Cấp nước sạch theo mô hình liên xã ở Nam Ðịnh
Thứ tư - 21/10/2009 22:16
Nhân viên Nhà máy nước Nam Dương (Nam Định) kiểm tra máy trước khi vận hành.
Những năm qua, nhiều hộ dân ở trung tâm thành phố hay các huyện xa trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh đã có nước sạch sử dụng hằng ngày. Ðể làm nên những thành công trên có phần đóng góp của Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Nam Ðịnh, với cách làm bài bản nhưng hiệu quả, đó là cấp nước sạch theo mô hình liên xã.
Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Nam Ðịnh được thành lập đầu năm 2008 theo mô hình thí điểm xã hội hóa lĩnh vực cấp nước nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB), thực hiện dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng. Ðơn vị hoạt động trong điều kiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nước sạch nông thôn còn thiếu và chưa đồng bộ; trụ sở không có, trang thiết bị phục vụ làm việc và vốn lưu động thiếu. Khi thành lập công ty còn tiếp quản thêm hai đơn vị của Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh, ba nhà máy nước, cùng 40 cán bộ, công nhân viên... Song, vượt qua những khó khăn, công ty luôn phấn đấu bảo đảm quản lý dự án nước sạch và vệ sinh nông thôn theo đúng quy định về tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Vì thế, hoạt động sản xuất luôn ổn định, an toàn. Từ khi thành lập đến nay, công ty đã huy động vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng cho công tác nâng cấp, nối mạng cấp nước, sửa chữa, bảo dưỡng các tuyến ống, thiết bị công nghệ, hệ thống bể lọc... tại các nhà máy nước Xuân Trường, Mỹ Lộc, Nam Dương. Ðồng thời, trích kinh phí cho công tác truyền thông sử dụng nước sạch, bảo vệ, giữ gìn an ninh tuyến ống ở các địa phương. Gắn chất lượng và hiệu quả công tác với việc trả lương, khen thưởng, kỷ luật, vì thế hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn ổn định. Hiện nay, công ty đang quản lý năm nhà máy, cung cấp nước cho 13 xã, với giá bán đến từng gia đình là 3.800 đồng/m3 (đối với nhà máy đầu tư từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia) và 4.500 đồng/m3 (đối với nhà máy đầu tư từ vốn vay WB). Năm 2008, công ty có hơn 12,3 nghìn hộ tham gia kết nối đồng hồ sử dụng nước, tổng lượng nước thương phẩm bán ra là 754.950m3, tỷ lệ thất thoát 19,9%, lượng nước sử dụng bình quân của mỗi hộ là 5,7m3/tháng, doanh thu đạt hơn ba tỷ đồng. Ðến nay, công ty đã cấp nước đến hơn 15 nghìn hộ, dự kiến năm 2009, sản xuất hơn một triệu m3 nước thương phẩm, doanh thu đạt hơn 5,5 tỷ đồng.
Quản đốc Nhà máy nước Nam Dương Ninh Ðức Thuấn cho biết, hiện nay các đường ống nước của nhà máy đã kết nối đến từng hộ gia đình bằng nguồn kinh phí của công ty và tiền đối ứng của nhân dân. Ðến thăm nhà bác Trần Xuân Thảo, thôn Thi Châu A, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, vặn vòi nước máy chảy đầy một chậu nhôm to, bác Thảo để ra và nói: "Các anh xem, nước máy ở nông thôn bây giờ có khác gì ở thành phố đâu. Nước trong vắt, không cặn lắng. Hiện nay, gia đình tôi sử dụng nước máy không chỉ cho việc tắm giặt, mà dùng cho cả ăn uống. Ðiều đáng nói là nước máy ở đây khi đun lên không thấy đáy siêu có cặn lắng mầu vàng". Gia đình đã sử dụng nước của Nhà máy nước Nam Dương từ năm 2007, mỗi tháng dùng 15m3. Tuy giá hơi cao, nhưng bù lại chất lượng nước bảo đảm, cho nên chúng tôi rất yên tâm.
Theo anh Thuấn, không riêng gì gia đình bác Thảo mà hầu hết các gia đình sử dụng nước của nhà máy đều có chung nhận xét như vậy. Hiện nay, Nhà máy nước Nam Dương đang cung cấp trực tiếp nước sinh hoạt cho 2.202 gia đình ở hai xã thuộc huyện Nam Trực. Ðể bảo đảm nguồn nước luôn đạt chất lượng, vào đầu mỗi buổi sáng, cán bộ vận hành máy hút nước từ sông Ðào vào bể chứa, sau đó thực hiện đo độ đục, độ Ph trong nước để có quy trình xử lý cho phù hợp. Bởi theo anh Thuấn nước ở sông thay đổi thường xuyên. Khi đã qua nhiều khâu xử lý trước khi đưa nước đến với các gia đình sử dụng thì cán bộ kỹ thuật của nhà máy tiếp tục lấy mẫu nước thương phẩm tại bể chứa để kiểm tra lần cuối. Vì vậy, chất lượng nước luôn được bảo đảm theo tiêu chí của Bộ Y tế. Nhà máy nước Nam Dương hiện nay có công trình bể lọc tự rửa không van khá hiện đại. Khi trong quá trình lọc nước tầng lọc thường bị lắng cặn thì nước phần trên tạo ra áp suất sẽ mở van máy và tự động rửa, vừa tiết kiệm được điện mà chất lượng nước luôn được bảo đảm.
Nếu như nhiều địa phương khác chỉ quan tâm đầu tư xây dựng những trạm cấp nước sạch theo từng xã thì tại Nam Ðịnh, các nhà máy nước thường xây dựng theo mô hình cấp nước liên xã. Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Nam Ðịnh Vương Duy Nam cho biết, mô hình cấp nước sạch liên xã đã và đang phát huy được nhiều lợi thế như: Khai thác hiệu quả nguồn nước mặt tại các sông lớn để xử lý thành nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân vùng bị nhiễm a-sen; hiệu quả cao do giảm các chi phí về đất, điện, máy móc, đường ống dẫn nước (giảm từ 20 đến 30% chi phí đầu tư); có điều kiện áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến; tập trung quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của các nhà máy nước. Không như nhiều nơi thường xây dựng các nhà máy nước sát khu dân cư và lấy nước nội đồng vừa không bảo đảm an toàn chất lượng, vừa tốn kém kinh phí xử lý, hiện nay, năm nhà máy nước của công ty đều xây dựng sát những con sông lớn trên địa bàn tỉnh là sông Hồng, sông Ðáy, sông Ninh Cơ và sông Ðào. Kế hoạch từ nay đến năm 2013, Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Nam Ðịnh sẽ xây dựng thêm sáu nhà máy nước để phục vụ người dân ở 27 xã trên địa bàn, theo dự án của WB.
Ngoài những thuận lợi thì hiện nay việc cấp nước sạch đến với người dân nông thôn của công ty cũng gặp khó khăn do sự phân bổ dân cư không đồng đều, cho nên triển khai cấp nước đến từng hộ dân khó. Hệ thống đường ống dàn trải nên cần nhiều kinh phí để đầu tư. Một bộ phận dân cư chưa có thói quen dùng nước sạch, cho nên phải tuyên truyền nhiều lần để bà con hiểu và sử dụng. Nhận thức của một số lao động còn hạn chế, thiếu nhiệt tình, chưa thật sự chăm lo đến hiệu quả công việc chung như đọc chốt số đồng hồ, kiểm tra đường ống và đồng hồ còn chiếu lệ dẫn tới đường ống bị rò rỉ, vì thế tỷ lệ thất thoát còn cao ở một số nhà máy. Trang bị bảo hộ lao động và công tác đầu tư sửa chữa, nâng cấp ở một số nhà máy như: Hệ đường ống, van, công nghệ xử lý, máy định lượng hóa chất còn chưa đáp ứng theo nhu cầu bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả.
Với cách tổ chức cấp nước sạch theo mô hình liên xã của Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Nam Ðịnh, nhiều gia đình ở các vùng nông thôn Nam Ðịnh đã được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh. Có thể nói, đây là một mô hình cần nhân rộng, để có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2010 sẽ có 85% số dân nông thôn cả nước được sử dụng nước sạch theo chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Nguồn tin: Hoàng Hùng - Báo Nhân Dân