Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của Cục - Tin liên quan

Tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Thứ năm - 27/04/2023 16:02
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương phát biểu khai mạc hội thảo.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương phát biểu khai mạc hội thảo.

Ngày 27/4, tại Vĩnh Phúc, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)”. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương và Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương nêu rõ, nước là tài nguyên thiết yếu, vô cùng quý giá và cũng là vấn đề chuyên ngành có mối liên quan mật thiết đến nhiều tài nguyên quan trọng khác như đất đai, khoáng sản... Trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương lớn liên quan đến quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước; Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách, chương trình hành động nhằm tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước.


Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương phát biểu khai mạc hội thảo. 
 
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được đưa vào Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Bởi vậy, việc tổ chức hội thảo để tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội về tài nguyên nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội tin tưởng, hội thảo sẽ là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ, thảo luận về các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng như các vấn đề về tài nguyên nước hiện nay.
 
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là Dự thảo lần thứ 5, qua đó cho thấy, Chính phủ, đặc biệt là cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất cầu thị, lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu.
 
Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, các cơ quan hữu quan tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo để thu thập thêm các ý kiến đa chiều. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Hội thảo lần này với sự hỗ trợ kỹ thuật tích cực của Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam chắc chắn mang lại kết quả tích cực, cung cấp thêm nhiều thông tin phục vụ hoạt động thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng như cung cấp thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới.
 
Thống nhất, đồng bộ về quản lý tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương
 
Báo cáo tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, các quy định của Luật Tài nguyên nước mang tính tổng hợp, được tích hợp các quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra vào một bộ luật duy nhất và giao cho một cơ quan quản lý thống nhất. Tuy nhiên, qua rà soát 48 bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội, cho thấy có nhiều Luật có quy định liên quan đến tài nguyên nước như Luật Thuỷ lợi, Luật Thuỷ sản, Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống thiên tai,... nếu dẫn chiếu hoặc sửa đổi những nội dung về tài nguyên nước tại các luật này để đưa vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và giao cho một bộ quản lý sẽ không khả thi và gây xáo trộn công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương. 
 
Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hạn chế mức thấp nhất sự giao thoa, chồng chéo, Bộ đã xây dựng dự thảo theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra đã được quy định tại các luật khác, đồng thời quy định rõ quản cái gì, quản như thế nào và ai quản. Theo đó, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành như Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính,... theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.


Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu phát biểu tại Hội thảo
 
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bám sát vào 04 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: (1) bảo đảm an ninh nguồn nước; (2) xã hội hóa ngành nước; (3) kinh tế tài nguyên nước; (4) bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.
 
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật không bổ sung chính sách mới. Dự thảo Luật gồm 88 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 08 điều). 
 
Bổ sung nhiều điểm mới hướng đến đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia
 
Theo ông Nguyễn Hồng Hiếu, những điểm mới của dự thảo Luật là bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Luật thông qua các quy định để đảm bảo về số lượng nước; bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hoá theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước hướng tới nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm (Điều 14, Điều 38, Điều 72, Điều 73 và Điều 74). 
 
Đồng thời, bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước (Điều 73); làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hoá, chính sách xã hội hoá trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước (Điều 74). Với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc “đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước.
 
Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước (Điều 68, Điều 69). Sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước, trong đó, dự thảo Luật bổ sung thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với nước sinh hoạt và thu tiền theo lộ trình đối với sản xuất nông nghiệp (Điều 69, Điều 87). Bổ sung điều “tích hợp hoạt động tài nguyên nước”, nhằm tính toán giá trị của nước trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Việc tính toán đầy đủ giá trị của nước là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyển xem xét, quyết định việc điều hòa, phân bổ và thực hiện các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước trên các lưu vực sông (Điều 71).


Toàn cảnh Hội thảo
 
Bổ sung các quy định về quản lý khai thác, sử dụng nước nhằm kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng nước phải phải đúng mục đích sử dụng, phù hợp với chức năng nguồn nước (Điều 26), khả năng của nguồn nước và đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông, suối (Điều 28), ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 29); quy định cụ thể về giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước theo hướng kết nối, truyền dữ liệu tự động liên tục và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Điều 57).
 
 Bổ sung các quy định về phòng, chống sạt, lở lòng bờ, bãi sông, hồ (Điều 66) và các quy định về việc lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp (Điều 63) nhằm tăng cường việc bảo vệ các nguồn nước có chức năng điều hòa, phòng chống ngập úng, bảo vệ môi trường.
 
Quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng kịch bản ứng phó, điều hoà, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước (Điều 39, Điều 40).
 
Cùng với đó, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương trong toàn bộ dự thảo Luật (Điều 79, Điều 80). Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước (Điều 42). 
 
Dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật.
 
Ngoài ra, còn một số nội dung được chỉnh sửa, bổ sung như: hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước (Điều 10); bảo vệ nước dưới đất (Điều 33); bổ sung nhân tạo nước dưới đất (Điều 43); các loại hình công trình khai thác, công trình sử dụng nước phải có giấy phép (Điều 47); phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo (Điều 63); phương án xử lý đối với các công trình khai thác sử dụng nước kém hiệu quả gây suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước (Điều 36). Bỏ quy định về điều kiện của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước.


GS.TS Lê Hồng Hạnh, Hội Luật gia Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo
 
Xem xét tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 9 chuyên gia trình các bài tham luận về một số vấn đề về việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay; Khuôn khổ pháp luật về tài nguyên nước ở Việt Nam hiện nay; Một số mô hình cải tiến phục vụ đánh giá, lượng giá kinh tế và quản lý an ninh nguồn nước; Thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và một số kiến nghị; Các thách thức và giải pháp phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, hướng tới mục tiêu quản lý tài nguyên nước bền vững ở Việt Nam; Giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước và một số nhận xét, kiến nghị với dự thảo sửa đổi Luật Tài nguyên nước; Quản lý tài nguyên nước trong nền kinh tế tuần hoàn; Một số vấn đề về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và Mô hình quản trị nước thông minh một số quốc gia trên thế giới.
 
Đan xen quá trình trình bày tham luận, các đại biểu tham gia thảo luận về 9 vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; Rà soát chỉnh sửa một số từ ngữ, khái niệm; Áp dụng Luật tài nguyên nước và các luật có liên quan; Về vai trò cộng đồng dân cư; Về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; Về quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; Về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho Tài nguyên nước; Về các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, thanh tra, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước và nội dung về sử dụng nước tuần hoàn.


PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo
 
Tham luận về nội dung “Quản lý tài nguyên nước trong nền kinh tế tuần hoàn”, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, tái sử dụng nước thải đã qua xử lý đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia và là một trong những nội dung nằm trong Mục tiêu 6 - đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người (SDG6) của Mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc đề ra và các quốc gia thành viên cam kết thực hiện đến năm 2030, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu này, các doanh nghiệp tham gia tuần hoàn/tái sử dụng nước thải đã qua xử lý sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, khuyến khích của nhà nước thông qua một số quy định, nghị định.
 
Mặc dù ý tưởng về mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) là rất khả thi và hiệu quả, nhưng việc áp dụng trên thực tế tại Việt Nam còn chưa nhiều. Về bản chất, việc chuyển đổi sang mô hình KTTH cần sự tham gia của tất cả các bên trong chuỗi giá trị sản phẩm. Các mô hình trình diễn còn hạn chế chưa tạo được sức thuyết phục và lan toả trong cộng đồng và xã hội. Trong lĩnh vực tái sử dụng nước thải, hiện nay, ở Việt Nam một số doanh nghiệp đã và đang tái sử dụng nước thải để vệ sinh và làm mát thiết bị công nghiêp như Vedan, Nestle, Ajinomoto, Formosa.  Một số thực tiễn bước đầu đã tiếp cận KTTH trong sử dụng nước trong doanh nghiệp ở Việt Nam như: Tái sử dụng nước thải để tưới cây; Tái sử dụng nước thải cho nhà vệ sinh; Tái sử dụng nước thải để rửa đường; Tái sử dụng nước thải cho sản xuất; Tái sử dụng cho phòng cháy chữa cháy và tạo cảnh quan;…
 
Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp tham gia tái sử dụng nước, tuần hoàn nước còn rất hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề này. 
 
Theo PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, KTTH tài nguyên nước và tái sử dụng nước đã và đang trở thành một xu thế tất yếu, diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chuyển dịch từ nền kinh tế truyền thống sang KTTH là giải pháp hữu hiệu, giúp duy trì phát triển kinh tế, đồng thời giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và bảo vệ TNN. “Do vậy, dự thảo Luật cần bổ sung khái niệm liên quan đến tuần hoàn nước, tái sử dụng, tuần hoàn nước và kinh tế tuần hoàn tàì nguyên nước; nhấn mạnh chính sách của nhà nước về tuần hoàn, tái sử dụng nước thải vào Điều 6 “Chính sách của nhà nước về tài nguyên nước”; Kết hợp các nội dung khuyến khích tuần hoàn nước trong chương IV: Điều hòa, phân phối và khai thác sử dụng nước, trong Mục 3 nên điều chỉnh thành Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tuần hoàn” - PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương đề xuất.


PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Giảng viên cao cấp, Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo
 
Góp ý tại hội thảo, TS. Lê Thu Thủy, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, để quản trị nguồn nước được tốt thì nên ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước; đầu tư và xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng; tích trữ nước mưa để sử dụng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước.
 
TS. Lê Thu Thủy đề xuất, Luật Tài nguyên nước sửa đổi cần bổ sung các quy định hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước. Cần học hỏi phương pháp quản trị nước tại các quốc gia có công nghệ cao tuy nhiên nên cân nhắc và áp dụng mô hình quản trị nước thông minh của các nước có kiều kiện tự nhiên tương đồng như Thái Lan, Philippines... từ đó xem xét áp dụng trong các vấn đề mới của Luật tài nguyên nước sửa đổi;…


PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo
 
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Nội dung dự thảo Luật cần đề cập những nội dung chính, bao quát. Còn những nội dung cụ thể thì nên đưa vào Nghị định, Thông tư hướng dẫn để quy định rõ nét hơn, cụ thể hơn. 


Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
 
Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) đã  cơ bản đáp ứng được yêu cầu phân công, phân cấp hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện thành công việc quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước theo lưu vực sông thì không thể để nhiều bộ Luật quản lý một con sông mà cần phải có “nhạc trưởng” để chủ trì và nhiều đơn vị phối hợp quản lý là điều bắt buộc phải hướng tới. Trách nhiệm an ninh nguồn nước là tất cả các bộ, ngành, địa phương nhưng phải có một cơ quan đầu mối để tổng hợp, điều hành.
 
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, hội thảo đã cung cấp thêm nhiều thông tin phục vụ cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật và hoạt động thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đây cũng là tài liệu tham khảo quý báu, hữu ích khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ Năm tới.

 

Tác giả bài viết: DWRM

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi