Tài nguyên nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt đang tác động ngày càng trực tiếp và sâu sắc đến đời sống của người dân. Theo các chuyên gia ngành nước, để từng bước khắc phục, tình trạng ô nhiễm, công tác cấp phép xả nước thải vào nguồn nước cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Mặc dù việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước đã được quy định trong Luật Tài nguyên nước năm 1998 (Điều 18 và 19), nhưng đến cuối năm 2005, sau khi những hướng dẫn cụ thể về cấp phép xả nước thải vào nguồn nước tại Nghị định số 149/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định trên được ban hành thì công tác cấp phép xả nước thải mới đi vào nề nếp và đang được thực hiện đồng bộ cả ở Trung ương và địa phương.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, hiện cả nước đã cấp trên 5000 giấy phép tài nguyên nước, trong đó có hơn 400 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (chiếm khoảng 8%). Tuy nhiên, số địa phương cấp được hơn 10 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cũng không nhiều (chỉ chiếm khoảng 15%) gồm các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bắc Giang, Đồng Nai, Nghệ An... Thành phố Hồ Chí Minh cấp được nhiều nhất với 87 giấp phép xả nước thải vào nguồn nước, tiếp đó là Đồng Nai 52 giấy phép. So với tình hình thực tế hiện nay khi có trên 700 - 800 nghìn cơ sở xả thải trên cả nước thì số lượng tổ chức, cá nhân đã được cấp phép hoặc đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép xả nước thải vào nguồn nước là rất thấp.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Lê Bắc Huỳnh: Việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước còn hạn chế cả về số lượng và đối tượng nên chưa đem lại hiệu quả cao. Nguyên nhân là do sự "bùng nổ" số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các KCN, KCX, làng nghề ... có hoạt động xả nước thải trong những năm gần đây, với lực lượng của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương hiện nay chưa có điều kiện giám sát chặt chẽ; hầu hết các tỉnh chưa có quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước - một căn cứ quan trọng để thẩm định hồ sơ cấp phép xả nước thải. Cơ sở dữ liệu về diễn biến trữ lượng, chất lượng nguồn nước còn thiếu, lực lượng cán bộ thực hiện công tác cấp phép xả nước thải vào nguồn nước ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương còn mỏng, chuyên môn và kinh nghiệm hạn chế; thiếu các công nghệ, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác thẩm định hồ sơ cấp phép.
Cũng theo ông Huỳnh, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nước thải góp phần ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước, trong thời gian tới, song song với việc triển khai mạnh mẽ công tác cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, Cục Quản lý tài nguyên nước tiến hành tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp, y tế, các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung đang xả thải ô nhiễm để có trách nhiệm thực hiện luật pháp, có trách nhiệm trước xã hội, nhân dân trong bảo vệ môi trường, mà trước hết là ngừng ngay hoặc thực hiện ngay các biện pháp để không xả thải ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm môi trường, nguồn nước; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về tài nguyên nước, môi trường trong họat động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các nhà quản lý với các cơ quan thông tấn, tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phát hiện, định hướng dư luận xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng trong phòng chống, khắc phục ô nhiễm; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước.