Báo cáo tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung cho biết, mục tiêu của Nghiên cứu là xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về các điều kiện nền của vùng lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là vùng đồng bằng châu thổ sông Mê công (vùng ngập lũ của Việt Nam và Campuchia); đánh giá định lượng tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính tới vùng hạ du bao gồm: chế độ dòng chảy, vận chuyển phù sa và dinh dưỡng, đa dạng sinh học, chất lượng nước; khai thác thủy sản; hoạt động giao thông thủy và các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan. Nghiên cứu cũng góp phần hỗ trợ trong việc đạt sự đồng thuận về kết quả đánh giá tác động của các công trình thủy điện đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mê Công và xác định các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu tác động.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, mục đích của nghiên cứu là đưa ra đánh giá tổng hợp, có định lượng về môi trường, kinh tế và xã hội những tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công tới các hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội vùng châu thổ Mê Công, nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các nước ven sông Mê Công. Kết quả nghiên cứu không chỉ giúp đưa ra những cơ sở khoa học cho các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế đảm bảo sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mê Công, mà còn giúp Việt Nam chuẩn bị ứng phó với những thách thức đối với đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vấn đề an ninh tài nguyên nước và trong điều kiện biến đổi khí hậu. Nghiên cứu đã được Bộ TN&MT và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tích cực triển khai theo đúng tiến độ và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2015 nhằm đảm bảo lợi ích của các bên liên quan và sự phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang phát biểu tại buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương và tích cực của Bộ TN&MT trong tiến trình thực hiện. Nghiên cứu đã thu hút được sự tham gia và ủng hộ của nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế có uy tín, cũng như các Bộ, ngành, địa phương có liên quan của Việt Nam nhằm bảo đảm chất lượng và sự minh bạch. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai nghiên cứu cần cân nhắc lựa chọn các kịch bản, trong đó có lưu ý tới vấn đề tác động của biến đổi khí hậu và những tổn thất của người dân trong lưu vực sông Mê Công; tham khảo kinh nghiệm từ các bài học quốc tế nhằm chọn ra giải pháp tối ưu và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp với các bên liên quan cũng như tranh thủ sự ủng hộ của thế giới để phục vụ tốt hơn cho mục tiêu nghiên cứu.
Sông Mê Công là một trong mười con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài hơn 4.800 km, diện tích lưu vực 795.000 km2, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỷ m3 tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây là nơi sinh sống của trên 65 triệu người và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của các nước ven sông. Đặc biệt, lưu vực sông Mê Công có tiềm năng thuỷ điện rất lớn và phát triển thủy điện ở khu vực này có khả năng sẽ tăng lên đáng kể trong những thập kỷ tới. Theo nghiên cứu của các tổ chức thế giới, trong đó có Việt Nam chỉ ra rằng việc xây dựng các công trình thủy điện sẽ gây tác động đáng kể tới chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa, dinh dưỡng, thủy sinh… ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội trên lưu vực sông Mê Công.
Nguồn tin: monre
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn