Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của Cục - Tin liên quan

Thẩm định Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpok đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ sáu - 24/09/2021 16:55
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp trực tuyến

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp trực tuyến

Sáng nay 24/9 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp trực tuyến Hội đồng liên ngành thẩm định Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpok đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Lê Công Thành - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp trực tuyến tại các điểm cầu có ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Hội đồng; ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Ủy viên phản biện 1; Ông Nguyễn Tiền Giang - Giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, Ủy viên phản biện 2; cùng các thành viên Hội đồng là đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng; và các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước.


Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp trực tuyến
 
Hội đồng được tổ chức nhằm thẩm định, đánh giá toàn diện nội dung hồ sơ sản phẩm của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpok đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kiến nghị cụ thể về các nội dung của Quy hoạch này làm cơ sở để Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Nhiều khó khăn, thách thức về nguồn nước trên lưu vực sông Srêpôk
 
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết, Sông Srêpôk là nguồn nước liên quốc gia - một trong những phụ lưu lớn của dòng Mê Công, bắt nguồn trên lãnh thổ Việt Nam và chảy sang Campuchia gặp sông Sê San tại Stung treng cùng với dòng Sê Công (bắt nguồn từ CHDCND Lào) tạo thành lưu vực sông 3S trước khi nhập vào dòng chính Mê Công. Trên lãnh thổ Việt Nam, lưu vực sông Srêpôk có diện tích 18.230 km2 gồm 4 tỉnh Kon Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. 
 
Đây là vùng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng đối với cả nước và khu vực Đông Dương, có nhiều tiềm năng ưu thế để phát triển kinh tế, hiện tại là một trong hai vùng sản xuất hàng hóa nông sản xuất khẩu lớn nhất của cả nước sau đồng bằng sông Cửu Long.
 
Mặc dù, đã đạt được thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, các tỉnh trên lưu vực sông Srêpôk vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: kết nối hạ tầng phục vụ thông thương, yêu cầu sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng chất lượng cao, công nghiệp hóa hiện đại hóa sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên nước có hạn cũng chịu những áp lực của phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu nước cho các ngành ngày càng gia tăng, ảnh hưởng của việc gia tăng hồ chứa thủy điện thượng nguồn trong thời gian qua đến hạ lưu,....


Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia báo cáo tại cuộc họp trực tuyến
 
Ngoài những khó khăn, thách thức về nguồn nước, khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông Srêpôk còn đang phải đối mặt với những bất cập trong công tác quản lý khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương trên lưu vực. Hiện nay, hầu hết các ngành, địa phương trên lưu vực đã có quy hoạch khai thác, sử dụng nước như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy điện... và quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh. Tuy nhiên, các quy hoạch này mới chỉ tập trung vào việc đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng nước đáp ứng nhu cầu của từng ngành, địa phương mà chưa có đánh giá tổng thể về khả năng khai thác, sử dụng của từng nguồn nước trên lưu vực cũng như chưa xác định được chức năng của nguồn nước, các nguồn nước ưu tiên cho phát triển mang tính chiến lược trên lưu vực sông,... từ đó, có giải pháp phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mang tính tổng hợp.
 
Mặt khác, việc quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Srêpôk cần thực hiện các quy chế sử dụng nước theo quy định trong Hiệp định hợp tác Mê Công (1995). Việc hợp tác và phối hợp giữa Việt Nam và Campuchia trong quản lý các lưu vực sông này cũng đã và đang đặt ra nhu cầu cấp thiết, nhằm quản lý tốt hơn tài nguyên nước, bảo đảm phát triển bền vững không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà trên toàn lưu vực sông Mê Công.
 
Chính vì vậy, để giải quyết những tồn tại trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra trong điều kiện biến đổi khí hậu nhằm chủ động được nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương trên lưu vực sông Srêpôk cần thiết phải có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.
 
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpôk góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước bền vững
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpôk được thực hiện bởi các chuyên gia trong và ngoài nước thông qua dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công được hỗ trợ bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia với vai trò là tư vấn phụ chỉ định hỗ trợ thủ tục trình duyệt kết quả thực hiện. 
 
Phạm vi của Quy hoạch là toàn bộ lưu vực sông Srêpôk thuộc các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích 18.230 km2. Đối tượng quy hoạch là nguồn nước mặt (6 sông, suối liên tỉnh) và nguồn nước dưới đất (các tầng chứa nước khe nứt, lỗ hổng).
 
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm điều hòa, phân bổ công bằng, hợp lý nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng nước, các vùng, các tỉnh trên lưu vực sông có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu; bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; Phát triển tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.
 
Theo đó đến năm 2030, Quy hoạch nhằm đặt mục tiêu xác định được chức năng của các nguồn nước sử dụng cho các mục đích sử dụng làm cơ sở quản lý, cấp phép về tài nguyên nước và giám sát tuân thủ chức năng nguồn nước. Đề xuất được các giá trị dòng chảy tối thiểu trên các dòng chính, tại các điểm kiểm soát làm cơ sở quản lý và điều phối các hoạt động khai thác sử dụng nước. Xác định được lượng nước dự phòng, thời gian dự phòng, khu vực dự phòng và cơ chế sử dụng để cấp cho sinh hoạt cho các khu dân cư tập trung trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nước nguồn nước mặt. Bảo vệ chức năng của các nguồn nước đảm bảo mục tiêu chất lượng các nguồn nước mặt, nước dưới đất sử dụng cho các mục đích sử dụng tại các khu vực thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
 
Đến năm 2050, chủ động được nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, có xét đến tác động của biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả sử dụng nước, ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước có hiệu quả kinh tế cao và có sử dụng nước tái tạo. Bảo tồn các nguồn nước có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động văn hóa hóa, tín ngưỡng; bảo vệ hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước và cảnh quan môi trường các dòng sông.
 
Trên cơ sở này, lưu vực sông Srêpôk được phân chia thành 10 vùng Quy hoạch, gồm: vùng Ia Đrăng diện tích 992,28 km2; vùng Ia Lốp diện tích 1.779,82 km2; vùng Thượng Ea H’leo diện tích 2.537,25 km2; vùng Hạ Ea H’leo diện tích 753,88 km2 ; vùng Thượng Srêpôk diện tích 2.627,58 km2; vùng Hạ Srêpôk diện tích 1.642,29 km2; vùng Thượng Ea Krông Ana diện tích 2.829,73 km2 ; vùng Hạ Ea Krông Ana diện tích 1.143,02 km2 ; vùng Thượng Ea Krông Nô diện tích 2.975,17 km2 ; vùng Hạ Ea Krông Nô diện tích 948,98 km2.
 
Bên cạnh đó, nội dung Quy hoạch cũng tính toán giá trị dòng chảy tối thiểu; nguồn nước dự phòng cấp nước cho sinh hoạt; lượng nước phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng (trong điều kiện bình thường; trong trường hợp thiếu nước; và trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng); công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước và phát triển tài nguyên nước; bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn; bảo vệ chất lượng nước; phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông, chống sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất; mạng giám sát tài nguyên nước.
 
Để triển khai các nội dung nêu trên, Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp, trong đó nhấn mạnh các giải pháp về xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình toán để hỗ trợ ra quyết định điều hòa phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông Srêpôk; Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trên các sông, suối thuộc lưu vực sông Srêpôk để nâng cao khả năng cấp nước cho hạ du, phòng, chống lũ và ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu; Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực sông Srêpốk; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước trên lưu vực sông Srêpôk; Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm và tái sử dụng nước; Duy trì, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái tại các khu vực thượng lưu sông Srêpôk, Ea H’leo, sông Ea Krông Nô, Ea Krông Ana; Thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên lưu vực sông Srêpôk theo quy định; Thực hiện việc trao đổi, cung cấp thông tin về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước theo các thỏa thuận; các quy định liên quan đến vùng nước biên giới và hoạt động sản xuất tại vùng biên giới theo quy định tại Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia của Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Campuchia;…


Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến
 
Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi để triển khai các nhiệm vụ quy hoạch 
 
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpôk thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc thực hiện Quy hoạch sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương thuộc lưu vực; đồng thời, quy hoạch này cũng là cơ sở, định hướng để triển khai các quy hoạch khác trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng.
 
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định đã có những góp ý chi tiết, cụ thể về thành phần hồ sơ và nội dung để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpôk thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
 
Góp ý cụ thể, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Ủy viên phản biện 1 đề nghị đơn vị thực hiện bổ sung quan điểm, lấy tài nguyên nước là cốt lõi, các quy hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước cần lập, điều chỉnh và triển khai theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phù hợp với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Đồng thời, việc xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông sẽ góp phần nâng cao giá trị của các loại tài nguyên đất, khoáng sản, rừng trên lưu vực. “Trong mục tiêu của Quy hoạch, cần có sự gắn kết với nội dung, nhiệm vụ của quy hoạch, cần chỉ ra các chỉ số, chỉ tiêu cụ thể để làm cơ sở theo dõi đánh giá trong quá trình thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, do đây là lưu vực sông liên quốc gia nên vấn đề an ninh tài nguyên nước cũng cần đặt ra mục tiêu cho quy hoạch này, cần có chỉ số giám sát mức độ đảm bảo an ninh tài nguyên nước để phục vụ việc tổng kết, đánh giá thực hiện quy hoạch” - Ông Nguyễn Minh Khuyến đề nghị.
 
Ông Nguyễn Tiền Giang, Uỷ viên phản biện 2 cho rằng, Quy hoạch đã được thực hiện công phu, bài bản với các phương pháp, khái niệm sử dụng tiên tiến, cập nhật theo đúng theo các văn bản, hướng dẫn ban hành. “Lưu vực sông Srepok là lưu vực khan hiếm nước hơn nhiều so với lưu vực sông Sê San do nhu cầu của người dân sử dụng phục vụ mục đích tưới cây là rất lớn. Vì vậy, trong Quy hoạch cần bổ sung phân tích sâu hơn về số liệu sử dụng nước trung bình tháng; nêu rõ ảnh hưởng của các hồ chứa và khai thác cát để có biện pháp phối hợp giữa các cơ quan nhằm giải quyết vấn đề xói lở bờ sông và thiếu hụt nước ở các hạ lưu sông. Bên cạnh đó, cần chú ý tích hợp các trạm quan trắc thủy văn với các trạm quan trắc chất lượng nước, các trạm giám sát số lượng và giám sát chất lượng nước nhằm giúp giải quyết được nhiều bài toán về tài nguyên nước” - Ông Nguyễn Tiền Giang đề nghị.


Đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến cho Dự thảo Quy hoạch tổng hợp LVS Srêpok
 
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng cho rằng, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpôk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng đã bám sát các quy định về Lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông tại Luật Tài nguyên nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018; Thông tư số 04/2020/TT-BTNMT ngày 03/6/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định kỹ thuật Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, để hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch. Các sản phẩm trình hội đồng đầy đủ theo quy định tại thông tư số số 04/2020/TT-BTNMT. Hội đồng cũng nhất trí thông qua Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên hội đồng trước khi trình phê duyệt.
 
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng thẩm định. Thứ trưởng đề nghị, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia  tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước nghiên cứu, giải quyết tốt mối quan hệ giữa các quy hoạch đã có tại các địa phương trên lưu vực để cập nhật, chỉnh sửa trong Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpôk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
 
“Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tiếp thu các ý kiến của các thành viên hội đồng để nghiên cứu, tổng hợp vào hồ sơ Dự thảo Quy hoạch. Trong đó, cần lưu ý những kiến nghị của 4 tỉnh trên lưu vực về bổ sung các nội dung xác định thứ tự ưu tiên và tỷ lệ phân bổ tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cấp nước sinh hoạt và cho các mục đích sử dụng nước khác; rà soát loại bỏ các dự án, công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không thuộc lưu vực sông Srêpốk; bổ sung số liệu của Đài khí tượng thủy văn Tây Nguyên và các Đài địa phương, thay vì chỉ dùng số liệu của hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia; cần rà soát lại thứ tự ưu tiên cho phù hợp giữa Luật Tài nguyên nước và Thông tư 04/2020/TT-BTNMT ngày 03/6/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh;… Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước đẩy nhanh tiến độ, sớm trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpôk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” - Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo.

Tác giả bài viết: DWRM

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi