Buổi tọa đàm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, và một số bộ, ngành trung ương, địa phương phối hợp tổ chức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi Tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có ngài Ader János - Tổng thống cộng hòa Hungary, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Vũ Đức Đam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Hungary, ông Đào Việt Trung - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai; đại diện các cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, UBND các tỉnh Quảng Bình, Hải Dương, thành phố Hồ chí Minh, Đà Nẵng; các cơ quan đại diện quản lý, nghiên cứu, giáo dục và đào tạo lĩnh vực tài nguyên nước, thủy văn, các hiệp hội, các nhà khoa học trong lĩnh vực nước, thủy lợi và đại diện một số doanh nghiệp của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam và Hungary có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với bề dày lịch sử gần 65 năm. Quan hệ chính trị giữa hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp thông qua trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước liên tục phát triển. Hungary và Việt Nam luôn coi nhau là đối tác ưu tiên hợp tác trong chính sách hợp tác phát triển của mình.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Hungary là quốc gia có tiềm năng lớn trong các lĩnh vực: quản lý nguồn nước, phòng chống lũ lụt, xử lý nước và đào tạo các chuyên gia về ngành tài nguyên nước. Cả hai nước đều nhận thức được tầm quan trọng của nước trong phát triển bền vững và cam kết thiết lập Mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến tài nguyên nước; cam kết hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn song phương và đa phương. Trên nền tảng đó, Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Hungary đã được ký kết vào ngày 16/9/2013 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hungary của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Tại buổi Tọa đàm Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, nước là một vấn đề xuyên suốt kết nối chặt chẽ với tất cả mọi lĩnh vực ưu tiên cần hợp tác giải quyết trên cấp độ toàn cầu. Nếu không có nước thì không có sự sống và mọi hoạt động của con người. Tuy nhiên, mặc dù là nguồn tài nguyên có thể tái tạo nhưng tài nguyên nước không phải là vô hạn. Chính vì thế, việc xây dựng và thực hiện các chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước là hết sức cấp thiết nhằm bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước, cả về số lượng lẫn chất lượng, trước các áp lực khai thác, sử dụng tài nguyên nước do tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu. “Thông qua buổi Tọa đàm ngày hôm nay, tôi mong muốn rằng các nội dung hợp tác về quản lý nước được các Bên thảo luận và thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới trên cơ sở thế mạnh và nhu cầu của hai nước” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Tổng thống Hungary Ader János cho biết, nước là vấn đề rất quan trọng, thu hút được mối quan tâm của toàn cầu hiện nay. Cũng giống như Việt Nam, Hungary cũng là hạ lưu của các dòng sông. Hàng trăm năm qua, Hungary đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng đê điều để phòng chống lũ lụt bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, Hungary cũng là nước có thế mạnh về xử lý, cung cấp nước sạch để phục vụ sinh hoạt; theo dõi biến động của các nguồn tài nguyên nước để bảo vệ các nguồn nước bề mặt; xử lý nước thải các loại; và Hungary cũng là nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Tại buổi Tọa đàm, Tổng thống Ader János cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan ở Việt Nam trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm tìm kiếm các khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Hungary về các vấn đề thảo luận. Ngài Tổng thống cũng chia sẻ, trước đây con người phải tìm cách để đấu tranh với thiên nhiên, nhưng ngày nay con người lại đấu tranh với chính hành động của mình. Ở Việt Nam, hiện nay mới chỉ có khoảng 10% lượng nước thải được xử lý trước khi chảy ra môi trường. Điều này, sớm hay muộn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên nước thiên nhiên vì tài nguyên nước có tốc độ phục hồi rất chậm, nếu cứ tiếp tục xả nước không qua xử lý ra môi trường sẽ làm hỏng nguồn nước và không còn khả năng phục hồi.
Phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm, Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết, ở Việt Nam hiện đang tiến hành các dự án liên quan đến bảo vệ các hồ ở Hà Nội. Thông qua buổi Tọa đàm này, bà Lý cũng mong muốn có những cơ hội hợp tác toàn diện giữa 2 nước về cơ chế quản trị, luật pháp, tài chính,…nhằm có thể giúp Việt Nam giải quyết được tình trạng ô nhiễm các hồ hiện nay tại Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, một số đại biểu cũng đã cung cấp thông tin chia sẻ liên quan đến việc giảm phát thải khí nhà kính C02 tại Việt Nam, về tình hình cung cấp nước và xử lý nước sạch, về tình trạng ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước trên các lưu vực sông, về tình trạng xử lý nước thải ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Qua đó, các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn phía Hungary quan tâm, hợp tác và hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nâng cao năng lực về công nghệ quản lý nước và xử lý nước; chuyển giao công nghệ khai thác nước tầng nông; xử lý ô nhiễm Arsen trong nguồn nước tại Việt Nam; chuyển giao phát triển năng lượng tái tạo; xử lý nước thải và phòng chống rủi ro do nước gây ra;…
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cũng cho rằng, đối với vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa giá nước và an sinh xã hội là vấn đề khó. Vì vậy, các cơ quan ở Việt Nam cũng mong muốn Hungary chia sẻ, hợp tác sâu hơn giải pháp về thể chế, công nghệ, nguồn lực để giải quyết tốt các vấn đề này.
Tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cũng đã trao đổi thêm các thông tin liên quan đến phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, về chương trình phát triển sạch, về hệ thống cấp nước và xử lý nước thải, về tình trang ô nhiêm Arsen,… Theo đó, Việt Nam thực hiện những chương trình, kế hoạch nhằm hướng tới phát triển nền kinh tế xanh và bền vững, thực hiện xã hội hóa và cổ phần hóa hệ thống cấp nước, ban hành quy định pháp luật liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước; thực hiện công tác đánh giá ô nhiễm arsen trên phạm vi toàn quốc;… Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cũng đề nghị phía Hungary trên cơ sở Thỏa thuận đã được hai nước ký kết, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực như: Tăng cường năng lực về giám sát tài nguyên nước; Hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm trong khai thác, sử dụng và chia sẻ nguồn nước liên quốc gia;Thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quản lý nguồn nước giữa các quốc gia ven sông Mê Công và Đa-nuýp trong đó có Việt Nam và Hungari; Hỗ trợ xây dựng hệ thống trạm giám sát xả nước thải vào nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai; Tăng cường năng lực, trao đổi kinh nghiệm, thông tin khoa học, chuyên gia và sinh viên giữa Khoa Tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội với phía Hungari.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cảm ơn những chia sẻ kinh nghiệm của Ngài Tổng thống. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ, Việt Nam luôn ý thức sâu sắc các yêu cầu về phát triển xanh - sạch -bền vững, và hiện nay những yêu cầu này được đưa vào những chương trình hành động, giám sát của Quốc hội. Với những kinh nghiệm và thế mạnh của mình, Việt Nam mong muốn Hungary hợp tác chặt chẽ về các lĩnh vực mà Ngài Tổng thống nêu ra, đặc biệt là phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng và bảo vệ hệ thống đê biển, bảo vệ môi trường gắn với nuôi trồng thủy sản, đào tạo nhân lực về tài nguyên nước, thủy văn; tăng cường năng lực về giám sát tài nguyên nước; hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên nước;....
Tổng thống Ader János, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các Bộ, ngành hai nước đã chứng kiến ký kết Ý định thư trao tặng thiết bị khử asen trong nước giữa đại diện Đại sứ quán Hungary và lãnh đạo tỉnh Hải Dương; Ý định thư thiết lập quan hệ hợp tác giữa Công ty phát triển công nghệ Sinh Phú và Công ty S-Metalltech’98 Kit.