát; cải tạo, phục hồi các dòng sông; cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái dựa vào nguồn nước; hoạt động kè bờ sông;…); cơ chế ưu tiên, điều kiện ưu tiên; Nguồn vốn xã hội hoá; Quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện; Trách nhiệm quản lý hoạt động xã hội hoá.
Chính sách tài chính về tài nguyên nước: Bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế thu, nộp vào ngân sách, trong đó kiến nghị thu tiền cấp quyền khai thác sử dụng tài nguyên vào quỹ bảo vệ môi trường (không vào ngân sách).
Chính sách bảo vệ tài nguyên nước và chính sách khác: nghiên cứu, bổ sung các chính sách về: điều tra cơ bản; quy hoạch tài nguyên nước; phương án xử lý các công trình khai thác, sử dụng nước kém hiệu quả, gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; đảm bảo lưu thông dòng chảy (lấp sông, lấn chiếm bờ, bãi sông; các hoạt động xây dựng công trình ngầm, xử lý nền móng công trình,..); Bảo vệ chất lượng nguồn nước, đặc biệt cấp cho sinh hoạt; bảo vệ nước dưới đất; Quan trắc, Giám sát tài nguyên nước; quản lý các hoạt động san lấp, đào hồ, ao; sử dụng mặt nước các hồ chứa; quy định thu trữ, sử dụng nước mưa để hạn chế ngập lụt tại các đô thị, tăng cường khả năng cấp nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.
Đồng thời, rà soát đồng bộ để sửa đổi, bổ sung theo hướng xử lý các vấn đề chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước với Luật Thủy lợi và các Luật khác có liên quan.