Đất ngập nước là hệ sinh thái rất quan trọng, làm gia tăng sự đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì nguồn nước ngọt sẵn có, cung cấp nguyên liệu cho nền kinh tế; duy trì sự sống, đảm bảo sự thịnh vượng và tồn tại của con người trên Trái Đất.
Mặc dù vùng đất ngập nước chỉ chiếm 0.75% lượng nước ngọt thế giới nhưng lại trực tiếp cấp nước cho các hoạt động của con người. Nó đảm bảo nguồn cấp nước cho thế giới thông qua quá trình thu giữ và lưu trữ nước mưa, bổ sung vào các tầng chứa nước ngầm, điều tiết lượng nước, giữ cho lưu vực đầu nguồn trong lành, cung cấp nước uống an toàn một cách tự nhiên; giúp các đô thị, làng mạc được bảo vệ bởi sự phá hủy bởi các cơn bão.
Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối con người và thiên nhiên bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ carbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán; đảm bảo đa dạng sinh học, là môi trường sống của hơn 100.000 loài sinh vật; đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân. Hiện nay vùng đất ngập nước cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người trên thế giới; hơn 1 tỷ người hiện đang sinh sống dựa vào các vùng đất ngập nước; có tới 40% các loài sinh vật sống hoặc dựa vào những vùng đất ngập nước.
Khi con người phá hủy các vùng đất ngập nước đồng nghĩa với việc tự phá hủy cuộc sống của chính mình. Ấy vậy mà, vùng đất ngập nước đang biến mất nhanh hơn 3 lần so với rừng và là hệ sinh thái bị đe dọa nhiều nhất trên Trái Đất. Chỉ trong vòng 50 năm, kể từ năm 1970, 35% diện tích đất ngập nước trên thế giới đã bị mất đi.
Để bảo vệ các vùng đất ngập nước, từ năm 1971 Công ước về các vùng Đất ngập nước (Công ước Ramsar) đã được ra đời. Đây là hiệp ước quốc tế với sứ mệnh “bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua các hành động của địa phương, khu vực, quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới" với sự tham gia của 172 quốc gia thành viên.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar từ năm 1989. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật về quản lý đất ngập nước nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước, đồng thời triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước trên toàn quốc. Mới đây, ngày 24 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Ramsar.
|
Tác giả bài viết: DWRM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn