Thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia tài nguyên nước
Thứ hai - 04/05/2009 23:54
Thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia tài nguyên nước
Trước những thách thức không nhỏ về sự cân bằng giữa bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh; quản lý tài nguyên nước..., các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng:
Cần phân cấp trong tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia tài nguyên nước đến năm 2020 nhằm tránh chồng chéo, nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Theo đó, Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước có trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan những quyết định quan trọng về bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh; quyết định các biện pháp bảo đảm việc điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường làm nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nội dung về bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh trong chiến lược; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án. Bộ chỉ đạo rà soát, thống kê, đánh giá và phối hợp thực hiện các danh mục dự án, đề án; chủ trì, phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra.
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Ðặc biệt, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các đề án, dự án bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính riêng giai đoạn 2006-2010, Chính phủ thông qua 18 đề án, dự án ưu tiên thực hiện Chiến lược như: Ðề án bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn; Ðề án toàn dân tham gia bảo vệ tài nguyên nước; Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước... Chiến lược quốc gia tài nguyên nước đến năm 2020 thực hiện có hiệu quả sẽ tăng cường bảo vệ được nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh; hoàn thiện thể chế, tổ chức; nâng cao năng lực điều tra, nghiên cứu, phát triển công nghệ. Ðặc biệt, khôi phục các sông, hồ, tầng chứa nước, vùng đất ngập nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng và bảo đảm dòng chảy tối thiểu duy trì hệ sinh thái thủy sinh.
Tác giả bài viết: DWRM