Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉnh sửa quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp, thay cho quy chuẩn có từ năm 2009. Quy chuẩn hiện hành cũng như dự thảo sửa đổi không đề cập đến việc áp dụng quy chuẩn này như thế nào đối với một số ngành đặc thù vốn đã có quy chuẩn nước thải riêng.
Dự thảo quy chuẩn chung cũng chỉ quy định “nước thải của một số ngành công nghiệp đặc thù được quy định riêng” nhưng không nói rõ khi có cái riêng thì DN có phải thực hiện toàn bộ cái chung này hay không. Nếu phải gánh đủ cả hai quy chuẩn thì nặng nề cho DN.
Một DN thủy sản có góp ý rằng, nước thải của ngành chế biến thủy sản thường không có mặt các kim loại nặng như thạch tín (asen),cadimi, chì, thủy ngân. Hiện nay DN phải thực hiện đủ các thông số của quy chuẩn chung, gồm cả bốn thông số trên. Vì vậy DN phải đóng mức phí bảo vệ môi trường cao hơn rất nhiều lần so với thực tế đáng ra DN phải nộp. DN này kiến nghị cần loại trừ một vài thông số cho DN đặc thù. Tương tự, một số ngành có thể không liên can gì đến vài thông số trong quy chuẩn hiện hành nhưng hiện vẫn phải thực hiện toàn bộ thông số trong quy chuẩn (quy chuẩn năm 2009 có 36 thông số). Nắm bắt được vướng mắc này, ngay trong dự thảo sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã bỏ một vài thông số chung như thông số về độ màu, thông số clorua… Bộ TN&MT cho rằng, nên bỏ vì nhiều quốc gia khác cũng không đòi hỏi thông số độ màu. Ngành giấy và dệt nhuộm là hai ngành chính có sử dụng hóa chất tạo màu thì nước thải mới cần tuân thủ thông số về độ màu và thông số này chỉ nên quy định trong quy chuẩn riêng của ngành mà thôi.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có văn bản góp ý gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó có nêu ý kiến giảm độ khắt khe của quy chuẩn để DN bớt khó khăn.
Quy chuẩn về nước thải hiện hành cũng có một điểm lấn cấn cho DN ngành dệt may. Theo quy chuẩn, cứ nước từ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp xả ra thì bị xem là nước thải công nghiệp và bị “soi” đủ các thông số quy định. DN dệt may than phiền khá nhiều về lấn cấn này.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, quy chuẩn hiện hành đang “ôm” cả dệt lẫn may, gây khó khăn cho DN may. Ông cho rằng, cơ sở dệt nhuộm sử dụng nước trong sản xuất nên thải ra nước thải công nghiệp. Trong khi đó, cơ sở may không dùng nước trong sản xuất nên không thể thải ra nước thải công nghiệp. Nước thải từ các cơ sở này là nước phục vụ cho hoạt động tắm giặt, vệ sinh… của công nhân, p¬¬¬hải được xem là nước thải sinh hoạt như các hộ gia đình mà thôi. Nếu vậy thì DN may chỉ cần đáp ứng 11 thông số theo quy chuẩn nước thải sinh hoạt chứ không phải hàng chục thông số khắt khe của quy chuẩn nước thải công nghiệp.