Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của Cục - Tin liên quan

Vấn đề nội tại của sức khỏe đồng bằng

Thứ hai - 19/09/2022 15:08
Hệ thống đê bao bê-tông vững chắc chống xâm thực vào đất liền bao quanh Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh:Trọng Đạt

Hệ thống đê bao bê-tông vững chắc chống xâm thực vào đất liền bao quanh Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh:Trọng Đạt

Hai mươi năm trước, khi nói về nước ở đồng bằng sông Cửu Long người ta thường nghe về lũ lụt. Trong những năm gần đây thì lại nghe hàng loạt chuyện về thiếu nước, nước mặn lấn sâu, ô nhiễm sông ngòi, suy giảm nước ngầm, sụt lún nhanh. Câu hỏi đặt ra là quản lý nước cho vùng đồng bằng này như thế nào trong bối cảnh phức tạp như vậy?

Mặt trái của những nỗ lực canh tác lúa
 
Vào những năm 80 của thế kỷ trước cả nước bị thiếu đói, do đó đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất màu mỡ nhất đóng vai trò an ninh lương thực cho cả nước. Tất cả mọi nguồn lực đã được huy động để thực hiện nhiệm vụ này. Trong giai đoạn đầu là việc đào kênh, xổ phèn, khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích sản xuất lúa. Đến năm 1989, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo. Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp cả nước thoát đói, biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực sang một nước xuất khẩu lương thực và có thu nhập ngoại tệ từ xuất khẩu lương thực. Theo đó, việc tăng sản lượng lúa để tăng xuất khẩu thu ngoại tệ được tiếp tục. Đến khi hết diện tích để mở rộng canh tác thì chuyển sang thâm canh, tăng vụ từ một vụ lên hai vụ và lên ba vụ, kể cả những vùng trũng ngập lũ sâu ở đầu nguồn đồng bằng ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Việc tăng sản lượng lúa này đã biến Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới.
 
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là các đê bao khép kín ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đã chiếm không gian hấp thu nước lũ tự nhiên của hai vùng này. Nước lũ không vào trong đồng được nên tìm không gian nơi khác, gây ngập cho vùng cây trái và các đô thị ở vùng giữa đồng bằng (Cao Lãnh, Vĩnh Long, Mỹ Tho ở phía sông Tiền, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng ở phía sông Hậu). Nói cách khác, nước lũ đã bị dịch chuyển từ Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười xuống vùng giữa đồng bằng.
 
Kích hoạt cuộc đua đê bao khép kín
 
Sự dịch chuyển lượng nước lũ từ các vùng ngập lũ sâu đầu nguồn, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, xuống vùng giữa đồng bằng đã kích hoạt cuộc đua làm đê bao khép kín để bảo vệ vườn cây ăn trái của vùng này. Lúc đầu một vài nơi trũng bị ngập đã làm đê bao khép kín để bảo vệ. Những nơi chưa có đê bao khép kín lại càng bị gia tăng ngập. Theo đó, tất cả đã vào cuộc đua đê bao khép kín, theo hiệu ứng domino.
 
Đến nay, hầu như toàn bộ diện tích vùng giữa đã có đê bao khép kín, ngoại trừ các đô thị. Không gian hấp thu lũ càng ngày càng bị thu hẹp. Tất cả các kênh rạch, sông ngòi vùng giữa đều có đê cao hai bên sông. Nước lũ không được hấp thu vào ruộng, vườn, chỉ chảy được trong sông nên đã chảy tuột ra biển trong mùa lũ. Đến mùa khô, khi dòng Mê Công yếu đi thì hệ thống sông ngòi, đất đai các cánh đồng không có nước bổ sung cho dòng chính để cân bằng mặn ngọt ven biển. Theo đó, biển lấn sâu hơn vào đất liền, gia tăng xâm nhập mặn.
 
Như vậy, trong bối cảnh nước biển dâng và sự biến động lượng nước từ thượng nguồn Mê Công xuống, khả năng tự cân bằng mặn ngọt tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long cũng đã bị suy yếu.

Hệ thống đê bao bê-tông vững chắc chống xâm thực vào đất liền bao quanh Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh:Trọng Đạt
 
Đồng bằng trước những năm 90 của thế kỷ trước là một đồng bằng mở, có không gian cho nước lũ lan tỏa, có không gian cho thủy triều lan tỏa, liên thông thông thoáng với sông Cửu Long và với biển. Song, từ thời điểm đó đến nay, đồng bằng sông Cửu Long đã biến thành hệ khép kín, không còn không gian cho nước lũ, không còn không gian cho thủy triều, không còn liên thông một cách thông thoáng với dòng chính sông Cửu Long, và không còn liên thông một cách thông thoáng với biển.
 
Ô nhiễm sông ngòi và sụt lún đồng bằng
 
Để phục vụ cho mục tiêu tối đa hóa sản lượng lúa, hệ thống công trình ngăn mặn khổng lồ đã được xây dựng gần như khép kín toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long, trừ những cửa sông lớn. Ở những cửa sông lớn không có đập chắn ngang thì có đê ven sông và hệ thống cống để ngăn mặn. Vào mùa khô, phần lớn các cống ngăn mặn được đóng kín trong nhiều tháng từ khoảng tháng 1 đến tháng 5 hằng năm. Do đó, trong mùa khô, đối với phần lớn vùng nội địa đồng bằng, ảnh hưởng của thủy triều bị suy yếu. Sông rạch nội địa chảy yếu hoặc ngừng chảy, trở nên tù đọng, ô nhiễm nặng nề. Có những nơi sông rạch biến thành những vùng sông đen hoặc phủ kín lục bình trong mùa khô, không còn sử dụng cho sinh hoạt được, nhất là trong mùa khô khi các công trình đóng kín. Do đó, người dân phụ thuộc vào việc sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt. Các hệ thống cấp nước nông thôn ở cấp xã phần lớn cũng lấy từ nguồn nước ngầm.
 
Ở vùng ven biển, vào mùa khô thiếu nguồn nước ngọt nên người dân chỉ còn cách sử dụng nước ngầm. Cho đến nay, các công trình cống đập ngăn mặn đều có chức năng ngăn mặn-trữ ngọt cho sản xuất và cho sinh hoạt, nhưng trên thực tế nước ngọt trong các công trình này không dùng cho sinh hoạt được vì tù đọng, ô nhiễm. Việc khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún đồng bằng nhanh gấp ba, bốn lần tốc độ nước biển dâng, có nơi gấp 10 lần.
 
Cần làm rõ mục đích quản lý nước
 
Trước khi bàn về quản lý nước như thế nào thì cần đặt lại câu hỏi quản lý nước nhằm mục đích gì?
 
Nếu chỉ quản lý nước với mục tiêu duy nhất là phục vụ sản xuất với hệ thống canh tác nước ngọt thì cách quản lý nước sẽ rất khác, đơn giản hơn nhiều so với quản lý nước để duy trì sự vận hành lành mạnh của hệ thống tự nhiên để duy trì sức khỏe của đồng bằng. Sức khỏe của đồng bằng bao gồm sức khỏe của đất đai, sông ngòi, và biển, trong đó về loại nước thì có nước ngọt, nước mặn, nước lợ và về nguồn nước thì có nước từ thượng nguồn Mê Công chảy về, nước mưa, nước ngầm, nước biển trong một hệ thống tổng thể vận hành hài hòa.
 
Vậy, công tác quản lý nước cần đáp ứng được mục tiêu đầu tiên là bảo đảm sức khỏe hệ thống, đất đai, sông ngòi, và biển; thứ hai là giảm được rủi ro thiệt hại sản xuất; và thứ ba là đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt. Việc quản lý nước nên là một "liên hoàn kế" chứ không nên riêng lẻ theo kiểu "kê toa theo triệu chứng", giải quyết triệu chứng được nhanh nhưng về lâu dài ảnh hưởng "lục phủ ngũ tạng" của đồng bằng.
 
Quản lý nước cần như thế nào?
 
Chìa khóa của việc quản lý nước ở đồng bằng sông Cửu Long nằm ở nông nghiệp. Cải cách nền nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, theo hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng sẽ giảm được phân bón thuốc trừ sâu, giảm được những công trình can thiệp thô bạo vào quy luật tự nhiên. Cụ thể, đối với vùng ngập lũ đầu nguồn, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cần giảm bớt một vụ lúa mùa lũ để xả lũ vào, phục hồi không gian hấp thu lũ. Vùng giữa đồng bằng cần cải thiện lưu thông nước giữa sông ngòi và ruộng vườn. Với vùng ven biển cần chuyển đổi hệ thống canh tác ở vùng này sang thuận với mùa mặn ngọt tự nhiên. Việc kiểm soát mặn nên lùi vào vùng biên giữa của vùng lõi ngọt của đồng bằng, với những công trình cỡ nhỏ và chỉ kiểm soát vào thời gian giao mùa mặn-ngọt và những năm cực đoan. Vùng mặn-ngọt luân phiên theo mùa rất cần những công trình quản lý nước để phục vụ cho hệ thống luân canh mặn- ngọt.
 
Thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 120 của Chính phủ và Quy hoạch tích hợp đồng bằng sông Cửu Long sẽ giải quyết được các vấn đề nội tại về quản lý nước, từ đó châu thổ Cửu Long sẽ có sức chống chịu tốt hơn với ảnh hưởng từ thượng nguồn và từ biển vào. Sông ngòi được phục hồi sẽ giảm được sử dụng nước ngầm. Sông-biển được liên thông thì sức khỏe sông và biển được phục hồi, thủy sản sông, thủy sản biển sinh sôi trở lại. Sông rạch được lưu thông thì ghe xuồng sẽ đi lại được như xưa, nét đẹp văn hóa sông nước sẽ được giữ gìn.
 
Chuyển sang canh tác chất lượng cao, gia tăng chế biến, chuỗi giá trị, nền nông nghiệp sẽ thoát cảnh vất vả oằn mình chống chọi thiên nhiên. Nông sản Việt Nam sẽ có mặt ở các thị trường cao cấp trên thế giới và nông nghiệp sẽ mang lại sự thịnh vượng, diện mạo mới cho đồng bằng.
 
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long.
 

Nguồn tin: Nhandan.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi