Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ TN&MT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân bày tỏ cảm ơn tới các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và các chuyên gia đã dành nhiều thời gian, trách nhiệm và tích cực đồng hành cùng Bộ TN&MT trong suốt thời gian xây dựng, thảo luận và hoàn thiện dự thảo Nghị định. Thứ trưởng khẳng định, đây là cuộc họp rất quan trọng để các thành viên Ban soạn thảo cho ý kiến hoàn thiện trước khi Bộ TN&MT hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định chính thức.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, ngay sau cuộc họp lần nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và chuyên gia tập trung nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020
Dự thảo này đã được đăng tải, xin ý kiến góp ý trên Cổng thông tin của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ ngày 15/6/2021. Đồng thời, Bộ cũng đã gửi văn bản lấy ý kiến chính thức đối với các Bộ, cơ quan ngang bộ, một số cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, các hiệp hội và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bên cạnh đó, với mong muốn tiếp nhận các ý kiến đóng góp rộng rãi và trực tiếp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, Bộ cũng đã tổ chức 05 hội thảo tham vấn gồm: các địa phương tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam; các cơ quan, tổ chức, chuyên gia; Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội và doanh nghiệp.
“Với 230 cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý cho Dự thảo Nghị định, có thể khẳng định, đây là bản dự thảo văn bản pháp luật quan trọng và đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhất. Lần đầu tiên, cơ quan soạn thảo đã được nghe trực tiếp các ý kiến đóng góp của đầy đủ 63 tỉnh, thành phố. Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố đã quan tâm tham dự và trực tiếp đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định. Các ý kiến góp ý rất phong phú, trách nhiệm cả về các vấn đề chung có tính lý luận, khoa học cũng như các vấn đề cụ thể có tính thực tiễn đang đặt ra. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc và tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các cơ quan và các đại biểu” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chia sẻ.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đại diện cho Tổ biên tập đã trình bày báo cáo chi tiết về tiếp thu, giải trình các góp ý cho hồ sơ dự thảo Nghị định. Theo ông Thịnh, cho đến nay, Tổ biên tập đã nhận được 230 ý kiến góp ý từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý cho Dự thảo Nghị định. Trong đó, có 58/63 ý kiến chính thức bằng văn bản từ các địa phương (gồm ý kiến của UBND cấp tỉnh, Sở TN&MT, Ban quản lý khu công nghiệp (BQL KCN) và ý kiến cá nhân của một số lãnh đạo cấp tỉnh, lãnh đạo Sở TN&MT); có 72 ý kiến góp ý thêm tại Hội thảo, BQL KCN/KCX, Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo Sở TN&MT; 16/21 ý kiến Bộ, Cơ quan ngang Bộ; 07 ý kiến của cơ quan khác (một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội, Hiệp hội nghề…); có 12 ý kiến từ doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế; 24 ý kiến từ đơn vị thuộc Bộ TN&MT; 41 ý kiến của cá nhân (chuyên gia, công chức, viên chức ngành TN&MT).
Các đại biểu tham dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu
Trên cơ sở ý kiến đóng góp, Tổ biên tập đã tổng hợp và xây dựng thành các báo cáo về tình hình tổng hợp, tiếp thu và giải trình các ý kiến góp ý về việc hoàn thiện dự thảo nghị định và hoàn thiện hồ sơ kèm theo gồm có: Dự thảo nghị định; dự thảo tờ trình đã được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện; báo cáo tổng hợp tiếp thu, ý kiến góp ý theo các bảng tổng hợp đầy đủ và chi tiết; báo các tác động chính sách; báo cáo đánh giá thủ tục hành chính; báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Tại cuộc họp, thông qua tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và các tổ chức có liên quan, các đại biểu tham dự cùng nhau thảo luận về một số vấn đề để đi đến những nội dung thống nhất chung như: Vấn đề bảo vệ môi trường tại các làng nghề; phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường tại các khu bảo tồn di sản thiên nhiên; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường; các quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng và thông quan phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong nhập khẩu phế liệu; các vấn đề về lộ trình nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài để sản xuất hạt nhựa tái chế thương phẩm; thời hạn phải hoàn thành việc truyền trực tiếp số liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh; việc đăng ký miễn trừ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy… cũng được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp.
Các đại biểu tham dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu và hoan nghênh các thành viên Ban soạn thảo thời gian qua đã tham mưu cho các Bộ gửi văn bản góp ý cho nghị định. “Các ý kiến góp ý rất cụ thể về nội dung, dự thảo Nghị định lần này đã được hoàn thiện hơn, có nhiều thay đổi căn bản so với dự thảo ban đầu” – Thứ trưởng cho biết.
Thứ trưởng đề nghị, sau cuộc họp này, Tổng cục Môi trường, nhóm tổng hợp và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung tối đa thời gian để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị định trình Bộ Tư pháp, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, khả thi, đồng bộ, chuyển tải đầy đủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đảm bảo trình Chính phủ hồ sơ Dự thảo Nghị định đúng tiến độ, để Nghị định được ban hành và có hiệu lực thi hành cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường 2020, góp phần đưa các chính sách mới của Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 nhằm mục tiêu thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT) trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
Luật BVMT 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tích hợp các TTHC vào 01 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội.
Luật BVMT năm 2020 giao Chính phủ quy định chi tiết 65 nội dung. Trong đó, một số nội dung được xây dựng có tính kế thừa từ các quy định pháp luật hiện hành, một số nội dung được quy định cụ thể, chi tiết theo tinh thần mới của Luật BVMT năm 2020.
Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật BVMT 2020 để bảo đảm các quy định của Luật BVMT có thể triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả ngay khi Luật có hiệu lực thi hành. Các chính sách được xây dựng bảo đảm tính đầy đủ, chi tiết, có tính khả thi để triển khai thi hành Luật BVMT, bảo đảm sự phù hợp và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai, thuế, phí… Qua đó, xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.
|