Với chiếc ghe này, mỗi ngày vợ chồng anh Quân có thể lãi 400 nghìn đồng.
Trời vẫn còn tù mù tối. Từ hai phía đã đỏ đèn tàu ghe tấp nập đến cập bến tram bơm nước của Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2 – nằm tại thị tứ Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc… rồi hàng chục chiếc. Tiếng máy nổ chát chúa, tiếng người í ới gọi nhau, tiếng nước chảy… “Chợ nước” Kiên Lương bắt đầu một phiên giao dịch.
Có nước xài là may, cắc cớ chi sạch bẩn
Mới hơn ba giờ sáng, anh Trần Văn Quân ấp Thạnh Lợi, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương đã giục vợ thức dậy chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ ra “chợ nước” mua nước ngọt chở đi bán. Anh chị dự định hôm nay ra “chợ” sớm hơn mọi khi, tranh thủ thời gian để chở được hai chuyến nước. “Hôm nay có rất nhiều mối đã đến hẹn”. Nhưng khi ra đến “chợ” thì đã có nhiều ghe, tàu đậu kín xếp hàng lấy nước. Anh Quân cằn nhằn: “Đã bảo đi sớm hơn rồi… cứ lề mề”. Chị làm thinh, cột dây cho ghe cập vào bến. Chẳng mấy chốc cũng đến lượt ghe của anh chị lấy nước. Anh Quân cho biết, vợ chồng anh làm nghề này đã được vài năm. Trước đây, hai người có chiếc ghe nhỏ và cũ chở hàng thuê khắp nơi trong vùng. Đi đó đây nhiều, biết được nhu cầu nước ngọt của người dân ngày một tăng lên và qua tìm hiểu thấy nhiều người khá giả lên từ nghề này, anh chị quyết định đổi nghề vào những tháng mùa khô. Năm rồi, anh chị đầu tư hơn chục triệu đồng đóng chiếc ghe lớn hơn, tải trọng chở được đến 15m3 nước.
Tuy cùng làm nghề chở nước, nhưng các ghe đều có hình dáng, trọng tải khác nhau. Ghe vốn không phải thiết kế để chở nước mà là chở các mặt hàng khác như: lúa, xi măng, cát, đá… Khi chuyển sang chở nước thì gia cố lại bằng cách trét kín các lỗ để nước bên trong không tiếp với nước bên ngoài. Trên mỗi chiếc ghe chở nước đều trang bị hai máy: một máy ở đuôi ghe có nhiệm vụ đẩy ghe, một máy ở đầu ghe làm nhiệm vụ bơm nước. Mỗi ghe chỉ cần hai người: một người điều khiển hai máy, một người kéo ống bơm nước đưa vào các dụng cụ đựng nước của khách hàng. “Những năm trước đây, người làm nghề như chúng tôi không đông lắm. Nhưng gần đây, nhất là mua khô năm nay, đội quân làm nghề đổi nước ngọt tăng lên rất nhiều. Nhiều chủ ghe chở lúa, cát đá, vật liệu xây dựng, tôm cá… hết mùa đã chuyển qua buôn nước ngọt”- anh Quân nói.
Do mùa khô năm nay kéo dài và khắc nghiệt, nên nhu cầu về nước ngọt tăng lên đột biến, số người làm nghề đổi nước cũng tăng lên nhiều nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Anh Nguyễn Văn Tám - người làm nghề đổi nước ngọt ở thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương tỉnh rụi khi kể về nhu cầu bản năng đã lấn át ý thức về bẩn sạch: “Vì quá cần nước ngọt, nên khách hàng cũng không quá khắt khe về chất lượng. Như tôi, trước khi bơm nước vào ghe, lót thêm tấm bạt để tránh bụi bẩn. Còn phần nhiều ghe, nước được bơm trực tiếp vào đầy khoang ghe rồi cứ thế chở đi. Mùa nắng khắc nghiệt, khi nước ngọt ngày càng khan hiếm thì khách hàng cũng chẳng ai phàn nàn chuyện nước có sạch hay không và sạch đến mức nào. Nên dù nước từ khoang ghe có màu xanh rêu hay thậm chí đục cũng chẳng bị chê”.
Nước ngọt được trạm bơm bơm trực tiếp vào khoang ghe và theo ước lượng của chiếc ghe, chủ ghe trả tiền cho trạm bơm với mỗi mét khối là 6.000 đồng. Những chiếc ghe chở nước xuôi ngược theo kênh xáng Rạch Giá-Hà Tiên, rồi rẽ vào các nhánh kênh chằng chịt của vùng tứ giác Long Xuyên, hoặc thẳng lên Hà Giang, xuôi về Tám Ngàn. Cũng có ghe ngược qua Phú Mỹ, Vĩnh Điều… nơi nào cần nước là ghe đổi nước ngọt có mặt. Tùy theo địa bàn gần hay xa, nhu cầu bức thiết hay bình thường mà các chủ ghe ấn định giá cả. Nhưng vào thời điểm này, chỉ cần lui khỏi bến, giá nước đã tăng lên hơn ba lần.
Hỏi “Chợ nước” Kiên Lương được hình thành từ bao giờ, không ai biết. Nhưng tất cả đều chắc chắn “Chợ nước” Kiên Lương đã có từ rất lâu. Khi mà cả một vùng rộng lớn từ các xã của huyện Kiên Lương đến vùng biên giới Giang Thành, Hà Tiên năm nào vào mùa khô cũng thiếu nước ngọt. Còn năm nay “chợ nước” Kiên Lương nhộn nhịp hẳn lên, bởi mùa mưa năm nay ngắn, lượng mưa ít, mùa khô kéo dài, nắng nóng… đã làm cho mực nước ở các con kênh xuống thấp và nhiễm mặn. Các ao, hồ chứa nước sinh hoạt của người dân đều khô nứt nẻ đáy.
Trong khi đó, tại thị tứ Kiên Lương, nguồn nước ngọt dường như là vô tận, cho dù cả một năm ông trời chẳng nhỏ giọt mưa nào. Nằm cách bến sông chừng vài trăm mét, ở đó có đến sáu hồ chứa nước ngọt với diện tích mỗi hồ lên đến hàng héc-ta. Sáu hồ nước được bao bọc cẩn thận bằng những con đê kiên cố, xe bốn bánh có thể lưu thông dễ dàng trên bờ hồ. Mặt nước trong xanh phẳng lặng. Trên các bờ hồ đều có bảng nội quy. Hàng năm vào khoảng tháng 10, khi con nước lũ từ thượng nguồn đổ về, nước trắng đồng, những con kênh được ngọt hóa, cũng là lúc trạm bơm nước hoạt động để đưa nước vào hồ dự trữ. Rồi nước từ hồ qua trạm bơm vào hệ thống xử lý, từ trạm cấp nước của Nhà máy xi măng Hà Tiên 2 tỏa đi cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất của nhà máy, gần hai nghìn công nhân và người dân sinh sống khu vực lân cận. Những hộ công nhân của nhà máy chỉ phải trả 500 đồng trên mỗi mét khối nước sử dụng. Với trữ lượng nước chứa từ sáu hồ, thì từ trước đến nay chưa một lần nước trong hồ bị cạn.
Gặp anh Nguyễn Văn Đại, công nhân có thâm niên 26 năm tại nhà máy xi măng đang đứng câu cá trên bờ hồ, anh Đại nói: “Trong hồ cá nhiều và to lắm. Vì quanh năm hồ không bao giờ cạn nước”. Anh Đại cũng cho biết, các hồ nước ngọt ở đây đã có tuổi thọ đến vài chục năm. Trước đây, nhà máy đào những hồ nước này để cho công nhân nhà máy xi măng sử dụng. Về sao nguồn nước quá dồi dào nên nhà máy mở rộng ra cho người dân trong khu vực và cũng vì nhu cầu nước của nhiều vùng khác nên nhà máy xuất bán để lấy một phần kinh phí cho trạm bơm.
Khát… giữa vùng lũ
Rời thị trấn Kiên Lương, trong cái nắng như đổ lửa, tôi ngược lên ngã ba Hà Giang rẽ vào năm xã biên giới của huyện Giang Thành-huyện vừa chia tách từ huyện Kiên Lương. Kinh xáng Hà Giang mùa này nước xuống rất thấp và vàng ươm. Bên trên là những cánh đồng năn cũng vàng như màu nước kinh xáng. Xa xa, trâu bò ốm trơ xương đang tìm cỏ. Những ngôi nhà lá quá bé so với không gian rộng lớn và vắng ngắt. Tôi rẽ vào một căn nhà nằm đơn độc thuộc xã Phú Mỹ, cách con lộ Hà Giang hơn 50m, xin ly nước. Nhưng nước vừa vào miệng, tôi không thể ngậm lâu bởi một vị khó tả. Chị Hậu chủ nhà cho biết: Ở vùng này vào mùa khô vô cùng khắc nghiệt về nước ngọt. Thường thì mỗi nhà có đào một cái ao bên cạnh nhà để trữ nước ngọt. “Nhưng vào mùa khô, nắng nóng, phèn từ lòng đất xì lên, nước có vị chua. Đã vậy, nhưng giờ ao đã trơ đáy. Nước dưới kinh anh thấy đó, năm nay không những chua mà còn mặn”.
Ở vùng biên giới này, không những người dân vừa nghèo về vật chất, thiếu thốn về sinh hoạt vui chơi giải trí mà còn phải đối mặt với nỗi khổ thiếu nước ngọt. Ở đây chỉ có định nghĩa "nước xài được" chứ chưa định nghĩa về "nước sạch" hay "nước hợp vệ sinh". Những gia đình khá giả xây được bồn, mua được nhiều dụng cụ chứa nước, hay những gia đình may mắn ở được những nơi “tốt” khoan được giếng nước có chất lượng tốt thì sướng, còn lại hơn 70% phải dùng nước kinh, ao, hồ… hoặc phải đổi nước với giá cao ngất. Nước có thể được mua từ hai nguồn chính: từ các giếng khoan của những gia đình trong xóm, hoặc từ ghe chở nước từ “chợ nước” Kiên Lương đổ về. “Những gia đình nghèo như gia đình tôi mua nước từ các giếng khoan trong xóm đã là khó khăn. Chứ tiền đâu mua nước ngọt từ ghe chở đến với giá từ 40-50 nghìn đồng/m3”-chị Hậu than. Chị Hậu còn cho biết, vào lúc thời tiết khắc nghiệt, tại vùng biên giới này cũng hình thành một vài “chợ” nhỏ bán nước. Người dân tập trung đến các giếng khoan bơm nước chờ nhau lấy nước, rồi trả tiền cho chủ giếng với mỗi một lần lấy nước là 6.000 đồng. “Thiếu tiền thiếu bạc còn có thể, chứ thiếu nước thì sống làm sao”.
Ngược về thị trấn Kiên Lương, qua một con đò, tôi vào xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương. Nằm cách “chợ nước” Kiên Lương không xa, đường xe cũng rất thuận tiện nhưng Hòa Điền có đến 70% hộ dân phải đổi nước vào mùa khô. Tại UBND xã Hòa Điền, chị Đặng Thị Bé, Phó Chủ tịch UBND xã nói với tôi: “Vào mùa mưa Hòa Điền có 90% số hộ dùng nước hợp vệ sinh. Nhưng vào mùa khô thì có đến 70% hộ dân trong xã thiếu nước phải đổi nước với giá cao. Vì nhiều nơi trong xã không thể sử dụng nước từ giếng khoan. Nhà tôi chỉ có ba người nhưng mỗi tháng phải chi đến 150 nghìn đồng tiền nước.” Có cầu thì ắt có cung, hàng chục gia đình trong xã có phương tiện đã chuyển sang làm nghề đổi nước vào mùa khô.
Tôi gặp lại anh Quân khi đang bơm nước lên bồn nhà bà Huỳnh Thị Ba ở ấp Thạnh Lợi. Chỉ hơn 11 giờ trưa mà ghe nước của anh đã cạn đến đáy. “Hai hôm nữa nhớ đến bơm cho tôi. Nhớ đấy tôi không gọi ai đâu?”- bà Ba nhắc đi nhắc lại với vợ anh Quân. Anh Quân cho biết, anh có rất nhiều mối quen và chỉ đổi nước lòng vòng trong xã nên chi phí ít. Theo tính toán của anh, với mỗi mét khối nước anh đổi cho bà con giá 25 nhìn đồng, thì mỗi ghe nước sau khi đã trừ chi phí vợ chồng anh còn lãi khoảng 200 nghìn đồng. Nếu mỗi ngày anh chở kịp hai ghe, thì tiền lãi là 400 nghìn đồng. Đây là một số tiền không nhỏ mà không phải nghề nào cũng có thể kiếm được ở vùng nông thôn này.
Mùa nắng năm nào cũng vậy, khi nước ngọt trở thành nhu cầu bức bách của nhiều nơi trong tỉnh. Có nơi - như ở vùng tứ giác Long Xuyên chỉ vài tháng trước, nước thượng nguồn tràn về thành lũ, người dân lắm phen khổ sở, thì mùa nắng lại càng khổ hơn vì khan hiếm nước ngọt. Trong khi ao, hồ cạn kiệt, không thể khoan giếng ngầm, chính quyền chưa thể lo được nước sinh hoạt cho dân, thì những “chợ nước” hình thành, những người làm nghề đổi nước đã nhanh chóng mang lại nguồn nước dùng duy nhất cho nhiều xóm dân. Những người này họ làm vì lợi nhuận của bản thân, nhưng xét ở một khía cạnh khác họ là những người giúp người dân giải khát.