Sáng 17.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội nghị giải trình về An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và chỉ đạo Hội nghị.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì Hội nghị.
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Bộ Công thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ...
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ: An ninh nguồn nước là vấn đề của toàn thế giới, được nhiều quốc gia quan tâm, nỗ lực giải quyết. Ở Việt Nam, để bảo đảm an ninh nguồn nước, Quốc hội đã ban hành hành lang pháp lý với các đạo luật như: Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai…
Đối với an toàn hồ, đập, do đã được xây dựng từ nhiều năm nên trong số gần 7.000 đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện có tới trên 1.000 hồ đập hư hỏng, xuống cấp; 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nặng. Trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Đây cũng đang là một thách thức lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, cả hệ thống chính trị trong quá trình phát triển, vừa phải bảo đảm cho khai thác, vận hành của đập, hồ chứa để bảo đảm mục đích phát triển kinh tế - xã hội; vừa phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hạ du và ổn định cuộc sống của người dân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, mục tiêu của Hội nghị nhằm làm rõ thực trạng an ninh nguồn nước ở Việt Nam hiện nay và trong 20 - 30 năm tới; giải pháp quản lý, ứng phó và kiểm soát vấn đề này. Đối với quản lý an toàn hồ, đập, làm rõ hiện trạng quản lý an toàn các công trình hồ, đập hiện nay; khó khăn, bất cập; giải pháp khắc phục để bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và hiệu quả đầu tư trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước…
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho biết, qua khảo sát tại các địa phương, Đoàn công tác của Quốc hội về bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập đã chỉ ra một số thách thức với an ninh nguồn nước. Trong đó có vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian; mùa mưa lũ thì nước nhiều gây lũ, lụt; mùa khô thì hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó còn có mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng; bảo vệ nguồn sinh thủy... Đáng chú ý, hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thủy lợi chưa chưa đáp ứng yêu cầu. Lượng nước dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm để tích nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn, trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%...
Tại Hội nghị, đa số đại biểu đánh giá vai trò quan trọng của nước đối với cuộc sống trong sản xuất, sinh hoạt cũng như sự cần thiết phải bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập trong tình hình mới. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT nêu quan điểm, giải pháp để giải quyết tình hình tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như hạn hán, xâm ngập mặn…; giải pháp để giải quyết tình trạng hạn hán tại khu vực Tây Nguyên…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị
Giải trình về tình hình hạn hán của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, quan trọng là sự chủ động thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lũ, coi nước mặn, lợ, ngọt là tài nguyên; đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện các giải pháp về công trình, chú trọng xây dựng các công trình trữ nước, chuyển nước, kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi đang xây dựng… Đối với việc xây dựng các hồ chứa lớn, Bộ đang tổ chức nghiên cứu, trong đó tập trung vào tác động của điều kiện tự nhiên, địa hình, địa chất, kinh tế - xã hội trong vùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập là vấn đề rất quan trọng, cấp bách, không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tính quốc tế và khu vực.
Trên cơ sở phân tích 3 vấn đề lớn nổi lên với an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, điều cần thiết là phải đặt ra mục tiêu, phương châm chỉ đạo và các giải pháp gì để có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực này, bảo đảm xử lý lâu dài do những tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm ngập mặn và thiếu nước ngọt cho cả hiện tại và tương lai. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải đặt ra mục tiêu đến năm 2045 khi nước ta trở thành một nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình thì phải chủ động được nguồn nước ngọt, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; bảo đảm chủ động tưới tiêu khoa học, hiện đại cho 100% diện tích canh tác; đủ nước cho công nghiệp và dịch vụ; đáp ứng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho 115 - 120 triệu dân trong tương lai, cả ở thành thị và nông thôn, nhất là ở nông thôn cũng phải được sử dụng nước tốt như thành thị…

Toàn cảnh Hội nghị
Với các mục tiêu nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có quan điểm, phương châm chỉ đạo là đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, cấp bách, lâu dài, liên tục, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phải coi nước là hàng hóa đặc biệt, phải thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, thực hiện phương châm 4 tại chỗ: sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ.
Gợi mở các giải pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trên cơ sở các đường lối, Nghị quyết của Đảng, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, toàn diện bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho quản lý tài nguyên nước, thủy lợi, thủy điện, đê điều, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai. Tập trung rà soát, bổ sung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch hệ thống thủy lợi quốc gia, hệ thống đê điều quốc gia, nhất là ở lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long và khu vực miền Trung. Nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, tránh chồng chéo; rà soát lại việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương về quản lý nguồn nước và an toàn hồ đập. Thực hiện một kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch. Đồng thời, thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi…