Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của Cục - Tin liên quan

Tọa đàm “Xây dựng cơ chế mới về quản lý nước - Những vấn đề liên quan”

Thứ tư - 03/12/2014 19:32
Quang cảnh buổi Tọa đàm

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Sáng nay 3/12, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm khoa học với chủ đề “Xây dựng cơ chế mới về quản lý Nước - Những vấn đề liên quan”. Đây là diễn đàn khoa học về vấn đề Nước do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức. Buổi Tọa đàm thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan. PGS.TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ông Trần Việt Hùng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ông Hoàng Văn Bẩy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Đinh Xuân Thảo cho biết, Theo chương trình nghị sự của Ủy ban Thường trực 2 về Phát triển Bền vững, Tài chính và Thương mại, tại Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới 132 (gọi tắt là IPU 132 và Việt Nam sẽ là quốc gia chủ trì vào tháng 3/2015), Nghị viện của các Quốc gia tham dự sẽ thảo luận về chủ đề “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước”.


Quang cảnh buổi Tọa đàm

Để phục vụ Đoàn Quốc hội Việt Nam trong quá trình chuẩn bị nội dung tham gia các phiên họp IPU 132, đặc biệt là các phiên thảo luận và thông qua Nghị quyết về vấn đề quản trị nguồn nước, Viện Nghiên cứu lập pháp được giao nhiệm vụ tổ chức một số diễn đàn khoa học để thu thập ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách nhằm củng cố thêm về lý luận cũng như thực tiễn các vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nước. Các ý kiến tại diễn đàn khoa học được tổ chức sẽ là nguồn thông tin quan trọng, cung cấp đến thành viên của Đoàn Quốc hội Việt Nam để tham khảo trong quá trình đóng góp ý kiến thảo luận và tham gia hoàn thiện, thông qua Nghị quyết về vấn đề Nước tại IPU 132 tới đây.

Cần có phương án hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tiến tới hình thành một cơ chế mới, tương đối hoàn chỉnh về quản lý nước

Theo PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của nhân loại và là một trong những trọng tâm của quá trình phát triển bền vững. Quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước từ lâu đã trở thành nội dung quan trọng ở các diễn đàn quốc tế, khu vực, ở mỗi quốc gia, dần trở thành mục tiêu, tôn chỉ cho nhiều cơ chế hợp tác vùng, liên vùng và liên lục địa trên thế giới và trong khu vực. Trước sức ép của quá trình phát triển kinh tế và gia tăng dân số, tài nguyên nước đang đứng trước nguy cơ suy thoái và cạn kiệt. Trong khi đó, tình trạng quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước ở các quốc gia nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết mới có thể khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Trước thực trạng đó, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đều có chung nhận thức rằng, việc khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước đòi hỏi phải có một khung pháp lý đủ mạnh, công tác lập quy hoạch bảo vệ, xây dựng chiến lược bảo vệ phải có tầm nhìn xa, tính đến các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế quản lý giám sát minh bạch, hành động đủ mạnh, nhất là các quốc gia phải cùng hành động để quản lý việc sử dụng nguồn tài nguyên quan trọng này.

Tại IPU 132 tổ chức ở Việt Nam tới đây, Nghị viện của các quốc gia tham dự đều có trách nhiệm đóng góp ý kiến, tham gia trao đổi và cam kết những hành động cần thiết để cùng thống nhất quan điểm và hành động trước việc bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Việc cam kết hành động của mỗi quốc gia đặt ra yêu cầu quốc gia đó phải có phương án hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tiến tới hình thành một cơ chế mới, tương đối hoàn chỉnh về quản lý nước.  

Với yêu cầu đó, tại Tọa đàm “Xây dựng cơ chế mới về quản lý nước - Những vấn đề liên quan”, các đại biểu tham dự đã tập trung phân tích, trao đổi, làm rõ các vấn đề cụ thể, có tính kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý tài nguyên nước, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, sửa đổi chính sách, pháp luật, tiến tới hình thành cơ chế mới về quản lý Nước. Bao gồm: Đánh giá tổng quan về hệ thống Điều ước, Công ước quốc tế liên quan đến quản trị nguồn nước, thực trạng khuôn khổ pháp lý về quản lý Nước ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra; công tác quy hoạch hệ thống thủy lợi; công tác quy hoạch không gian; chính sách thuế, phí, lệ phí trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoàn thiện hệ thống hồ chứa; tăng cường công tác quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước; tình trạng biến đổi khí hậu và những yêu cầu, đòi hỏi đối với việc đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước; và tăng cường vai trò của khoa học, công nghệ đối với việc quản trị tài nguyên nước.

Theo Thạc sỹ Thái Văn Tiến, Trưởng phòng Pháp chế - Cục Quản lý tài nguyên nước, suốt trong nhiều thế kỷ qua, câu hỏi về cơ sở pháp lý nào bảo vệ nguồn nước quốc tế đã được nêu ra tại nhiều hội nghị ở nhiều khu vực trên thế giới. Xuất phát từ vị trí địa lý và lợi ích, các quốc gia có chung nguồn nước liên quốc gia đã có những quan điểm khác nhau về quyền sử dụng đối phần nguồn nước liên quốc gia trên phần lãnh thổ nước mình và cho rằng họ có toàn quyền sử dụng đối với phần nguồn nước đó, bất kể đến quyền lợi và những mối đe dọa, tác hại do việc sử dụng nước của mình gây ra đối với các quốc gia khác có chung nguồn nước. Vì thế, sự xung đột về lợi ích giữa các quốc gia cùng chia sẻ các nguồn nước quốc tế xảy ra là điều tất yếu dẫn đến tranh chấp về sử dụng nước. Những tranh chấp này đã buộc các quốc gia ở thượng lưu và các quốc gia ở hạ lưu phải tìm cách tháo gỡ bằng cách tạo ra các khuôn khổ pháp lý thích hợp để giải quyết các tranh chấp giữa các bên trong việc sử dụng các nguồn nước quốc tế. Kết quả của những nỗ lực đó là Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông đường thủy được đã được Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 41 thông qua ngày 21/5/1997. Tuy nhiên, phải mất gần 20 năm chờ đợi để có đủ 35 thành viên tham gia Công ước theo quy định, Công ước bắt đầu có hiệu lực và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính là thành viên thứ 35 tham gia Công ước.

Ngày 17 tháng 8 năm 2014, Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy chính thức có hiệu lực, mở ra một giai đoạn mới, báo hiệu những tín hiệu đáng mừng về sự hợp tác giữa các quốc gia có chung nguồn nước trong việc quản lý, bảo vệ và chia sẻ tài nguyên nước công bằng và hợp lý, chung sức đối phó với lũ lụt, hạn hán trên các lưu vực sông liên quốc gia, vì lợi ích của tất cả các quốc gia, dân tộc, vì sự thịnh vượng, hòa bình và ổn định chung toàn cầu và khu vực.


Quang cảnh buổi Tọa đàm

Quy hoạch tổng thể vùng và quy hoạch tích hợp lưu vực sông phải trở thành công cụ hiệu quả để quản trị nước

Tại buổi Tọa đàm, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã trình bày tham luận “Quy hoạch không gian và quản trị nước” cũng cho rằng, trong quy hoạch không gian, dù là quy hoạch ngành hay quy hoạch tổng thể, trước tiên cần xem xét lượng và chất của các loại nguồn nước có thể huy động nhằm đáp ứng nhu cầu của mục tiêu quy hoạch như đời sống, kinh tế, cảnh quan, môi trường sinh thái,… để có sự phân bổ nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước hợp lý, công bằng và hiệu quả. Dựa trên cơ sở đó, quy hoạch đề xuất phải đầu tư xây dựng các hệ thống công trình hạ tầng ngành nước phục vụ cho cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải và phòng chống các tai họa do nước gây ra. Không chỉ có thế, quy hoạch không gian còn phải xem xét mối quan hệ tương tác giữa tài nguyên nước với các tài nguyên đất và rừng, và tác động của các hoạt động san lấp hồ ao, lấn biển,… Trong quy hoạch các hồ chứa nước lớn, cần xem xét kỹ điều kiện công trình vì có khả năng gây ra động đất kích thích với cường độ cao. Tóm lại, quy hoạch tổng thể vùng và quy hoạch tích hợp lưu vực sông phải trở thành công cụ hiệu quả để quản trị nước.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quy hoạch lưu vực sông là công cụ thích hợp để quản lý tích hợp tài nguyên nước, nếu có tổ chức lưu vực sông đủ quyền lực quản lý hiệu quả sẽ đem lại sự phồn vinh cho cả một vùng rộng lớn” - TS. Phạm Sỹ Liêm cho biết thêm.

TS. Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, chính sách nước là một trong các cơ sở ban đầu để lập quy hoạch nước, và vẫn cần tiếp tục bổ sung trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch. Để làm tốt công tác này, chúng ta cần quan tâm đến các mục tiêu sau: Một là, giảm thất thoát nước. Hiện nay ở nước ta, tỷ lệ thất thoát nước là khoảng 30%, nếu đặt mục tiêu giảm xuống còn 20% như tại các nước khác thì sẽ tiết kiệm đầu tư phát triển công suất mới khoảng 670.000 m3/ngày đêm với chi phí khoảng 150 triệu USD. Hai là, giảm trợ cấp cho các dịch vụ nước, cần có lộ trình để thực hiện nguyên tắc “người hưởng lợi và kẻ gây ô nhiễm phải trả tiền”, thu đủ cho dịch vụ cấp nước sẽ khiến bên sử dụng không lãng phí nước. Ba là, khuyến khích tiết kiệm nước bằng việc thu gom nước mưa tại các vùng khô hạn, nhiễm mặn và hải đảo, áp dụng công nghệ sử dụng nước tiên tiến, tái sử dụng nước thải đã qua xử lý. Bốn là, xử lý nước thải công nghiệp và đô thị thành một ưu tiên quốc gia;…

Các ngành kinh tế đang gần như sử dụng miễn phí nguồn nước

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách và Môi trường, nước là một trong những nguồn tài nguyên đầu vào cơ bản cho hoạt động kinh tế. Nguồn thu thực tế từ tài nguyên nước chủ yếu từ việc thu thuế, phí, lệ phí tài nguyên nước, cụ thể là thuế đối với hoạt động khai thác nước cho thủy điện, phí, lệ phí cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước, giá nước sinh hoạt. Song nguồn thu này không tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội. “Theo thống kê, số phí thu được từ các tổ chức, cá nhân xin cấp phép tài nguyên nước với quy mô do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp đạt khoảng 2,96 tỷ đồng, trong khi hoạt động sản xuất chiếm 41% GDP của quốc gia. Số thuế thu được từ hoạt động khai thác nước cho thủy điện khoảng 2.900 tỷ đồng chiếm khoảng 0,7%GDP quốc gia. Trong khi đó, hàng ngày cả nước đang khai thác hàng triệu m3 nước sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt nhưng lại chưa thu thuế. Theo thống kê dự toán thu ngân sách năm 2014 của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách khả năng đạt 782.700 tỷ đồng, trong đó thu từ tiền thuê đất, mặt nước dự kiến là 4.784 tỷ, nhìn vào con số này chứng tỏ các ngành kinh tế đang gần như sử dụng miễn phí nguồn nước. Đóng góp cho ngân sách không đáng kể” - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh dẫn số liệu minh chứng.

Cần nhìn nhận nước là hàng hóa kinh tế - xã hội

Theo dự báo, trong tương lai Việt Nam sẽ thiếu nước, trong đó có nguyên nhân khai thác sử dụng nước lãng phí, không sử dụng nước tuần hoàn và tái sử dụng nước, không sử dụng các biện pháp xử lý nước thải tốt,… làm cho các chi phí về nước ngày càng tăng cao đối với một số đối tượng, một số đối tượng khác lại không có nước dùng do thiếu chi phí đầu tư vào khai thác nguồn nước, đặc biệt là nước sạch, nước sinh hoạt.

Và để hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện nguyên tắc “người hưởng lợi từ tài nguyên nước phải trả tiền”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cũng đề xuất một số biện pháp về xác lập giá nước, phải coi nước là hàng hóa kinh tế - xã hội, đồng thời, cần áp dụng các cơ chế tăng thuế suất, tăng phí, lệ phí khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thực hiện cơ chế đấu giá quyền khai thác nước, nước cần phải được định giá, tài nguyên nước không phải là vô hạn. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa các dịch vụ cung cấp nước cũng sẽ góp phần tăng cơ hội kinh doanh và cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doạnh nghiệp nhỏ, trong khi người tiêu dùng cũng được hưởng lợi hơn khi được sử dụng các dịch vụ tốt, mang tính cạnh tranh thông qua cơ chế xã hội hóa. Ngoài ra, cần giảm dần và tiến tới loại bỏ trợ cấp nước đối với thuế, phí và lệ phí đối với việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước;…
 

Tác giả bài viết: dwrm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi