Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của Cục - Tin liên quan

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài nguyên và Môi trường nhân Ngày Nước thế giới 2015: Nước là cốt lõi của phát triển bền vững

Thứ hai - 23/03/2015 11:43
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai

Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22/3 hằng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của TNN và vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước (TNN), đặc biệt là các nguồn nước ngọt. Tạp chí TN&MT đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thái Lai – Thứ trưởng Bộ TN&MT xung quanh nội dung trên.

PV: Thưa ông, Ngày Nước thế giới năm 2015 có chủ đề "Nước là cốt lõi của phát triển bền vững". Vậy, ông có thể cho biết, Bộ TN&MT sẽ triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm nay?

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai:  Nhân dịp Ngày Nước thế giới 22/3, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đều long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm kêu gọi sự quan tâm của nhân loại về vai trò quan trọng của TNN - nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu mới, cần có các chính sách và sáng kiến nhằm quản lý, khai thác và sử dụng bền vững TNN. Với chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”, Ngày Nước thế giới năm 2015 hướng đến nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối liên hệ giữa phát triển bền vững và TNN.

Để hưởng ứng sự kiện quan trọng này, Bộ TN&MT phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ Mít tinh quốc gia tại TP. Bắc Giang có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương, đại sứ quán và các tổ chức quốc tế với nhiều hoạt động phong phú như: chương trình giao lưu nghệ thuật; hội thảo khoa học; triển lãm tranh, ảnh, tài liệu....Đồng thời, phát động cuộc thi Mùa hè nước 2015 và cuộc thi Tìm hiểu về lịch sử và giá trị sử dụng các dòng sông ở Bắc Giang. Bộ cũng phát động các hoạt động hưởng ứng lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2015 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các hoạt động như: tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm, triển lãm, diễu hành, vận động cộng đồng tham gia bảo vệ TNN; phát động phong trào không lấn chiếm sông, hồ; trồng rừng bảo vệ nguồn nước; phát tờ rơi và chiếu phim tài liệu, phóng sự về TNN trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
PV: Ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đang là chuyện “nhãn tiền” ở khắp nơi và ngày một nghiêm trọng, lan rộng hơn, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và sản xuất. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Ngày nay, suy thoái, ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước đã trở thành vấn đề của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đối với Việt Nam, tình hình cũng hết sức nghiêm trọng và theo tôi, có 4 nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, sự gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây. Năm 1986 cả nước có 480 đô thị, đến năm 2012 đã tăng lên 755 đô thị và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Dân số gia tăng, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và dân sinh cũng tăng theo, trong khi đó diện tích rừng và các nguồn sinh thủy khác ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa và phát triển KTXH. Thêm vào đó, cở sở hạ tầng xử lý nước thải, chất thải chưa kịp đáp ứng nhu cầu cũng khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Thứ hai, so với thế giới, Việt Nam có tài nguyên nước không phong phú, song còn ẩn chứa nhiều nguy cơ do đặc thù về địa lý tự nhiên, khiến nước ta gặp khó khăn trong việc chủ động về nguồn nước. Hơn 60% nước mặt của Việt Nam bắt nguồn từ nước ngoài. Những năm gần đây các nước ở thượng lưu đang tăng cường khai thác, sử dụng nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, làm nguồn nước chảy về nước ta ngày càng bị suy giảm và ô nhiễm, nhất là lưu vực sông Mê Công và lưu vực sông Hồng. Mặt khác, Việt Nam có bờ biển thấp kéo dài, khiến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến nguồn nước rất nặng nề, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, đặc biệt khu vực ĐBSCL.

Thứ ba, tài nguyên nước của Việt Nam phân bổ không đồng đều theo cả không gian và thời gian, tập trung chủ yếu trong khoảng 3 tháng mùa lũ chiếm 75-85% tổng lượng nước hàng năm, trong khi đó lượng nước ít ỏi mùa kiệt kéo dài suốt các tháng còn lại. Phần lãnh thổ nơi tập trung đông dân sinh và các hoạt động sản xuất, dịch vụ như các khu vực đồng bằng ven biển, khu vực đô thị... thì nguồn nước lại rất hạn chế. Nhu cầu sử dụng nước tăng cao, cộng thêm tình trạng thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ phân bổ nguồn nước giữa các ngành và các địa phương dẫn đến mâu thuẫn lợi ích, tranh chấp trong khai thác và sử dụng nước.
Thứ tư, ngoài các nguyên nhân nêu trên, tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước còn do ý thức của người sử dụng, nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được vấn đề và trách nhiệm của mình một cách đầy đủ, chưa chịu thay đổi những thói quen trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn, quan niệm”nước là của trời cho, là vô tận” vẫn còn in sâu trong tiềm thức phần lớn người dân, dẫn đến ý thức sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước kém, gây lãng phí nguồn nước sạch. Hay thói quen vứt rác ra sông, kênh, dẫu đã bị phê phán và chê trách mạnh mẽ, đến nay vẫn diễn ra rất phổ biến, khiến cho nhiều dòng sông đã trở thành dòng sông … rác.
 
PV: Xin ông cho biết, cần có những giải pháp gì để phát triển bền vững nguồn nước?

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh nguồn nước bị suy thoái nghiêm trọng hiện nay, chúng ta cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường kiểm tra thực thi các chính sách, pháp luật trong quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. Trước hết xây dựng các cơ chế chia sẻ, phối hợp và giám sát, hoàn thiện quy trình vận hành của hệ thống hồ chứa quan trọng để đảm bảo hài hòa đa mục tiêu giữa các đối tượng sử dụng nước và các địa phương. Đồng thời, tạo môi trường pháp lý, thủ tục hành chính thông thoáng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải.

Thứ hai, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của quốc tế để bảo vệ an ninh nguồn nước quốc gia. Lập cơ chế hợp tác, đối thoại nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước của các sông liên quốc gia, đồng thời xây dựng các phương án để chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, dự báo và cảnh báo để có thể nắm bắt kịp thời tài nguyên nước quốc gia. Sớm có quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản của cả nước để từ đó xác định lộ trình thực hiện các hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước, triển khai xây dựng các hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến gồm cả quan trắc nền, quan trắc biến động và giám sát khai thác, sử dụng, vận hành các hồ chứa và hoạt động xả thải vào nguồn nước.

Thứ tư, lập và triển khai quy hoạch tài nguyên nước chung cho cả nước, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước của từng địa phương, tạo cơ sở nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề chia sẻ, phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống những tác hại do nước gây ra. Hiện tại, Bộ đang gấp rút triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh để trình Chính phủ phê duyệt.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội về an ninh nguồn nước, trách nhiệm bảo vệ và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. Củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, năng lực quản lý tài nguyên nước ở các cấp và tăng cường xã hội hoá các dịch vụ công trong lĩnh vực tài nguyên nước.

PV: Cảm ơn Thứ trưởng !

Tác giả bài viết: Tú Phương (thực hiện)

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi