Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của Cục - Tin liên quan

Thiếu liên kết, khó điều hành!

Thứ hai - 23/10/2017 10:54
Người dân vượt qua đoạn ngập dài 200m quốc lộ 6 qua huyện Mai Châu, Hòa Bình.Ảnh: HIẾU LÊ

Người dân vượt qua đoạn ngập dài 200m quốc lộ 6 qua huyện Mai Châu, Hòa Bình.Ảnh: HIẾU LÊ

Làm gì để giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ, tăng hiệu quả sử dụng nước và bảo đảm nguồn nước cho khu vực hạ du trong mùa cạn? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Việc khai thác, sử dụng nguồn nước hiện nay ở nước ta đang tồn tại nhiều bất cập, đó là gì, thưa ông?
 
- Cùng với sự đô thị hóa nhanh và phát triển công nghiệp, các vấn đề môi trường như rác thải, nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng do nguồn nước bị ô nhiễm. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Cạnh tranh giữa sử dụng nước cho thủy điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du một số lưu vực sông lớn đã xảy ra trong những năm gần đây, nhất là trong mùa khô. Rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém làm giảm nguồn sinh thủy dẫn đến nguồn nước ngày bị cạn kiệt.

Nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả còn khá phổ biến, chưa bảo đảm việc sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, hiệu quả tài nguyên nước, nhất là huy động nguồn nước của hệ thống các hồ chứa tham gia điều tiết dòng chảy cho hạ du...
 
- Nguyên nhân nào dẫn đến những hệ lụy nói trên, và trách nhiệm trong quản lý nguồn nước của các cơ quan liên quan ra sao?
 
- Theo tôi thì công tác lập quy hoạch, phân bổ tài nguyên nước của chúng ta còn chậm, do đây là một công việc mới, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và nguồn kinh phí bố trí cho công tác này còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao, trong khi chưa thành lập được tổ chức lưu vực sông. Các công trình khai thác, sử dụng nước lớn cho các mục đích khác nhau hầu hết đã được xây dựng hoặc đã được phê duyệt quy hoạch, đang triển khai, do vậy việc điều chỉnh mục tiêu nhiệm vụ, phân bổ, điều tiết lại khai thác sử dụng nước của các công trình này là hết sức khó khăn và phức tạp. Thêm nữa, công tác điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá và xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước chưa tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu. Thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, nhất là phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, công tác dự báo, thẩm định hồ sơ cấp phép ở cả cấp Trung ương và địa phương.
 
Ngoài ra, các vấn đề mang tính liên ngành như: quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh. 
 
Đáng nói, đến nay hầu hết tổ chức bộ máy quản lý tài nguyên nước ở cấp Sở cũng như cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh 
 
- Rõ ràng hệ thống pháp luật về tài nguyên nước đã có, nhưng năng lực triển khai của các cấp quản lý đang còn bất cập. Phải làm gì để thay đổi hiện trạng này, thưa ông?
 
- Giai đoạn tới, cần tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long và các lưu vực sông lớn. Muốn nâng cao năng lực quản lý, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến. Giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn quan trọng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được ban hành. 
 
Cần có cơ chế và cơ quan điều phối vùng nhằm tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, địa phương nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của việc sử dụng nước phía thượng lưu các nguồn nước liên quốc gia. Đồng thời, đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước, tăng cường năng lực, bao gồm cả tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, công cụ kỹ thuật, thông tin cho các cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên nước từ trung ương đến các cấp ở địa phương.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
Chính phủ đang xem xét ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng. Đồng thời, đề xuất thành lập các Ủy ban lưu vực sông, phê duyệt Danh mục lưu vực sông gồm 392 sông liên tỉnh làm căn cứ để triển khai các hoạt động quản lý lưu vực sông, phân công, phân cấp quản lý cũng đang được Chính phủ cân nhắc.

Nguồn tin: nhandan.org.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi