Những xe ba gác chở nước ngọt đi bán như thế này đã xuất hiện khá phổ biến ngay tại Hà Tiên (Kiên Giang)
Dự báo dòng chảy trên sông Mê Kông năm nay thiếu hụt so với trung bình nhiều năm trước từ 20-30%. Hiện khu vực ĐBSCL có đến 20% diện tích đất tự nhiên bị nhiễm mặn; đã có tới 1/3 dân số tại khu vực này đang thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng…
Tất bật tìm nước
Những ngày gần đây, thời tiết tại ĐBSCL vẫn tiếp tục nắng nóng. Hầu hết các tuyến sông chính thông ra biển trong khu vực như sông Cửa Đại, Cửa Tiểu, Hàm Luông, Cổ Chiên, Định An, Trần Đề, Ông Đốc… đều đã bị xâm mặn. Trên các tuyến sông này, nước mặn đã lấn sâu vào vùng ngọt hóa trên 40km. Nghiêm trọng nhất là trên sông Ông Đốc, nước mặn xâm nhập tới 70km vào khu vực Biển Nhị, Trần Văn Thời, Khánh Bình, Tắc Thủ, Khánh Hòa (Cà Mau) và cả huyện An Minh (Kiên Giang). Ngay như tỉnh Hậu Giang – một địa phương vùng “ruột” của tiểu vùng Tây sông Hậu, cũng đã bị nước mặn lấn vào một số tuyến kênh rạch nội đồng đe dọa lúa, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.
Giờ đây, nông dân trong vùng ĐBSCL đang tất bật bơm nước ngọt chống hạn mặn, cứu hàng chục ngàn ha lúa đông xuân, còn ngổn ngang bao nỗi lo toan cho vụ hè thu sắp tới bởi chi phí sản xuất sẽ đội lên trong khi xăng dầu tăng giá, còn giá lúa thì vẫn thấp thỏm khi sụt, khi trồi. Trong khi đó, ở những tỉnh gần biển, hàng chục ngàn hộ dân còn phải tất bật với việc tìm nước giải quyết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Rất nhiều giếng nước ngầm ở các địa phương đã bị nhiễm mặn hoặc đã kiệt nước ngọt không thể sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Đơn cử, tại tỉnh Bạc Liêu, đã có trên 41% các trạm cấp nước tập trung bị ảnh hưởng xâm mặn, hạn hán; tại Sóc Trăng có 38% và tại An Giang cũng đã có tới 33,5% trạm cấp nước tập trung bị ảnh hưởng bởi xâm mặn, hạn hán.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều giếng nước ngầm bị nhiễm mặn, cạn kiệt rất đáng lo ngại, được xác nhận từ lãnh đạo các cơ quan chức năng trong vùng là do mực nước ngầm tụt giảm mạnh. Theo Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu, mực nước ngầm tại địa bàn này đã sụt giảm ở tầng 2 (mực khai thác nước phổ biến) 0,24m so với năm trước và giảm tới 5m so với năm 1999.
Phải mua từ 30-120.000đ/1m3 nước ngọt !
Người dân đã phải đi xa lấy nước, thậm chí phải mua nước sinh hoạt với giá vài chục ngàn đồng/khối. Tại xã Thạnh Phước (Bến Tre): “Cả xã hiện giờ không tìm đâu ra nơi đào giếng có nước ngọt để bà con xài. Giải pháp thì… bế tắc!” – Chủ tịch UBND xã than thở. Tại xã này, đã có trên 2.000 hộ phải mua nước “lợ” để sinh hoạt hàng ngày, với giá 60.000đ/1 xe bồn (2 khối), có lúc khan hiếm, phải mua tới 80.000đ, thậm chí 100.000đ/xe. Nguồn nước này, do các chủ xe bồn đào giếng lấy từ xã Đại Hòa Lộc, vận chuyển hàng chục km về đây bán. Những chiếc xe bồn chạy ì ạch suốt ngày đêm vẫn không kịp cung cấp. Theo tính toán của bà con, tiết kiệm thì mỗi ngày cũng phải tốn vài chục ngàn đồng tiền nước.
Còn ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau), người dân mua nước ngọt với giá 30.000 đồng/1m3. Ở huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang), những xã không có giếng nước tập trung, không khoan giếng nước được, người dân phải mua nước sinh hoạt với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/m3 - đặc biệt tại các huyện đảo người dân phải mua nước ngọt với giá lên đến 120.000đ/1m3. Tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), chính quyền phải phát lệnh cấm dân sử dụng nguồn nước “lợ” ao hồ tuới cây, tắm gia súc để giữ nguồn nước ưu tiên phục vụ cho sinh hoạt.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng hệ thống cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho cư dân các địa phương gần biển là vấn đề không thể không làm trong tiến trình chung sống với biến đổi khí hậu. Nhưng trước mắt, cư dân ở đây đang có chung một điều ước: chính quyền, cơ quan chức năng kịp thời tổ chức phương tiện, vận chuyển nước ngọt cung cấp cho bà con, giải quyết ngay cơn khát cho dân. Sau đó, tính việc căn cơ lâu dài, rồi bắt tay vào làm và làm quyết liệt thì cũng còn… chưa muộn !
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Tình trạng xâm nhập mặn đang diễn biến xấu tại ĐBSCL. Dự báo dòng chảy trên sông Mê Kông năm nay thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm khoảng 20 - 30%. Có khả năng ĐBSCL sẽ lặp lại hạn hán lịch sử kể từ năm 1998. Trong tháng 4 và đầu tháng 5, nước mặn sẽ tiếp tục lên cao tại các tỉnh ven biển. Mùa mưa năm vừa rồi dứt sớm và sẽ bắt đầu muộn hơn trung bình nhiều năm từ 10-15 ngày.