Đề án cũng xây dựng giải pháp chia sẻ, phân bổ nguồn nước hợp lý và tối ưu trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu sử dụng của tất cả đối tượng khai thác, sử dụng nước với phương châm lấy lợi ích tổng thể của thành phố Hải Phòng làm tiêu chí đánh giá; đề xuất các khu vực cần bảo vệ và giải pháp bảo vệ môi trường nước nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước trên địa bàn thành phố cũng như các giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại do nước gây ra.
Đại biểu Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (đơn vị chủ trì đề án) nêu rõ, quy hoạch tài nguyên nước thành phố gồm 3 nội dung chính: quy hoạch phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước; quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước; quy hoạch phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Về quy hoạch phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước, ông Sản cho biết, phương án là hạn chế khai thác nước dưới đất, không cấp phép khai thác dưới đất cho các dự án đầu tư mới trên địa bàn thành phố để đảm bảo mực nước ngầm không bị hạ thấp, khả năng xâm nhập mặn vào tầng chứa nước không bị ảnh hưởng và dự trữ nguồn nước ngầm.
Đại biểu HĐND TP và các đơn vị chức năng giám sát thực tế ô nhiễm sông Rế |
Cung cấp nước phục vụ cho nhu cầu dùng nước của toàn thành phố chủ yếu bằng nguồn nước mặt, riêng đảo Cát Bà bằng nguồn nước mặt, nước mưa và nước ngầm; đảo Bạch Long Vĩ bằng nguồn nước mưa. Đáng chú ý, đối với quy hoạch bảo vệ, thực hiện cắm mốc chỉ giới bảo vệ hành lang nguồn nước, công trình thủy lợi, công trình khai thác nước. Đến năm 2020, tối thiểu 85% lượng nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi đổ vào nguồn nước, dòng chảy môi trường được duy trì để bảo vệ các hệ sinh thái thủy sinh…
Đồng tình với nội dung và tính cấp thiết của đề án, nhiều đại biểu HĐND thành phố và chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, Hải Phòng nằm ở hạ lưu hệ thống sông ngòi, do đó nguồn nước bị tác động lớn từ thượng nguồn, hiện tượng xâm nhập mặn, nguy cơ thiếu nước là hiện hữu, vì vậy phải có giải pháp, biện pháp quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Thực trạng trên địa bàn thành phố hiện có nhiều tuyến sông cùng lúc phải “cõng” nhiều chức năng như: vừa tiếp nhận nước thải, lại vừa cung cấp nguồn nước để sản xuất nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, khiến chất lượng nguồn nước mặt của thành phố suy giảm nhanh chóng.
Lấy ví dụ từ thực tế con sông Rế (An Dương). Đây là nguồn cung cấp khoảng 42 triệu m3 nước thô cho Nhà máy nước An Dương, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 80% số dân thành phố. Bên cạnh chức năng là nguồn cung cấp nước, sông Rế đang phải tiếp nhận lượng nước thải lớn với đa dạng các thành phần, chất ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt trực tiếp, lấn chiếm hành lang của các hộ dân trên địa bàn, nước thải các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang.
Có nhiều nguyên nhân song sự chồng chéo, không rõ ràng trong công tác quản lý, phân bố, sử dụng tài nguyên nước là một bất cập của tình trạng trên. Về giải pháp bảo vệ, một số chuyên gia phân tích, thành phố cần chú trọng giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, bằng công nghệ và cơ chế phân phối, quản lý, có lộ trình xử lý các điểm “nóng” ô nhiễm nguồn nước, xác định thứ tự công trình ưu tiên đầu tư thực hiện quản lý, bảo vệ, đồng thời huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Phó chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Đình Bích cho rằng: bảo vệ nguồn nước thành phố là nhiệm vụ cấp bách, thiết thực bảo vệ sức khỏe người dân. Ngành Tài nguyên - môi trường cần đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; trong đó việc triển khai quy hoạch nguồn nước chú trọng xây dựng quy hoạch hệ thống thu gom nước thải; xây dựng quy hoạch và có kế hoạch áp dụng công nghệ nông nghiệp sạch; xây dựng các công trình bảo vệ sông, các dự án tiểu vùng thu gom nước thải; kế hoạch giải tỏa các công trình xây dựng trong phạm vi chỉ giới bảo vệ nguồn nước.
Box: Theo đề án quy hoạch, trữ lượng nguồn nước mặt của thành phố hơn 77,2 tỷ m3/năm; trong đó có 19,6 tỷ m3/năm có khả năng khai thác song hạn chế là hàm lượng bùn cát lớn, nguy cơ xâm nhập mặn cao, trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Năm 2012, tổng nhu cầu nước của toàn thành phố là hơn 1,4 tỷ m3/năm; dự báo đến năm 2020, nhu cầu tăng lên gần 1,5 tỷ m3/năm, đến năm 2030 là 1,56 tỷ m3/năm. Trong đó, nhu cầu nước cho nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và sinh hoạt.
Tác giả bài viết: ĐỖ HIẾU
Nguồn tin: www.anhp.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn