Biến đổi khí hậu - Bắt đầu từ các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ khánh kiệt nguồn nước ngầm
Biến đổi khí hậu cùng việc khai thác, sử dụng vô tội vạ đang khiến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Trong vòng 10 năm qua mực nước ngầm khu vực ĐBSCL đã tụt giảm từ 10 - 17 mét (tùy tỉnh - thành). Mức suy giảm này được các nhà khoa học nhận định: "vô phương cứu chữa"!
Khai thác vô tội vạ
Toàn khu vực ĐBSCL ước tính có hơn 400.000 giếng khoan (sử dụng nguồn nước ngầm), hầu hết do người dân tự đầu tư. Trong đó, Cà Mau là tỉnh nhiều giếng nhất với gần 138.000 giếng; tổng công suất gần 400.000m3/ngày. Khu vực khai thác mạnh nhất là TP.Cà Mau với trên 67.600m3/ngày đêm.
Tại Bạc Liêu, trong số gần 6.200 giếng chỉ có 72 giếng cấp nước sinh hoạt tập trung. Ông Khưu Lễ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bạc Liêu, nói: "Trước đây người dân khoan sâu từ 60 - 70m là đã có mạch nước ngầm. Hiện nay mạch nước đã tụt từ 100 - 120m. Vùng ven biển còn khoan giếng sâu từ 90 - 120m, sử dụng lượng nước ngầm cực lớn để pha với nước biển phục vụ nuôi tôm sú, trồng hoa màu... Điều này sẽ để lại hậu quả khó lường".
Tương tự, Sóc Trăng có tổng cộng hơn 75.000 giếng, thì có hơn 59.000 giếng do người dân tự đào. TP.Cần Thơ cũng có trên 32.000 giếng. Quan trắc động thái mực nước tại TP.Sóc Trăng từ năm 2002 - 2007 cho thấy, mực nước tĩnh ở tầng số 9 (từ 307m - 376m) đã sụt giảm 4,85m; tầng số 8 (từ 157m - 307m) giảm gần 2m. Ông Trần Văn Thanh, PGĐ Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng quan ngại: "Với đà sụt giảm này chỉ 5 năm nữa chúng ta sẽ không thể khai thác nước ngầm nữa!".
Nguy cơ ô nhiễm các hóa chất độc hại...
Theo thống kê chưa đầy đủ, ĐBSCL hiện có hàng ngàn giếng khoan không còn sử dụng được do bị nhiễm hóa chất độc hại như: nhiễm phèn, chì, sắt... Trong đó, Cà Mau có 3.238 giếng, Bạc Liêu 1.700 giếng, Trà Vinh 1.600 giếng... Các giếng bỏ hoang này là nguy cơ gây thông tầng, làm ô nhiễm các tầng nước khác, gia tăng nhiễm mặn cho các vùng lân cận. Riêng tại Cà Mau, hiện nước ngầm tầng nông (sâu dưới 90m) đã bị nhiễm mặn. Ở Bạc Liêu, các mũi khoan sâu 120m cũng chưa tìm thấy mạch nước. Tại Sóc Trăng, có nơi khoan đến 500m vẫn chưa tìm được nguồn nước đủ chuẩn (!). Đáng lo ngại nhất là phong trào dùng nước ngầm pha nước mặn để nuôi tôm trong các hộ dân vùng duyên hải phía Tây Nam (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre...).
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm Đa dạng sinh học (Đại học Cần Thơ), nói: "Việc lấy nước ngầm pha vào vuông tôm để làm giảm độ mặn là việc làm phung phí tài nguyên. Mực nước ngầm ở đây cũng đã tụt xuống khoảng 8m chỉ sau 1 năm và hầu hết các khu vực khảo sát cũng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng!".
Kết quả khảo sát của Viện Vệ sinh - Y tế công cộng (Bộ Y tế) tại các tỉnh ĐBSCL cho thấy, mức độ nhiễm thạch tín trong giếng cao vượt mức báo động gấp hàng chục lần. Đặc biệt tại An Giang, có 40% số mẫu kiểm tra bị nhiễm thạch tín độc hại... Theo ước tính của Viện này, hơn phân nửa số người dân sử dụng nước ngầm tại vùng bán đảo Cà Mau hiện đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm thạch tín với mức độ khác nhau; có nơi đã vượt ngưỡng an toàn trên 80 lần (!). Các cơ quan quan trắc và nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo: Nước ngầm sẽ xuống tới mực nước chết vào năm 2014.
Nếu phán đoán này đúng, cùng với áp lực hạn hán kéo dài vào mùa khô liên tục trong những những năm gần đây, tình hình thiếu nước ngọt sẽ càng thêm trầm trọng!