Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc thu thập, tạo lập và cung cấp thông tin, dữ liệu đúng quy định của pháp luật hiện hành. Việc cung cấp, hiến tặng thông tin, dữ liệu cho cơ quan nhà nước được trả kinh phí theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nhà nước có chính sách hợp tác, phối hợp với các nước, các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế về thông tin, dữ liệu liên quan đến quốc tế: Trong việc thu thập, tạo lập, chia sẻ, cung cấp, xử lý các thông tin, dữ liệu.Nghiên cứu, xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho việc tổ chức, quản lý, cung cấp, khai thác có hiệu quả các thông tin, dữ liệu. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể chính sách hợp tác, phối hợp quốc tế trong hoạt động thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể các nguyên tắc trong việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đó là bảo đảm tính chính xác, trung thực, khoa học, khách quan; Tập hợp, quản lý được đầy đủ các nguồn thông tin, dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Lưu trữ, bảo quản đáp ứng yêu cầu sử dụng lâu dài, thuận tiện; Tổ chức có hệ thống phục vụ thuận tiện khai thác và sử dụng, phát huy hiệu quả, tiết kiệm chung cho xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Được công bố công khai và được quyền tiếp cận theo quy định của pháp luật; Phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Dự thảo nêu rõ, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường được xây dựng phục vụ quản lý, khai thác, cung cấp, sử dụng thông tin, dữ liệu thuận tiện, hiệu quả; xây dựng cơ sở dữ liệu phải phù hợp với Kiến trúc Chính phủ điện tử, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, chuyên ngành và định mức kinh tế - kỹ thuật.
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường bao gồm: a- Bố trí mặt bằng, xây dựng các công trình, lắp đặt máy móc, thiết bị; b- Trang bị các trang thiết bị cần thiết; c- Xây dựng hạ tầng mạng phục vụ hoạt động của cơ sở dữ liệu; d- Thiết kế, tạo lập cơ sở dữ liệu; đ- Thu thập, chuẩn hóa, nhập dữ liệu; e- Lưu trữ, bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin trong cơ sở dữ liệu; g- Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, tổ chức bộ máy cán bộ quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu; h- Vận hành thử, hiệu chỉnh cơ sở dữ liệu; k- Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Cơ quan được giao quản lý thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường xây dựng các quy trình nghiệp vụ, kiểm soát để duy trì cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng kế hoạch bảo đảm thường xuyên, liên tục, định kỳ cập nhật nội dung cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng và thực hiện các giải pháp về an ninh, an toàn thông tin; xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ, sao lưu, dự phòng, phục hồi dữ liệu, các giải pháp về đảm bảo hiệu suất vận hành cao và sẵn sàng hệ thống cao; tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách vận hành cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 35 điều. Ngoài chương Quy định đinh chung và điều khoản thi hành, dự thảo còn quy định cụ thể về việc thu thập thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường; Tổ chức, quản lý thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; khai thác thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; bảo vệ quyền sở hữu thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường; trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường; Xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn