Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của Cục - Tin liên quan

Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2016

Thứ tư - 23/03/2016 01:45
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại lễ Mít tinh

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại lễ Mít tinh

Sáng 22/3/2016, tại thành phố Thanh Hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng ngày Nước thế giới 2016.
Đến dự buổi lễ, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển - Trưởng ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày nước thế giới năm 2016, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía tỉnh Thanh Hóa, có ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; đại diện ban thường vụ tỉnh ủy, UBND tỉnh; các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh Thanh Hóa. Về phía các tổ chức quốc tế, có bà Victoria KwaKwa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; ông Tom Kompier - Bí thư thứ nhất về nước và khí hậu của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan và đại diện Đại sứ quán Ý.


 Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2016
 
Tham dự Lễ mít tinh còn có lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh, Sở, ngành một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương và đặc biệt là 3.500 đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
 
Phát biểu tại tại Lễ Mít tinh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của nước, năm 1992, tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) đã thống nhất chọn ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới, nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới tới tầm quan trọng của nguồn nước ngọt và sự cần thiết phải quản lý bền vững nguồn tài nguyên quan trọng này trên phạm vi toàn cầu. 


Các đại biểu tham dự Lễ Mít tinh
 
Nước là trung tâm của sự sống, môi trường và kinh tế - xã hội
 
Ngày Nước thế giới năm 2016 có chủ đề “Nước và Việc làm” với mục tiêu mang đến cho chúng ta một thông điệp rất có ý nghĩa, đó là nước và việc làm đều có sức mạnh để thay đổi cuộc sống của con người: Nước là trung tâm của sự sống, môi trường và kinh tế - xã hội. Nhờ nguồn nước được cải thiện,  thu nhập do việc làm mang lại sẽ tốt hơn và là nền móng cho tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế. Đây chính là cơ hội để kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đối với nguồn tài nguyên mà cả cuộc sống và sinh kế của cả nhân loại đều phụ thuộc vào nó. 
 
Nước là cốt lõi của phát triển bền vững. Nước và các dịch vụ do nước mang lại là nền tảng cơ bản giúp ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và duy trì môi trường bền vững. Nguồn nước ổn định sẽ đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, sức khỏe con người và hệ sinh thái; nguồn nước ổn định cũng tác động đến cuộc sống của hơn 7 tỷ người trên Trái đất.  


 
Nước tạo ra cơ hội có việc làm cho người lao động. Trên thế giới, hiện có khoảng 1,5 tỷ người đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến nước và hầu hết các công việc đều phụ thuộc vào nguồn nước. Nếu nước được cải thiện, người lao động sẽ có việc làm tử tế và mang lại thu nhập, góp phần vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ cho người lao động và tạo môi trường làm việc ổn định, an toàn, bình đẳng với mức thu nhập công bằng. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam có gần 70% lao động sống ở nông thôn, 42,3% người lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên thì nước càng thể hiện vai trò rõ rệt đối với sự phát triển của hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân.


Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu
 
 Phát biểu tại lễ mít tinh, bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Ngày Nước Thế giới 2016 là cơ hội để tất cả chúng ta cùng xem xét những vấn đề nổi cộm hiện đang ảnh hưởng tới tài nguyên nước ở cấp độ địa phương và trên phạm vi toàn thế giới. Ngân hàng Thế giới cũng khuyến khích mọi cơ hội tham gia vào chủ đề của năm nay về mối quan hệ giữa nước và việc làm, vai trò của nước đối với phát triển kinh tế - xã hội qua đó giúp lãnh đạo các cấp hiểu rõ hơn về các giải pháp và hướng tiếp cận tổng hợp đối với các vấn đề liên quan đến nước, vai trò quan trọng của nước tới sự phồn thịnh của xã hội và phát triển kinh tế. 
 
An ninh nguồn nước đang đứng trước nhiều thách thức
 
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho biết, trên toàn thế giới, tranh chấp nguồn nước đang diễn ra giữa các ngành kinh tế. Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn nhất, chiếm khoảng 70% tổng lượng nước khai thác trên toàn thế giới. Sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những ngành sử dụng và gây ô nhiễm nước lớn. Tại một số nước phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất dự đoán sẽ tăng 400% từ năm 2000 tới năm 2050. Đô thị hoá là một trong những thách thức phát triển quan trọng đặc biệt tại Việt Nam và là nguyên nhân làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước. 
 
 Hiện nay, nhiều vùng trên thế giới đang phải chịu áp lực về nước do phát triển kinh và tăng trưởng dân số. Trên thực thế, 2,5 tỷ người (36% dân số thế giới) hiện đang sinh sống tại những khu vực này và hơn 20% GDP toàn cầu được sản xuất tại những vùng đang trong cảnh thiếu và bấp bênh về nước. “Đầu tư vào nước sẽ giúp tạo ra việc làm và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh tế. Nước cũng là một nhân tố chính khuyến khích và tạo ra việc làm” – Bà Victoria Kwa Kwa nhấn mạnh. 


Bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu
 
Là quốc gia nằm ở cuối các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức. Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, đồng thời nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các ngành sử dụng nước.
 
Nhận thức rõ những thách thức đó, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong đàm phán hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cơ chế hợp tác quản lý hài hoà nguồn nước giữa các quốc gia; ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước của quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta còn đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi việc thực hiện cơ chế chia sẻ nguồn nước theo Công ước Liên hợp quốc về sử dụng nước cho mục đích phi giao thông thủy chưa được các quốc gia trong khu vực quan tâm, tham gia và chia sẻ. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, nước là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo nhưng không phải là vô tận. Hơn lúc nào hết, tại thời điểm chúng ta đang tổ chức Lễ mít tinh, cả nước đang chứng kiến việc thiếu nước nghiêm trọng do hiện tượng El nino gây ra cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. “Người dân ở các khu vực này đang phải gồng mình đối mặt và chống chọi với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán và xâm nhập mặn được xem là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua. Tính đến thời điểm này, Đồng bằng sông Cửu Long có gần 139.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất do thiếu nước và nhiễm mặn và khoảng 340.000 ha diện tích có khả năng bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Bến Tre. Hơn nửa triệu dân ở các tỉnh ven biển trong vùng đang bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ở những huyện ven biển, một số vùng người dân đang phải mua nước ngọt với giá từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng/m3 nước. Với họ, nước đang quý hơn cả vàng” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chia sẻ.


Ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu
 
Ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, Thanh Hóa là địa phương có nhiều lợi thế về phát triển các ngành nghề sản xuất có sử dụng nước. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, trong đó biểu hiện rõ nét là hạn hán, thiếu nước ở các vùng phía Tây và Tây-Nam Thanh Hóa, diễn biến xâm nhập mặn vùng hạ lưu hệ thống sông Hoạt, sông Mã, sông Yên, sông Bạng đang hết sức phức tạp, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nguồn nước tỉnh Thanh Hóa đang phải chịu những tác động và thách thức không nhỏ, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống và sản xuất nhân dân trong tỉnh.
 
Nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong mọi ngành, lĩnh vực
 
Tại Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới năm 2016, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng kêu gọi các cấp, các ngành hãy cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo an ninh nước hướng tới phát triển một xã hội bền vững. Để làm được điều đó, cần nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong mọi ngành, lĩnh vực. Đây là yêu cầu nhất quán và thống nhất trong các chính sách điều phối, phối hợp của chính quyền các cấp ở Trung ương và địa phương.
 
Đối với các địa phương trên cả nước, Bộ trưởng đề nghị cần nhận thức một cách sâu sắc yêu cầu cấp bách phải bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, các cấp chính quyền cần quán triệt sâu rộng trong tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng đầu nguồn nhằm duy trì và phát triển nguồn nước, nguồn sinh thủy cho các dòng sông, hồ chứa để cấp nước, phòng, chống lũ hiệu quả hơn không chỉ cho chính mình mà còn cho cả các khu vực rộng lớn ở hạ du. Đối với các địa phương vùng đồng bằng, ven biển, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, cần tích cực trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng chắn cát, gia tăng các công trình giữ nước để bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
 
Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đề nghị mọi tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên cả nước hãy có những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn và cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ các dòng sông, các nguồn nước không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau. Mong rằng cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước sẽ chung tay sớm khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra cho các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua.


Ông Tom Kom pier – Bí thư thứ nhất về nước và khí hậu của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan phát biểu
 
Theo ông Tom Kom pier – Bí thư thứ nhất về nước và khí hậu của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan nhấn mạnh: “Bảo vệ nguồn nước không chỉ là hành động mà còn thể hiện một thái độ sống. Hành động của mỗi người chúng ta cùng với tất cả sẽ đem lại sự thay đổi. Không gây ô nhiễm! Không vứt rác vào nguồn nước! Không lãng phí nước! Hãy cùng nhau chung tay bảo vệ nguồn nước và tạo nên một tương lai thịnh vượng và bền vững cho tất cả chúng ta!”


Các đại biểu tham dự Lế Mít tinh Ngày Nước thế giới năm 2016

Tác giả bài viết: dwrm

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi