Sáng 22/6,Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp và Chính phủ Hà Lan tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án Quản lý chất lượng nước nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai đã chủ trì hội thảo.
Dự án “Quản lý chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy” được thực hiện từ tháng 3/2007. Mục đích của Dự án là phát triển và nâng cao năng lực của Cục Quản lý TNN và các Sở TN&MT để giám sát và quản lý chất lượng nước ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Thông qua phát triển năng lực này, dự án nhằm kiểm soát tốt hơn những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng nhất đang ảnh hưởng đến cộng đồng ở lưu vực sông Đáy.
Dự án được triển khai trên phạm vi 5 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Đáy - Nhuệ là Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình, Hà Nam và Hà Nội (bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ).
Dự án đã đạt được mục tiêu đề ra
Theo ông Dave Hebblethwaite, Cố vấn trưởng Dự án, Dự án được đánh giá là rất thành công. Cụ thể đã đạt được mục tiêu tăng cường năng lực cho các nhà quản lý tài nguyên nước ở Trung ương và địa phương để thực hiện hiệu quả các công cụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quy hoạch lưu vực sông ở lưu vực sông Đáy. Kết thúc Dự án đã thu được những thành tựu lớn bao gồm: chương trình tập huấn lớn về quan trắc và phân tích chất lượng nước; thiết kế và thực hiện bộ Atlas tương tác và vận hành đầy đủ, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua thực hiện và thúc đẩy chương trình giáo dục dựa vào trường học và ban hành Khung đánh giá cấp phép xả nước thải được Chính phủ thông qua.
“Kết quả quan trọng nhất mà Dự án đạt được là đem lại hiệu quả trong việc nâng cao năng lực của cán bộ Cục Quản lý tài nguyên nước và các Sở TN&MT để làm việc cùng nhau với tư cách là các nhà quản lý lưu vực và tham gia vào xây dựng, thực hiện các công cụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước mới trong tương lai. Nhờ kết quả của các hoạt động dự án, các cơ quan này giờ đã có vị thế tốt hơn nhiều để tham gia hiệu quả vào các chương trình cải thiện chất lượng nước của Chính phủ và nhà tài trợ”, ông Dave Hebblethwaite nhấn mạnh.
Một số bài học kinh nghiệm
Theo các chuyên gia, trong quá trình thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật quản lý chất lượng nước lưu vực sông Đáy - Nhuệ đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở Việt Nam.
Đó là, cần phải nỗ lực hơn để tăng cường năng lực cho các nhà quản lý tài nguyên nước địa phương. Mặc dù hiện nay công tác quản lý tài nguyên nước đã được cải thiện rõ rệt nhưng những nỗ lực của cán bộ quản lý tài nguyên nước mới chỉ ở giai đoạn đầu và năng lực để kiểm soát hoạt động gây ô nhiễm, ngăn chặn sự suy thoái của một số đoạn sông vẫn còn thiếu. Đây là vấn đề nghiêm trọng nhất ở các cấp địa phương và cần có những hành động quản lý khẩn cấp.
Bên cạnh đó, để thực hiện chính sách quản lý tài nguyên nước, theo các chuyên gia, cần có bộ nhu cầu kỹ năng lớn và đa dạng. Các cơ quan Trung ương và địa phương cần có nhiều kỹ năng khác nhau để chuyển những chính sách này thành kết quả thực tế. Những kỹ năng như năng lực để buộc thi hành các quy định, quản lý cấp phép và phí, tiến hành giám sát tuân thủ và liên hệ với các ngành công nghiệp cũng như cộng đồng có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện chính sách tại địa phương.
Các chuyên gia còn đưa ra một số bài học như các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cần nhằm đạt được những kết quả thực tế khi áp dụng cách tiếp cận theo chương trình để đạt được những mục tiêu dài hạn; các chương trình xây dựng chính sách cần mở rộng ra cả thực hiện chính sách…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, kết quả và thành công của dự án này sẽ là bước đệm để các nhà tài trợ tiếp tục đầu tư cho các dự án quản lý tài nguyên nước tiếp theo tại Việt Nam.